26/12/2006 12:47 GMT+7

ASEM: Mục tiêu - Nguyên tắc hoạt động

TTO - Dựa theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia và hợp tác kinh tế Quốc tế (nciec.gov.vn)
TTO - Dựa theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia và hợp tác kinh tế Quốc tế (nciec.gov.vn)

TTO - * Quý báo có thể cho tôi biết ASEM là gì? Lịch sử hình thành tổ chức ASEM? Mục đích của tổ chức? Mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của tổ chức này? Xin cảm ơn quý báo! (nguyenquan...@yahoo.com)

- Có thể tóm lược nội dung câu hỏi của bạn qua nội dung sau:

Lịch sử hình thành và mục đích của tổ chức

Tại Hội nghị Kinh tế Cấp cao châu Âu - Đông Á lần thứ 3 tại Singapore tháng 10-1994, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã đưa ra sáng kiến tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu nhằm tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục. Đề nghị này đã được chính thức đặt ra với Thủ tướng Pháp trong chuyến Thủ tướng Goh Chok Tong thăm Pháp cuối năm 1994 và ngay lập tức được nhiều nước Á-Âu hưởng ứng

Tháng 3-1995, Hội nghị các Nguyên thủ Quốc gia về Hợp tác Á-Âu (Asia Europe Summit Meeting - ASEM) lần đầu tiên được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của các Nguyên thủ quốc gia 15 nước thuộc Liên minh châu Âu và 10 nước châu Á (bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và 7 nước ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).

Sau Hội nghị Thượng đỉnh này, Hợp tác Á-Âu đã chính thức ra đời và lấy tên của Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên (ASEM) làm tên cho chương trình hợp tác này. Thực chất hiện nay ASEM là một diễn đàn hợp tác, cơ chế phối hợp thông qua các nước điều phối viên và chưa có Ban thư ký điều hành. Các nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thảo luận hướng phát triển của ASEM trong thời gian tới và có nhiều khả năng ASEM sẽ được nâng lên thành một tổ chức kinh tế khu vực giải quyết vấn đề tự do hoá thương mại, đầu tư giữa châu Á và châu Âu.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá nền kinh tế thế giới hiện nay, hợp tác Á-Âu có ý nghĩa hết sức to lớn. Các nước châu Âu thành viên ASEM đã trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng với việc hình thành Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) và việc sử dụng đồng tiền chung EURO vào tháng 1-1999. Liên minh châu Âu cũng đang đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa cả về chiều rộng và chiều sâu.

Song song với EU, vai trò của châu Á ngày càng được củng cố trong hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế với tiềm năng to lớn về cơ hội thương mại và đầu tư. Sự liên kết giữa hai khối kinh tế lớn này thông qua ASEM sẽ tạo ra một động lực mới thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai châu lục phát triển, tạo nên một sức mạnh tổng hợp của 3 khối kinh tế lớn là EU, Nhật Bản và các nước châu Á đang phát triển.

Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ và các nước Bắc Mỹ đã xây dựng và đang phát triển mạnh mẽ mối quan hệ kinh tế với các nước châu Á trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), châu Âu đã có liên hệ chặt chẽ với Bắc Mỹ qua quá trình lịch sử và mạng lưới dày đặc của những thể chế xuyên Đại Tây Dương, hợp tác ASEM còn có một ý nghĩa mang tính chất chiến lược, đó là cái cầu nối thắt chặt hơn châu Âu với Châu á, tạo đối trọng trong quan hệ giữa các trung tâm kinh tế lớn là EU - Mỹ- Nhật Bản và các nước châu Á đang phát triển.

Mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của ASEM

Mục tiêu:

Mục tiêu chủ đạo của Hợp tác Á-Âu hiện nay (được thông qua tại Hội nghị ASEM 1) là Hợp tác để tạo sự tăng trưởng hơn nữa ở cả châu Á và châu Âu. Mục tiêu này đã được cụ thể hoá ở Khuôn khổ Hợp tác Á-Âu (AECF) thành các mục tiêu cơ bản sau:

- Thúc đẩy đối thoại chính trị để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và thống nhất quan điểm của hai châu lục đối với các vấn đề chính trị và xã hội của thế giới;

- Xây dựng quan hệ đối tác một cách toàn diện và sâu rộng giữa hai châu lục Á, Âu để thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên;

- Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, môi trường, phát triển nguồn nhân lực... để tạo sự tăng trưởng bền vững ở cả châu Á và châu Âu.

Các mục tiêu trên đã và đang được thực hiện thông qua một loạt các chương trình hành động của ASEM như chương trình thuận lợi hoá thương mại (TFAP), chương trình xúc tiến đầu tư (IPAP), trung tâm công nghệ môi trường Á-Âu, Quĩ Á-Âu (ASEF), Quĩ tín thác... Về mặt kinh tế, ASEM đặt ra 3 mục tiêu cụ thể là (1) thúc đẩy giao lưu giữa các doanh nghiệp; (2) cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư và (3) tạo sự tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Như vậy trong lĩnh vực kinh tế, tuy ASEM chưa đề ra các mục tiêu về giảm thuế và các nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc như các tổ chức ASEAN, WTO song 3 mục tiêu cụ thể nêu trên đã tạo nền tảng cho việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai châu lục, góp phần tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại đầu tư và đóng vai trò như một chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Nguyên tắc hoạt động:

Cũng như tất cả các diễn đàn hoặc tổ chức khu vực, ASEM hoạt động với những nguyên tắc riêng của mình. Nguyên tắc cơ bản nhất của hợp tác ASEM là tính chất tự nguyện, không ràng buộc và quan hệ bình đẳng giữa các thành viên. Nguyên tắc này tương đối phổ biến ở các diễn đàn đối thoại khu vực. Đi sâu vào các lĩnh vực hợp tác, nguyên tắc này được cụ thể hoá hơn nhằm điều chỉnh một cách sát sao quá trình hợp tác Á-Âu.

Căn cứ vào văn kiện khung của ASEM là khuôn khổ hợp tác Á-Âu (AECF), Nguyên tắc hoạt động của ASEM được qui định như sau:

- Quan hệ giữa các thành viên trên cơ sở đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi;

- ASEM sẽ là một tiến trình mở và liên tục phát triển; việc mở rộng số thành viên phải được sự đồng thuận của nguyên thủ các quốc gia;

- Tăng cường thông tin và hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại; định ra các lĩnh vực ưu tiên phối hợp hành động;

- Triển khai hoạt động hợp tác đồng đều ở cả 3 lĩnh vực: tăng cường đối thoại chính trị, củng cố hợp tác kinh tế và xúc tiến hợp tác trong các lĩnh vực khác;

- ASEM sẽ được duy trì như một tiến trình tự nguyện, không thể chế hoá, hoạt động của ASEM sẽ nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các hoạt động ở các diễn đàn quốc tế khác;

- Xúc tiến đối thoại và hợp tác giữa các doanh nghiệp và cư dân giữa hai khu vực; khuyến khích hợp tác giữa các học giả, các nhà nghiên cứu giữa hai khu vực.

TTO - Dựa theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia và hợp tác kinh tế Quốc tế (nciec.gov.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên