04/09/2010 06:59 GMT+7

Phải trị "bệnh" nhập siêu

PGS.TSTRẦN HOÀNG NGÂN
PGS.TSTRẦN HOÀNG NGÂN

TT - Theo PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để ổn định vĩ mô, không thể tăng tỉ giá VND/USD mãi mà cần có chiến lược tiến tới xuất siêu nhằm ổn định tỉ giá. Ông nói:

RNnljzMG.jpgPhóng to
Nhập siêu trong những năm gần đây - Đồ họa: Ngọc Thành

- Từ năm 1986 đến nay tăng trưởng kinh tế khá cao, GDP bình quân tăng 7%/năm, thu nhập đầu người tăng lên 1.160 USD. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải đối mặt với thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề nhập siêu. Nhập siêu những năm qua đều ở mức rất cao, làm giảm nguồn dự trữ ngoại hối, phải liên tục tăng tỉ giá, làm giảm sức mua của đồng tiền. Vì vậy, để có thể tăng trưởng bền vững cần phải kiểm soát nhập siêu.

* Cơ sở nào để ông cho rằng nhập siêu đã ở mức báo động?

- Mục tiêu đặt ra là kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu. Chúng ta chỉ tính đến cán cân thương mại (chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu với nhập khẩu). Chỉ tiêu này chưa phản ánh hết bản chất của vấn đề. Trên thế giới, người ta còn tính thêm cán cân thanh toán vãng lai bao gồm cán cân thương mại và các khoản thu chi về dịch vụ (ngoại tệ chi cho du lịch, chữa bệnh, chuyển kiều hối ra nước ngoài, trả nợ...). Nếu cộng các khoản này thì thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai của VN cao hơn. Thông thường, nếu cán cân thanh toán vãng lai vượt quá 5% GDP là đã ở mức báo động, trong khi chúng ta trong ba năm qua liên tục ở mức 8% GDP.

Do nhập siêu cao nên thời gian qua chúng ta liên tục điều chỉnh tỉ giá VND/USD. Năm 2010, có thể đạt mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng số nhập siêu tám tháng là 8,2 tỉ USD và dự kiến cả năm khoảng 13 tỉ USD. Những năm tới đây, nếu không kiểm soát nhập siêu tốt, khoảng cách giữa các lần tăng tỉ giá sẽ gần hơn, ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân cũng như môi trường đầu tư.

o9gAyAc8.jpgPhóng to

"Năm 2007, nhập siêu tăng gần ba lần so với năm 2006, từ 5,1 tỉ lên 14,1 tỉ USD là do ở thời điểm đó thị trường chứng khoán, bất động sản tăng nóng, người dân có nhiều tiền để mua sắm; đầu tư xã hội lên đến 45,6% GDP trong khi các năm trước chỉ có 40% GDP; tăng tín dụng cũng ở mức kỷ lục, đến 54% trong khi các năm trước chỉ tăng khoảng 25%. Vì vậy cũng nên tính toán có thể chọn tăng trưởng bền vững, chấp nhận GDP hằng năm tăng ở mức 6,5% thay vì trên 7%"

* Có ý kiến cho rằng số ngoại tệ từ nhập siêu đã được bù đắp thông qua việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, vay nợ...

- Chúng ta đã ưu đãi để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giải ngân nguồn vốn này, xem đó là nguồn thu ngoại tệ để bù đắp cho số nhập siêu. Tuy nhiên, nếu duy trì mãi chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, về lâu dài càng làm cho tình hình nhập siêu trầm trọng hơn. Đó là các dự án bất động sản, khi khởi động họ sẽ cần rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vật tư xây dựng, sau đó bán sản phẩm tại thị trường VN và tìm mua ngoại tệ để chuyển về nước.

Các dự án sản xuất hàng tiêu dùng cũng thế. Các nhà đầu tư nước ngoài với thế mạnh về vốn, công nghệ lấn lướt các doanh nghiệp trong nước. Họ nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sau đó bán tại thị trường VN, khi có lợi nhuận thì họ chuyển ngoại tệ về nước. Nếu cứ xem việc thu hút FDI để bù đắp thâm hụt ngoại tệ thì chẳng khác nào lấy cái sau trả cái trước.

Nhiều năm qua, chúng ta quá quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài mà chưa quan tâm ưu đãi doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cũng bỏ quên thị trường trong nước, để hàng hóa nước ngoài tràn ngập. Vì vậy phải thay đổi, chỉ chấp nhận nhập khẩu máy móc thiết bị chứ không thể chi ngoại tệ ra nhập nhiều hàng tiêu dùng. Ngay cả việc vay nợ để bù đắp vào khoản thâm hụt do nhập siêu cũng chỉ là giải pháp tình thế.

* Nhưng hỗ trợ gì cho doanh nghiệp khi chúng ta phải tuân thủ các cam kết về công bằng trong kinh doanh khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới?

- Việc kiểm soát nhập siêu thông qua hàng rào kỹ thuật chỉ là một giải pháp. Quan trọng nhất là phải giúp doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chúng ta phải tính toán lại, nên có thêm ưu đãi cho doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế và trong khả năng cho phép. Có nhiều biện pháp hỗ trợ như vốn, thuế, chính sách về đất đai....

Về vốn, cần phải giảm lãi suất huy động xuống 8%/năm, hiện 11% là rất cao. Lãi suất cho vay phải kéo xuống phổ biến chỉ còn 12%/năm. Doanh nghiệp trong nước khó giảm được giá bán hàng hóa khi lãi suất đang cao ngất ngưởng. Các nước khác ngân hàng trung ương áp dụng lãi suất chưa tới 1%/năm, trong khi ở VN là 7-8%/năm. Cái này thì theo thị trường, không bị ràng buộc cam kết với các nước.

Muốn giảm lãi suất, ngoài các biện pháp về chính sách tiền tệ, cũng cần thay đổi tư duy người gửi tiền phải được hưởng lãi suất dương (lãi suất tiền gửi tiết kiệm phải cao hơn lạm phát). Bởi vì như thế khuyến khích gửi tiền để lấy lãi tiêu xài hơn là đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời phải cho Ngân hàng Nhà nước quyền lớn hơn để có thể can thiệp thị trường trong trường hợp ngân hàng giảm lãi suất huy động, người gửi tiền không còn được hưởng lãi suất cao như hiện nay.

* Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng muốn kiểm soát được nhập siêu cũng cần phải kiểm soát chi tiêu công, đặc biệt là phải giảm mức bội chi ngân sách?

- Bội chi ngân sách ở mức cao là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên nhập siêu. Khi ngân sách chi tiêu nhiều, nhu cầu mua sắm cũng cao hơn, với những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được thì phải chi ngoại tệ để nhập khẩu. Để giải quyết hài hòa bài toán nhập siêu cũng cần phải kiểm soát bội chi ngân sách, phải giảm xuống còn 5% và mục tiêu tiếp theo là chỉ còn 3% GDP. Ngay cả trong chi tiêu ngân sách cũng phải ưu tiên cho hàng VN, bên cạnh việc vận động người Việt dùng hàng Việt.

* Các nước xung quanh có rơi vào tình trạng nhập siêu như VN và họ đã xử lý vấn đề này thế nào?

- Các nước trong khu vực cũng từng rơi vào tình trạng nhập siêu khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 1997, họ đã phải điều chỉnh. Kể từ năm 2002 đến nay các nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia... chẳng những đã thoát khỏi cảnh nhập siêu mà còn trở thành nước xuất siêu.

Kiểm soát nhập siêu có thể làm theo hai giai đoạn. Trong năm năm tới đưa nhập siêu về dưới 10% kim ngạch xuất khẩu, năm năm tiếp theo là cân bằng và tiến tới xuất siêu. Chỉ khi xuất siêu, dự trữ ngoại hối tăng lên thì chúng ta bớt lo về tăng tỉ giá, khi đó có thể tiến tới tự do hóa chuyển đổi VND.

Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chiến lược phát triển của từng ngành nghề. Ngành dệt may, da giày, làm sao phải nâng cao tỉ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu. Hiện ngành dệt may kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD/năm nhưng cũng chi nhiều tỉ USD để nhập nguyên phụ liệu.

PGS.TSTRẦN HOÀNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên