15/01/2007 07:00 GMT+7

Ai giàu nhất Việt Nam?

NHẬT LINH - HẢI ĐĂNG - LÊ NAM
NHẬT LINH - HẢI ĐĂNG - LÊ NAM

TT - Nếu cộng tài sản của 10 người giàu nhất VN (báo Đại Đoàn Kết ngày 3-1), con số này đã lên đến khoảng 14.000 tỉ đồng.

6zgAjN1F.jpgPhóng to
Thị trường chứng khoán phát triển và giá cổ phiếu tăng đã giúp nhiều người giàu lên. Trong ảnh: Trong một phiên giao dịch chứng khoán

Báo Đại Đoàn Kết (số ra ngày 3-1) đã chia “những người giàu nhất VN” thành hai nhóm, nhóm giàu từ CP và nhóm “ẩn danh”.

- Nhóm giàu từ CP gồm có: ông Trương Gia Bình - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc FPT - với tài sản cỡ... 2.300 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Á Châu, người đang nắm giữ 10 triệu CP của NH này với giá trị khoảng 1.500 tỉ đồng.

Nhỉnh hơn là ông Trần Mộng Hùng - chủ tịch ACB, người cùng gia đình -đang sở hữu 14 triệu CP của ngân hàng này.

Ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn - với 800 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Quang - chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Minh Phú - có khoảng 1.100 tỉ đồng. Cô con gái 20 tuổi của ông Quang có khoảng 480 tỉ đồng.

Gia tộc họ Trần đang nắm giữ Công ty Kinh Đô với giá trị ước khoảng 200 triệu USD (trên 3.200 tỉ đồng).

- Nhóm “ẩn danh”: ông Võ Quốc Thắng - tổng giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm, và ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - cũng có thể “ngồi cùng chiếu” với những người có trên ngàn tỉ đồng.

Ông Trầm Bê, cổ đông của Ngân hàng Phương Nam và Bệnh viện Triều An, với trên 1.000 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hường - chủ tịch HĐQT Công ty Hoàn Cầu - với khoảng 2.000 tỉ đồng, chủ yếu là bất động sản.

Gần đây trên báo chí có thông tin về “những người giàu nhất VN”, trong đó có người đang nắm trong tay ít nhất 2.600 tỉ đồng. Con số này được tính trên cơ sở nào và “người trong cuộc” nói gì khi có tên trong danh sách những người giàu nhất VN?

Ai được công bố những người giàu nhất Việt Nam?

Có chính xác?

“Thông tin về số lượng cổ phiếu (CP) nắm giữ của các cổ đông chính tại những doanh nghiệp (DN) như Công ty cổ phần phát triển đầu tư công nghệ FPT, Ngân hàng ACB, Công ty Kinh Đô, Công ty Chứng khoán Sài Gòn... tuy không phải là thông tin được công bố chính thức nhưng là chính xác” - giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội đã xác nhận như vậy. Theo vị giám đốc này, dựa vào số lượng CP mà người đó đang nắm giữ và giá CP trên thị trường có thể dễ dàng tính ra giá trị tài sản của người đó.

Theo ông Bùi Kiến Thành - Việt kiều tại Mỹ và là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, điều khiến nhiều người trở nên giàu có với số tài sản lớn như vậy là do các DN mà họ là cổ đông đã có những chiến lược phát triển, những triển vọng nhất định để các nhà đầu tư kỳ vọng, đẩy giá trị CP tăng cao. “Đây cũng là cách tính mà tạp chí Forbes áp dụng để xếp hạng những người giàu nhất thế giới. Tất nhiên, ngoài CP còn phải tính đến những tài sản khác, trong đó có bất động sản...” - ông Thành nói. Việc CP lên giá nhanh khiến “tài sản” của các cổ đông của công ty tăng nhanh, theo ông Thành, cũng là điều bình thường.

Theo bản cáo bạch của Công ty FPT đã công bố công khai, ông Trương Gia Bình - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty FPT - hiện đang nắm giữ 5.117.280 CP FPT. Nếu căn cứ vào giá CP của FPT trong ngày 12-1 là 525.000 đồng/CP thì tổng giá trị CP mà ông Bình đang nắm giữ lên tới 2.625 tỉ đồng.

Theo ông Huy Nam - chuyên gia chứng khoán, tại VN đã xuất hiện một lớp “người giàu mới”, đó là những người sở hữu nhiều CP có giá trên thị trường. Thay vì đầu tư vào bất động sản hay những lĩnh vực khác, họ đầu tư vào CP, làm giàu công khai. Với sự xuất hiện của những “người giàu mới” đã góp phần thay đổi cách sắp xếp ngôi thứ người giàu trong xã hội VN, đó là việc sử dụng số lượng Cp và giá trị của nó trên thị trường như một tiêu chí đánh giá, thay vì chỉ có những tiêu chí bất động sản hay đôla... như trước đây.

Cũng theo ông Nam, trong quá trình công bố danh sách người giàu tại nhiều nước, nhất là những quốc gia mà mọi hoạt động đều được công khai, minh bạch, người ta cũng tính toán dựa trên số Cp và giá trị CP. Tài sản của tỉ phú Bill Gates cũng được tính theo tiêu chí này.

Tại VN, cách tính toán người giàu theo tiêu chí mới này còn rất lạ lẫm, nhưng chúng ta sẽ phải quen dần. Dù vậy, cũng cần lưu ý là mặc dù cách tính rất hợp lý nhưng giá trị tài sản dựa trên số CP chỉ mang tính tương đối, do còn phụ thuộc giá trị của CP trên thị trường. Chỉ cần qua một đêm, người sở hữu CP có thể giàu thêm nhưng cũng có thể... bớt giàu đi.

Nên xếp hạng

GTynJ0P0.jpgPhóng to

Theo ông Huỳnh Bửu Sơn -chuyên gia kinh tế, việc xác định tài sản của một cá nhân dựa trên số lượng CP mà cá nhân đó nắm giữ và giá trị CP trên thị trường là một cách tính hoàn toàn hợp lý, đã được nhiều nước thực hiện. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng chỉ căn cứ vào CP thì chưa thuyết phục, thậm chí không chính xác.

Trong trường hợp một người bán ra với một khối lượng CP khá lớn, chưa chắc đã bán được hết và giá CP cũng chưa hẳn giữ được như mong đợi.

Đặc biệt, nếu người bán ra một khối lượng lớn CP lại là người nắm giữ vị trí trọng yếu của đơn vị đó thì giá CP càng giảm mạnh. Theo ông Sơn, giá trị tài sản tính toán trên số lượng CP và giá trị trên thị trường sẽ có một khoảng cách khá lớn với thực tế.

Còn luật sư Lê Thành Kính thì cho rằng việc công bố những thông tin về giá trị tài sản của các cá nhân dựa trên số CP mà cá nhân đó sở hữu và giá CP trên thị trường là không có gì vi phạm về “thông tin cá nhân”.

Trên thực tế, những thông tin về số CP của những cổ đông nắm giữ các vị trí chủ chốt ở các DN đều được thông báo công khai trong bản cáo bạch của các đơn vị này. Luật pháp cũng không có điều khoản nào cấm báo chí được công bố những thông tin đã công khai này.

Những người giàu nhất nói gì?

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm Võ Quốc Thắng thì cho rằng: “Tôi không nghĩ mình lại nằm trong danh sách những người giàu nhất VN”. Tuy nhiên theo ông Thắng, những thông tin này là một sự khuyến khích vì đây cũng là động lực giúp các DN, doanh nhân vươn lên khẳng định mình. Nếu xác định người giàu nhất chỉ căn cứ trên CP thì chưa đủ vì ngoài ra còn nhiều tài sản khác nữa... Theo ông Thắng, trước sau mọi chuyện cũng phải rõ ràng vì với một công ty thì giá trị CP, số lượng CP, giá trị DN tăng bao nhiêu đều có thể dễ dàng định giá, qua đó sẽ biết được ngay. Với trường hợp DN niêm yết CP thì việc đánh giá này càng chính xác hơn.

Còn trước thông tin mình nằm trong top ten giàu nhất VN, ông Trương Gia Bình - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc FPT - than với Tuổi Trẻ rằng: “Tôi quá mệt mỏi với những chuyện này”.

Forbes xác định người giàu như thế nào?

Mỗi năm, hàng chục phóng viên của tạp chí Forbes (Mỹ) dành nhiều tháng trời thực hiện điều tra để xác định giá trị tài sản của những người giàu nhất thế giới. Năm 2006, qua hoạt động điều tra của hơn 30 phóng viên từ bảy quốc gia, Forbes đưa ra bảng xếp hạng đối với 793 tỉ phú từ 49 nước.

Trên thế giới, có hai phương pháp phổ biến để xác định một cá nhân thuộc hàng ngũ những người giàu nhất. Cách thứ nhất là dựa trên giá trị “tài sản ròng”. Giá trị tài sản ròng được xác định bằng tổng giá trị tất cả tài sản của cá nhân đó sở hữu trừ đi tổng số nợ. Tổng giá trị tài sản cá nhân bao gồm công ty, tiền mặt, tiền trên tài khoản, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản (nhà, đất), đồ vật (ôtô, đồ đạc, nhà cửa, đồ kim hoàn, sưu tập nghệ thuật...). Cách thứ hai là xác định giá trị tài sản tài chính, theo đó việc xác định tổng tài sản không bao gồm bất động sản. Những tài sản cố định khác như ôtô, đồ đạc, nhà cửa cũng không được tính đến.

Forbes xếp hạng những người giàu nhất thế giới dựa trên giá trị “tài sản ròng”. Những con số Forbes đưa ra được đánh giá là gần đúng so với tài sản thực tế của những người giàu nhất thế giới.

NHẬT LINH - HẢI ĐĂNG - LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên