24/09/2009 02:00 GMT+7

Khai thác cát sông ở ĐB SCL: Vẫn cạp hút ồ ạt

VÂN TRƯỜNG -  QUANG VINH - PHƯƠNG NGUYÊN - ĐỨC VỊNH
VÂN TRƯỜNG -  QUANG VINH - PHƯƠNG NGUYÊN - ĐỨC VỊNH

TT - Trước thực trạng khai thác cát ồ ạt ở ĐBSCL, đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) và chính quyền các tỉnh đã vào cuộc kiểm tra tình hình khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu ở các tỉnh ĐBSCL.

Khai thác cát sông ở ĐB SCL: Vẫn cạp hút ồ ạt

TT - Trước thực trạng khai thác cát ồ ạt ở ĐBSCL, đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) và chính quyền các tỉnh đã vào cuộc kiểm tra tình hình khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu ở các tỉnh ĐBSCL.

ImageView.aspx?ThumbnailID=363272

Công an xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) bắt quả tang ghe hút cát lậu trưa 16-9 - Ảnh: Vân Trường

Tuy nhiên, khi trở lại các điểm nóng, chúng tôi ghi nhận nhiều nơi vẫn khai thác cát không hề giảm.

Mặc sạt lở, vẫn cạp hút bừa bãi

Giữa tháng 9, chúng tôi đến khu vực xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), nơi “sa tặc” hoạt động mạnh nhất ở Tiền Giang nhiều năm nay. Trên một đoạn sông Tiền chừng 1km với hai khu vực được cấp phép khai thác, trước mắt chúng tôi là tám cần cẩu liên tục thả những chiếc gàu khổng lồ xuống sông múc cát đổ lên sà lan. Không chỉ thế, cùng lúc này năm chiếc ghe gỗ khai thác lậu nổ máy chạy ầm ầm.

Khoảng một giờ sau, chúng tôi cùng phó công an xã Nguyễn Thành Hóa mượn chiếc ghe máy của một hộ dân ấp Tân Thái chạy ra sông tìm hiểu một chiếc ghe không số đang mải mê bơm cát. Ba người trên ghe bất ngờ trước sự xuất hiện của công an nhưng vẫn tỉnh rụi. Hai người dùng cây sào dài chừng 5m quơ ngang khiến chúng tôi phải cúi người xuống né.

Một người bước vào khoang máy bấm điện thoại gọi cho “anh Tám” nào đó. Ông Hóa yêu cầu những người trên ghe cát xuất trình giấy phép khai thác, giấy tờ tùy thân: im lặng; yêu cầu nhổ neo lai dắt về trụ sở công an xã: không chấp hành. Cuối cùng ông Hóa tạm giữ chiếc bình ắcquy để ngăn chặn ghe này khai thác tiếp.

Tại khu vực gần cầu Rạch Miễu (P.6, TP Mỹ Tho), tình hình khai thác còn dữ dội hơn. Khoảng 14g, khi chúng tôi đến, bốn chiếc ghe hút cát lậu đang tập kết cạnh cầu Bình Đức trên đường ĐT 864. Đến khoảng 16g số ghe này nổ máy vọt ra giữa sông Tiền, cách cầu Rạch Miễu chừng 200m, thả ống hút xuống sông và hút cát lên ghe dù hoạt động này chỉ cách Sở TN-MT chừng 1km.

Trên đoạn sông Hậu thuộc địa phận huyện Châu Thành (An Giang), khá nhiều điểm tập trung đông phương tiện đang lấy cát: xáng liên tục thả gàu múc cát đổ lên sà lan; ghe thả vòi bơm hút cát lên ghe... Chiếc này đầy cát lao đi, chiếc khác tới. Ông Hồ Tường Huấn, phó Phòng TN-MT Châu Thành, cho biết khu vực này ngoài ba mỏ cát được cấp phép còn là điểm nóng khai thác cát lậu.

Ngược lên Châu Đốc, tại khu vực cù lao Bình Thủy (An Giang), ngày đêm có mặt ba chiếc xáng lấy cát cho cả chục sà lan chờ sẵn. Cạnh đó là nhiều ghe thường xuyên bơm hút.

Tại Đồng Tháp, dọc sông Tiền, ngoài các mỏ cát với dàn xáng múc, sà lan, còn hàng chục điểm tập trung đông ghe bơm hút. Nhiều hộ dân sống cạnh các mỏ khai thác ở Thanh Bình cho biết ban ngày các xáng thường múc cát ngoài phạm vi phao giới hạn khu vực mỏ, còn đêm tiến sát gần bờ.

Hậu quả của việc khai thác bừa bãi này rất rõ: quanh cù lao Tân Phong chúng tôi ghi nhận tình trạng sạt lở đã và đang vượt quá sự kiểm soát. Phó chủ tịch xã Kiều Mạnh Quân cho biết: hơn 18km dọc hai bên cù lao đều bị sạt lở, nhẹ vài mét, nặng thì 20-30m. Hàng trăm ngàn cây bần chắn sóng và cây ăn trái của bà con bị bật gốc xuống sông. Hàng chục căn nhà bị “hà bá” ngoạm phải di dời hoặc bỏ xứ mà đi.

Đồng Tháp hiện có 37km bờ sông thuộc địa bàn 35 xã, phường, thị trấn của chín huyện, thị xã, thành phố đang bị sạt lở. Từ đầu năm tới nay việc sạt lở bờ sông đã làm chết và bị thương ba người, gây thiệt hại trên 12 tỉ đồng. An Giang có 42 điểm sạt lở nguy hiểm mà người dân và chính quyền địa phương cho rằng một phần do khai thác cát.

Riêng tại An Giang, đoạn từ Phú Bình tới Phú Hiệp sạt lở nặng, hàng trăm hộ dân lần lượt mất đất, mất nhà khiến tỉnh phải cắm các biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm. Ở cù lao Bà Hòa, huyện Châu Thành, bờ sông hiện lở hơn 2.000m, có nơi sâu vào bờ 10-15m, làm mất trên 2ha đất mỗi năm...

Hoạt động công khai, vì sao?

Xã cù lao Vĩnh Trường, huyện An Phú, tỉnh An Giang hiện có năm doanh nghiệp đang khai thác cát với sản lượng trên 1,8 triệu m3/năm, nhưng trên thực tế chắc chắn hơn nhiều. Mặc dù chính quyền nơi đây đã cố gắng ngăn chặn việc khai thác cát bừa bãi, tuy nhiên ông Nguyễn Trần Sơn - cán bộ địa chính xã - cho biết: “Chúng tôi không thể kiểm tra được khối lượng khai thác cát của các doanh nghiệp”.

Về vấn đề này, ông Phạm Minh Trí - bí thư Huyện ủy huyện An Phú - cho biết huyện đã nỗ lực tổ chức giám sát nhưng “chúng tôi chưa có đủ thông tin trong hoạt động cấp phép và tổ chức khai thác cát, cũng như việc sử dụng lượng cát khai thác được (bao nhiêu, chở đi đâu, dùng vào việc gì, cách thức khai thác cụ thể thế nào - PV). Hậu quả là thiệt hại về môi trường, thất thu thuế tài nguyên cho ngân sách nhà nước rất lớn”.

Các tỉnh đều có chỉ thị nghiêm cấm và tăng cường kiểm tra nhưng tình hình khai thác vận chuyển cát trái phép không vì thế mà giảm đi. Trên sông Hậu, thuộc địa bàn xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang), nhiều ghe tàu hút cát trái phép bị công an bắt giữ nhưng không hiểu sao tình trạng trộm cát vẫn tái diễn công khai (!).

Sáng 15-9, trên đoạn sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang), một người dân báo tin có bốn chiếc ghe hút cát lậu tải trọng lớn vừa bị đoàn thanh tra liên ngành của huyện bắt giữ. Chúng tôi liên hệ với đại úy Nguyễn Văn Thạnh, đội trưởng đội cảnh sát kinh tế huyện Châu Phú (An Giang). Đại úy Thạnh xác nhận thông tin trên hoàn toàn chính xác, tuy nhiên từ chối trả lời việc xử lý cụ thể (thời gian bắt giữ, mức phạt...) với bốn chủ phương tiện trên, lý do: công an chỉ là đơn vị hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước, việc xử lý thuộc về trách nhiệm và quyền hạn của phòng TN-MT huyện.

Đại úy Thạnh đã cho số điện thoại và đề nghị chúng tôi làm việc cụ thể với ông Sinh, trưởng phòng TN-MT huyện. Chiều cùng ngày khi chúng tôi liên hệ, ông Sinh cho biết vẫn chưa hay biết gì (!) và đề nghị chúng tôi nên trở lại tìm hiểu cụ thể hơn ở cơ quan công an huyện.

Theo ông Trương Hàng Sĩ - phó giám đốc Sở TN-MT An Giang, khai thác cát lậu như “ăn trộm” nên dù kiểm tra xử lý thế nào cũng vẫn tồn tại. Trong khi đó như phó Phòng TN-MT huyện Châu Thành (An Giang) Hồ Tường Huấn cho biết: mỗi khi muốn kiểm tra phòng phải phối hợp với các ban ngành khác và cấp xã, còn phương tiện phải thuê.

Một số địa phương khác cho rằng ngay việc quản lý khai thác đối với các mỏ được cấp phép cũng rất khó. Dù dân báo phương tiện lấy cát ngoài khu vực mỏ, tuy nhiên cấp huyện không có thiết bị máy định vị, máy ghi lại hiện trạng nên không thể xác định xáng lấy cát trong hay ngoài khu vực quy định, do đó không thể xử lý.

VÂN TRƯỜNG -  QUANG VINH - PHƯƠNG NGUYÊN - ĐỨC VỊNH

Các nước cấm được, tại sao vn không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang - đại biểu HĐND TP.HCM - nói:

- Là người làm trong ngành xây dựng, từ nhiều năm qua chúng tôi đã biết khá rõ tình trạng khan hiếm cát trong khu vực Đông Nam Á. Singapore đang triển khai nhiều công trình xây dựng lớn như hai casino lớn ở Sentosa, tuyến tàu điện ngầm mới... Cát ở trong nước khan hiếm nên Singapore không có chủ trương xuất khẩu cát, chỉ nhập khẩu từ các nước lân cận.

Indonesia đã đóng cửa mỏ cát từ cuối năm 2006. Malaysia còn thực hiện việc ấy sớm hơn. Muộn như Campuchia cũng đã đóng cửa mỏ cát và cấm xuất khẩu cát từ tháng 5-2008. Riêng VN chưa có giải pháp quyết liệt với tài nguyên cát nên Singapore đẩy mạnh nhập khẩu cát từ VN với khối lượng lớn (nhiều hợp đồng có khối lượng lên tới 10 triệu m3) và thời hạn kéo dài.

* Lợi nhuận thu được từ xuất khẩu cát của Campuchia được biết rất cao, vì sao nước này vẫn quyết định đóng cửa mỏ cát?

- Singapore nhập cát của Campuchia với giá 90.000 đồng/m3 nhưng xuất hết cát thì còn đâu tài nguyên quốc gia nữa. Giữ tài nguyên thì phải đóng cửa mỏ cát và cấm xuất khẩu. Ở VN giá xuất khẩu cát cho Singapore chỉ bằng một nửa giá xuất của Campuchia nhưng vì các nhà xuất khẩu vẫn còn lời nhiều (giá cát tại mỏ chỉ là 17.000 đồng/m3) nên họ vẫn tìm mọi cách xuất khẩu cát.

* Vậy chẳng lẽ các nhà xuất khẩu cát của VN ít quan tâm đến bảo vệ tài nguyên quốc gia hơn các nước bạn?

- Bảo vệ tài nguyên quốc gia, theo tôi, không chỉ là cấm xuất khẩu cát mà còn phải tính tới nhu cầu xây dựng của trong nước đang ngày càng lớn. Cát khan hiếm và tăng không ngừng, giá xây dựng tăng theo ngất ngưởng. Doanh nghiệp quan tâm tới lợi nhuận, nhưng Chính phủ thì phải quan tâm tới chính sách điều hòa giữa bảo vệ tài nguyên và nhu cầu phát triển.

Bộ Tài nguyên - môi trường phải chủ động lập điều tra, quy hoạch vùng cát, trữ lượng cát, phân loại chất lượng cát để từ đó định ra chiến lược khai thác cát, xác lập giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường trong quá trình khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước, kể cả việc xác lập giá cát phù hợp với tính chất đặc biệt của loại vật liệu này. Vì thiếu triển khai các công việc trên, vừa qua đã có những nơi khai thác cát bừa bãi đến mức làm thay đổi dòng chảy ở sông Tiền, sông Hậu gây xói lở, cuốn sụp nhà cửa, ruộng vườn ven sông.

* VN có thể cấm hẳn xuất khẩu cát không?

- Các nước khác làm được, tại sao VN không. Ta ban hành chỉ thị về cát như vừa qua là chậm, chưa nhạy bén với tình hình. Phải quyết liệt hơn nữa. Chỉ tạm dừng xuất khẩu cát và cho khai thác tiếp đối với các hợp đồng xuất khẩu cát ký trước 30-11-2008 như quy định của Chính phủ tháng 10-2008 thì còn dùng dằng lắm. Chả trách các doanh nghiệp tìm cách ký lùi hợp đồng cho “đúng quy định”.

THANH NGUYỄN ghi

Tin bài liên quan:

>> Kiểm tra việc “cát ầm ầm xuất ngoại”>> ĐBSCL: cát ầm ầm xuất ngoại >> Khai thác cát lậu trên sông Thị Tính >> Thanh Hóa: đê tả sông Chu bị sạt lở nghiêm trọng >> Khai thác trái phép hàng chục ngàn mét khối cát trắng >> ĐBSCL: cát xây dựng thiếu trầm trọng >> Cái giá của xuất khẩu cát>> Khai thác cát vượt tầm kiểm soát

VÂN TRƯỜNG -  QUANG VINH - PHƯƠNG NGUYÊN - ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên