24/07/2010 07:28 GMT+7

Buôn thiếu bạn, bán thiếu phường

T.MẠNH - N.BÌNH - B.HOÀN ghi
T.MẠNH - N.BÌNH - B.HOÀN ghi

TT - Chuối, nấm, tăm tre, cám gạo... là những mặt hàng trong nước hoàn toàn có thế mạnh sản xuất nhưng vì sao vẫn được nhập khẩu? Giải quyết vấn đề trên như thế nào? Để kết thúc loạt bài này, Tuổi Trẻ xin giới thiệu góc nhìn từ chính các nhà sản xuất trong nước và các chuyên gia...

Q0yxlWow.jpgPhóng to

Người tiêu dùng chọn mua nấm nhập khẩu từ Trung Quốc tại siêu thị Big C, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Kỳ 1: Mua tăm tre từ Trung Quốc Kỳ 2: Nấm ngoại tung hoànhKỳ 3:Chi hàng triệu USD nhập cám gạoKỳ 4:Miếng rửa chén triệu USD

* Ông Vũ Ngọc Quỳnh (giám đốc chi nhánh phía Nam Công ty tăm tre Á Đông):

Chúng tôi đã bị siêu thị từ chối

Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng việc tăm nhập khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước không phải do các nhà sản xuất trong nước không làm được mặt hàng này, hoặc sản xuất không đủ nhu cầu tiêu thụ. Trên thực tế, chúng tôi có dư năng lực để sản xuất và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng cả về số lượng và chất lượng. Từ số liệu báo Tuổi Trẻ cung cấp có thể thấy tăm tre nhập khẩu (chỉ riêng hàng về qua cảng Cát Lái) đã chiếm 35-40% thị phần tiêu thụ tăm tại khu vực phía Nam.

Như vậy, nếu tính tăm nhập về qua các cảng khác và hàng về từ khu vực phía Bắc chuyển vào (rất nhiều tăm tre được nhập và chuyển vào thị trường TP.HCM từ phía Bắc), tăm nhập khẩu chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần tiêu thụ. Theo tính toán của chúng tôi, hiện mỗi tháng lượng tiêu thụ tăm tre của khu vực phía Nam gần 400 tấn. Trong khi đó, công ty chúng tôi có thể sản xuất được 60-70 tấn tăm nhọn hai đầu, 10 tấn tăm VIP và gần 400 tấn tăm đầu bằng.

Dù năng lực sản xuất vượt cả quy mô tiêu thụ nhưng để đưa hàng đi tiêu thụ, cạnh tranh với hàng ngoại lại không dễ dàng. Khi xâm nhập thị trường phía Nam, nhiều lần chúng tôi bị siêu thị từ chối thẳng thừng ngay khi vừa mở miệng chào mua hàng.

* Ông Hoàng Trọng(giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM):

Cần sự hỗ trợ từ xa của Nhà nước

Nước ta là xứ chuối mà chuối nhập khẩu cũng đã có mặt. Đó là câu chuyện báo động. Chuối là trái cây có mùa vụ quanh năm, thà rằng những trái cây khác như xoài, măng cụt chủ yếu trồng theo thời vụ, khi trái mùa có thể hàng nhập khẩu xuất hiện. Chuối chỉ là khởi đầu cho quá trình hội nhập, sau chuối sẽ còn nhiều nông sản khác tràn vào VN.

Đặc điểm các nông sản nhập khẩu vào VN là dù đi đường xa thế nào khi sang thị trường này vẫn tươi xanh, bóng đẹp. Nông sản VN thì giá trị giảm dần tỉ lệ thuận với quãng đường vận chuyển do việc bảo quản sau thu hoạch đến thị trường tiêu thụ còn kém.

Hạn chế tình trạng nhập khẩu nông sản một cách báo động như hiện nay bằng hàng rào kỹ thuật chỉ giải quyết được phần ngọn. Gốc của vấn đề là nông sản trong nước phải gia tăng giá trị sử dụng thông qua biện pháp kỹ thuật và sự hỗ trợ từ xa của Nhà nước.

* Ông Lương Vạn Vinh (giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo):

Nâng cao lòng tin của người tiêu dùng

Ngoại trừ một số sản phẩm, nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp trong nước chưa cung ứng được hiện nay có rất nhiều sản phẩm VN sản xuất tốt, giá rẻ nhưng hàng ngoại vẫn xuất hiện và được tiêu thụ mạnh.

Cùng một sản phẩm nước giặt áo quần, hàng Việt chỉ 23.000 đồng/lít, hàng của các thương hiệu quốc tế đến 47.000-48.000 đồng/lít nhưng vẫn bán chạy cho dù đều được mua nguyên liệu từ một nhà cung cấp, cùng công nghệ sản xuất.

Nhiều sản phẩm VN được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, vượt qua các vòng kiểm tra chất lượng gắt gao nhưng lại khó cạnh tranh ngay trên đất nước mình, chứng tỏ năng lực cạnh tranh của hàng hóa, nhà sản xuất trong nước vẫn hạn chế.

Doanh nghiệp tự tin về chất lượng sản phẩm làm ra nhưng thiếu sự kết hợp đồng bộ để đưa sản phẩm ra thị trường và trụ vững lâu dài. Trong khi chờ đợi những hàng rào kỹ thuật từ phía quản lý nhà nước, quan trọng vẫn là ý thức người tiêu dùng.

* Bà Trần Lê Thu Thảo (tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại Dona):

Chúng tôi bị đánh bật khỏi thị trường nội địa

Dù những người sản xuất và kinh doanh trong ngành nấm đã cảm nhận được sức ép từ Trung Quốc trước đó nhưng không ngờ nó lại đến nhanh và khốc liệt như vậy. Hiện nấm Trung Quốc đã chiếm trên 70% thị trường VN. Các công ty đang phải giảm chủng loại nấm ăn vì không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc hoặc phải tìm cách xuất khẩu ra nước ngoài.

Chúng tôi không biết cơ quan chức năng đã phân tích các loại nấm nhập khẩu trước khi đưa vào thị trường hay chưa, và các nhà phân phối có kiểm soát được chất lượng hay không. Chỉ biết rằng việc đưa hàng Việt vào các siêu thị và hệ thống bán lẻ nội địa gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nơi nhân viên phụ trách mua còn đòi tiền hoa hồng mới đồng ý ký hợp đồng.

Hiện nhiều nhà sản xuất nấm trong nước đang chuyển hướng tìm các thị trường để xuất khẩu bởi không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Nếu Nhà nước không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và hỗ trợ về chính sách cho người sản xuất nấm thì sớm muộn thị trường nấm trong nước cũng bị hàng nhập khẩu chiếm hết.

* Ông Nguyễn Văn Long (giám đốc Công ty TNHH Hương Cảnh, Hóc Môn, TP.HCM):

Nông dân Trung Quốc được hỗ trợ rất nhiều

Tôi từng đi tham quan thực tế sản xuất nông nghiệp tại Vân Nam (Trung Quốc) và thấy người dân tại đây được hỗ trợ từ nhà nước rất nhiều và rất thiết thực. Nhà nước không cho tiền trực tiếp người dân mà đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu ra các loại giống mới, công nghệ mới, máy móc... để phục vụ người dân. Nông dân được hỗ trợ về giống, phân bón, tiền vận chuyển... nên giá thành rất thấp.

Trong khi đó ở VN nông dân và các đối tượng tham gia nông nghiệp ít được hỗ trợ. Những công ty tham gia sản xuất nông nghiệp như chúng tôi thường phải bỏ tiền túi để cung cấp giống, phân bón... cho người dân. Có nhiều chương trình vay vốn hỗ trợ nông nghiệp nhưng để tiếp cận được nguồn vốn này là điều không dễ dàng.

* TS Mai Quốc Vọng (Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội):

Quyết định vẫn là giá thành

Khi đã hội nhập chúng ta phải xác định sẽ cạnh tranh khốc liệt với bên ngoài. Nhưng thực tế, chúng ta đã không chuẩn bị được các điều kiện đủ để tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao và giá thành thấp. Chất lượng cao sẽ là xu hướng toàn cầu, vì vậy yếu tố cạnh tranh cuối cùng chính là giá thành. Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, có những chính sách trợ giúp nông dân sản xuất với chi phí rẻ hơn, trong khi những trợ giúp cho nông dân VN chưa đủ và rõ ràng.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn cho mình có lợi thế giá nhân công rẻ nhưng thực tế thì giá thành sản xuất hàng nông sản VN thường cao hơn các nước do tác động của nhiều yếu tố khác. Đó là một nền sản xuất manh mún rất khó tập trung để sản xuất những loại hàng hóa đồng nhất về mẫu mã và chất lượng với khối lượng lớn.

Công nghệ sau thu hoạch của chúng ta quá kém nên không thể đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm khi vận chuyển từ vùng trồng đến nơi tiêu thụ. Hệ thống hạ tầng yếu kém vừa giảm chất lượng nông sản vừa tăng giá thành.

T.MẠNH - N.BÌNH - B.HOÀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên