05/11/2010 07:48 GMT+7

Kiểm soát nợ công dưới 60% GDP

ĐÀM VĂN ĐẢNG thực hiện
ĐÀM VĂN ĐẢNG thực hiện

TT - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng tốc độ vay nợ của VN từ năm 2009 đến nay rất nhanh, cần tính toán khả năng trả nợ và phải có chiến lược về nợ công. Ông Hiển nói:

Sk0cgWW7.jpgPhóng to
Ông Phùng Quốc Hiển - Ảnh: K.H.

- Nợ công trên thế giới không có công thức, tỉ lệ chung. EU đưa ra thỏa thuận với các nước thành viên là nợ công không quá 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bội chi không quá 3%. Theo tôi, nợ công một nước cần tính đến cái quan trọng nhất là khả năng trả của nền kinh tế, hiệu quả sử dụng thế nào. Như Argentina, nợ không đến mức 50-60% GDP nhưng vẫn khủng hoảng. Đó là bài học.

* Nhiều đại biểu cho rằng nợ công của VN đã vào khoảng 70% nếu tính theo thông lệ quốc tế. Ủy ban Tài chính - ngân sách đánh giá thế nào?

- Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công của VN mới ở khoảng 57% GDP. Tất nhiên công thức tính là theo luật của chúng ta, gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ địa phương. Một số nơi cho rằng phải tính cả nợ của ngân hàng chính phủ, doanh nghiệp nhà nước vào, nhưng ta chỉ có thể tính theo Luật quản lý nợ công.

Theo đánh giá của chúng tôi, chỉ có thể nói nợ của VN trong ngắn hạn là an toàn. Vì cơ cấu nợ của VN, 75% là vay ODA, lãi suất dưới 2%, thời gian vay 30-40 năm. An toàn vì chưa đến hạn trả nợ, sức ép ngắn hạn chưa có. Nhưng lợi thế nguồn vay này sẽ không còn. Trong khi đó, đầu tư nguồn vay nợ ngày nay không hiệu quả. Đó là cảnh báo trong trung hạn, dài hạn.

Chúng tôi đã có giám sát tình hình nợ công, theo dõi rất kỹ vấn đề này. Nhưng không thể lấy ngưỡng nào là an toàn mà phải xem khả năng trả đến đâu thì vay đến đó. Đặc biệt phải nâng hiệu quả sử dụng vốn vay.

* Tuy nhiên ngay cả khoản nợ Vinashin mà Chính phủ không bảo lãnh, nhưng có thể Chính phủ phải trả...

- Vinashin đang trong quá trình xử lý, tôi tin Chính phủ sẽ có cách làm đúng. Mọi vấn đề kinh tế rất phức tạp vì đan xen nhau. Cái này cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh, không thể một chiều. Cần xây dựng cơ chế, hành lang tốt để quản các tập đoàn. Thị trường là chiến trường, có thua lỗ, mất mát, thắng lợi đều dễ xảy ra. Thất thoát là tất yếu nếu không kiểm soát tốt. Nên bình tĩnh xử lý.

* Từ năm 2009 đến nay nhiều chuyên gia cho rằng VN đã vay quá nhiều, quá nhanh?

- Đúng như vậy. Đó là giai đoạn chống lạm phát, suy thoái. Theo giải pháp chung của các nước, 2009-2010 phải tăng chi tiêu Chính phủ, đặc biệt tăng đầu tư rất lớn, khiến nợ Chính phủ tăng nhanh (từ 34% lên trên 44%). Nhưng bước vào giai đoạn tới, bắt đầu ổn định rồi, theo tôi, nợ công không thể tăng nhanh với tốc độ như vậy nữa. Phải tăng thu ngân sách, cơ cấu lại chi tiêu, giảm bội chi xuống. Đến năm 2013, tất cả khoản thu, chi phải đưa vào ngân sách hết, chứ không nên để có khoản trong, ngoài ngân sách như hiện nay.

* Kỳ họp trước dân nghe nói nợ Chính phủ dưới 50% nên vẫn an toàn, kỳ này nói đã lên đến 57% nhưng cũng nói vẫn an toàn?

- Sau khi Luật quản lý ngân sách ra đời, chúng ta có khái niệm nợ công chứ trước đây chỉ có nợ Chính phủ. Nợ Chính phủ giờ vẫn dưới 50%, còn nợ công, gồm cả nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ địa phương, thì lên tới 57%. Quan điểm của Ủy ban Tài chính - ngân sách vẫn nhất quán: nợ công nên dưới 60% GDP, trong đó nợ Chính phủ không nên quá 50% GDP.

Huy động trái phiếu Chính phủ gặp khó

Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội vừa có báo cáo giám sát “việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về quản lý, phân bổ và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010”. Theo đó, đến thời điểm này tổng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ yêu cầu cho các công trình, dự án trong danh mục đã lên tới 246.447 tỉ đồng, lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu 63.064 tỉ đồng.

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính - ngân sách đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, trong đó có việc tổng mức đầu tư các công trình, dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ tăng quá cao so với khả năng cân đối của ngân sách, ảnh hưởng đến khả năng vay và trả nợ. Cụ thể, hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu. Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hai lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng... mà còn điều chỉnh cả về thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án, có những dự án vừa thi công, vừa đấu thầu, vừa điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Trước yêu cầu nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành các công trình, dự án có trong danh mục giai đoạn 2003-2010 đã tăng thêm nhiều so với dự toán ban đầu, Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng việc cân đối nguồn lực trung hạn trong tương lai để thực hiện các công trình, dự án được phê duyệt sẽ làm tăng nhanh nợ Chính phủ trong thời gian ngắn.

Ủy ban Tài chính - ngân sách kiến nghị đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các thu, chi khác của Nhà nước vào trong cân đối ngân sách nhà nước bắt đầu từ năm 2013. Thực hiện rà soát các công trình sử dụng vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, siết chặt và lập lại trật tự trong đầu tư công, riêng nguồn trái phiếu Chính phủ không cho phép bổ sung danh mục mới, kiên quyết loại bỏ các dự án không hiệu quả, thời gian thực hiện kéo dài...

* Tin, bài liên quan:

Kết luận của Bộ Chính trị về VinashinVinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồngVinashin vẫn phải trả khoản nợ nước ngoàiVinashin đứng trước nguy cơ phá sảnBắt nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình

ĐÀM VĂN ĐẢNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên