04/12/2005 11:14 GMT+7

Xu hướng tư nhân hóa tài trợ cán cân thanh toán

PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ
PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ

TTCN - LTS: Đối với người dân thường, để vay vốn (cho dù nơi chính cha mẹ ruột) cần phải có chút gì thế chấp, trong đó đáng kể nhất là uy tín.

9sYbE2QR.jpgPhóng to

(Uy tín: vốn liếng làm ăn hiện có là bao nhiêu hay là tay trắng, có chí thú làm ăn hay là vung tay quá trán, hướng làm ăn sắp tới có đáng tin cậy hay không...).

Nếu nhờ cha mẹ đứng tên bảo lãnh vay vốn càng đòi hỏi uy tín này nhiều hơn: ai sẽ phải trả nợ, cha mẹ bảo lãnh hay con cái? Từ đó, nghiệm lại các hoạt động vay vốn nước ngoài gần đây và sắp tới.

Theo “Báo cáo tài chính phát triển toàn cầu năm 2004”, chính các nước đang phát triển mới là các nhà xuất khẩu vốn lớn nhất thế giới do thặng dư cán cân thanh toán của các nước này ngày càng tăng.

Trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, các nước đang phát triển đã chiếm hết phân nửa. Đến cuối 2004, các nước đang phát triển nắm giữ khoảng 1.600 tỉ đôla dự trữ ngoại hối, so với 1.200 tỉ đôla trong năm 2003 và 921 tỉ đôla trong năm 2002. Trong đó, các nước có thu nhập trung bình chiếm đến 86% của con số 1.600 tỉ này.

Trung Quốc dẫn đầu với 38%, tương đương 610 tỉ đôla (năm 2003, mới chỉ 207 tỉ đôla). Các nền kinh tế thuộc thị trường mới nổi khác cũng cho thấy xu hướng gia tăng đáng kể tương tự. Chẳng hạn Liên bang Nga dự trữ khoảng 114 tỉ đôla; Ấn Độ 125 tỉ đôla; Malaysia 62 tỉ. Trong năm 2004, 101/132 quốc gia đang phát triển đã báo cáo dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương gia tăng đáng kể, trong đó ấn tượng nhất là các quốc gia Đông Á.

Tuy một số nước này vẫn duy trì chế độ tỉ giá có quản lý cùng một số hạn chế nhất định trong việc tự do hóa dòng vốn, song nói chung các nước này đều công khai dự trữ ngoại hối của mình, khác với VN hiện vẫn xem số liệu dự trữ ngoại hối là một bí mật quốc gia.

Thật ra, ngay cả trên báo chí (như tuần san Asiaweek trước kia) cùng các cơ sở dữ kiện thông tin thông dụng (như World Fact Book), các số liệu như dự trữ ngoại hối của tất cả các nước đều được đăng tải và cập nhật hóa.

Công bố dự trữ ngoại hối là một nhân tố rất quan trọng trong việc đánh giá khả năng trả nợ quốc tế và làm tăng độ tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách vĩ mô của quốc gia. Chính thức công bố dự trữ ngoại hối sẽ còn làm tăng điểm xếp hạng rủi ro quốc gia, cho phép mỗi nước có thể tìm được những nguồn vay nợ nước ngoài với chi phí rẻ hơn.

Mặc dù có nguồn dự trữ ngoại hối rất cao và là những nhà xuất khẩu vốn lớn nhất của thế giới, nhưng các quốc gia hiện đang hướng đến một xu hướng mới là “tư nhân hóa” tài trợ cán cân thanh toán. Thay vì vay nợ thông qua các kênh chính thức như ODA, hoặc phát hành trái phiếu quốc tế, hoặc sử dụng dự trữ ngoại hối quốc gia để bù đắp cho các thâm hụt mậu dịch, thì các quốc gia đang khuyến khích khu vực tư thu hút ngoại tệ để bù đắp cho các thâm hụt này và tìm cách để tăng cường tính chuyển đổi của đồng tiền quốc gia mình.

VN hiện đang có dự trữ ngoại hối mỏng và đang phải “nhập khẩu vốn”. Chính vì thế càng có thể nghĩ đến việc tư nhân hóa tài trợ cán cân thanh toán. Chủ trương thu hút kiều hối đã làm giảm nhẹ đi rất nhiều sức ép sử dụng uy tín quốc gia để vay nợ nước ngoài. Thật vậy, lượng kiều hối hơn 3 tỉ đôla mỗi năm chính là một hình thức tài trợ cán cân thanh toán.

Tháng mười vừa qua, một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, trong đó có cả một số ngân hàng thương mại quốc doanh, đã tháp tùng phái đoàn Bộ Tài chính sang Mỹ học tập kinh nghiệm phát hành trái phiếu quốc tế. Tiếc thay lại không có bất kỳ doanh nghiệp nào thuộc khu vực tư để cùng học tập.

Các tổng công ty điện lực và dầu khí lần lượt tuyên bố sang năm 2006 sẽ vay nợ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế giống như Vinashin... trong khi vẫn còn nóng bỏng những tổn thất của các đơn vị này như vụ điện kế điện tử, các vụ án tham nhũng trong Tổng công ty Dầu khí. Tất cả cho thấy vẫn còn xu hướng “quốc doanh hóa” việc vay nợ nước ngoài, ngược lại với xu hướng kinh tế đương đại.

Tư nhân hóa vay nợ nước ngoài là một cách thức áp đặt tính kỷ luật của thị trường lên việc kiểm soát các khoản vay nợ nước ngoài. Thay vì Chính phủ cứ phải lo hứa hẹn với công chúng bằng các “can thiệp trấn an” thuần túy như “khả năng trả nợ của DNNN là trong tầm tay”, “hoàn toàn yên tâm”, “tốc độ tăng trưởng của DNNN là 30%/năm”...

Những phát biểu và dự báo như thế có chủ quan hay không? Có dựa trên mô phỏng những kịch bản tăng trưởng trong mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất xảy ra cho chính DNNN hay chủ yếu dựa vào cảm tính và ý chí? Đó chính là những câu hỏi mà giới quan sát đặt ra cho chủ trương thu hút dòng vốn quốc tế để bù đắp các thâm hụt mậu dịch, trong khi mà chủ thể tiếp nhận lại là.... DNNN?

Chính phủ đã có những tuyên bố mở đường cho các DNNN và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có thể vay nợ thông qua phát hành trái phiếu quốc tế theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Xét về pháp lý và cả về uy tín quốc gia, việc để các DNNN tự vay nợ trên thị trường vốn quốc tế có một điều gì đó không ổn.

Một khi các DNNN không trả được nợ, để giữ thể diện quốc gia, cuối cùng Chính phủ ắt hẳn phải đứng ra trả nợ thay. Minh chứng cho khả năng để ngỏ này là việc một thứ trưởng Bộ Tài chính đã từng phát biểu: “Trong trường hợp xấu nhất nếu Vinashin không trả được nợ, Chính phủ sẽ có những giải pháp hợp lý”. Giải pháp hợp lý gì nếu như suy cho cùng không phải là lấy từ dự trữ ngoại hối quốc gia và từ tiền thuế của người dân?

vVRAfUY8.jpgPhóng toQuốc doanh hóa vay nợ nước ngoài có khả năng dẫn đến những cái giá phải trả vô cùng to lớn. Kinh tế học gọi đây chính là các tổn thất ngân sách. Trong bối cảnh VN, các tổn thất ngân sách như thế có thể là không nhỏ.

Do phải mất nhiều năm để sử dụng hết nguồn tài trợ này (xây dựng nhà máy...), các DNNN sau khi nhận được khoản vay nợ quốc tế với lãi suất cao 7,15% bằng đồng đôla, có thể đem gửi lại ở các ngân hàng nước ngoài với lãi suất thấp khoảng 4,5%... Từ đó dẫn đến tổn thất ngân sách.

Tổn thất ngân sách còn thể hiện dưới dạng tiềm ẩn thông qua những thiệt hại trong biến động của tỉ giá hối đoái. Trong dài hạn, khả năng về một sự tăng giá của đồng đôla so với đồng VN là hoàn toàn có thể và làm cho gánh nặng trả nợ quốc gia sẽ càng thêm nặng nề, mà việc quản lý các “tổn thất hối đoái” vốn không phải là sở trường của các DNNN.

Thậm chí, gần đây một định chế tài chính chuyên nghiệp là Ngân hàng Nông nghiệp còn phải gánh chịu một khoản tổn thất hối đoái lên đến hơn 28 triệu đôla chỉ trong một thời gian ngắn. Huống hồ là các DNNN vốn không thông thạo việc quản lý rủi ro tỉ giá.

Thế nhưng tổn thất ngân sách đáng ngại nhất là ở chỗ không huy động được tiềm lực các doanh nghiệp thuộc khu vực tư - một khu vực mà hiệu quả kinh doanh và hấp thu ngoại tệ hơn hẳn các DNNN - tham gia tài trợ cho dự trữ ngoại hối quốc gia. Trên lý thuyết không có sự phân biệt giữa khu vực quốc doanh và khu vực tư, nhưng trên thực tế và trong hành động, điều ngược lại đôi khi hay xảy ra.

Hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp tư và các công ty cổ phần trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu kinh doanh rất hiệu quả, thế nhưng chưa được Chính phủ đặt vấn đề cho họ “tháp tùng” học tập kinh nghiệm phát hành trái phiếu quốc tế hoặc bảo lãnh phát hành vay nợ. Tại sao lại không thể?

Việc cho phép các doanh nghiệp thuộc bất kỳ thành phần kinh tế nào được tiếp cận với thị trường vốn quốc tế trên cơ sở tiên quyết là “đề án có khả thi hay không?” là một hướng đi đúng. Tuy nhiên mức độ tiếp cận thị trường vốn quốc tế đến đâu lại tùy thuộc vào chủ trương kiểm soát vốn của Chính phủ, chặt hay lỏng. Thường thì chúng ta quan niệm cần phải kiểm soát thật chặt các dòng vốn vào và ra khỏi quốc gia.

Tuy nhiên hướng tư duy mới mà hiện nay các quốc gia đang theo đuổi không còn nằm ở tư duy theo kiểu kiểm soát vốn (capital control) thuần túy nữa, mà là tự do hóa vốn có kiểm soát (controlled capital liberalization), nghĩa là chuyển từ thế kiểm soát vốn theo kiểu “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Thay đổi trong tư duy kiểm soát vốn là bước đột phá quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách phải tính đến, nếu như muốn thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư gián tiếp hơn nữa, và đương nhiên điều này sẽ góp phần đáng kể vào việc gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Sự thận trọng cần phải cân nhắc ở đây chính là sự đánh đổi giữa một bên là gia tăng tiềm lực tài chính quốc gia và phần còn lại là khả năng đảo ngược bất ngờ của dòng vốn và dẫn đến những bất ổn cho thị trường tài chính.

PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên