19/05/2010 08:44 GMT+7

Về Pác Bó nghiêng mình trước Bác

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Khái niệm biên giới trong những ngày này dường như không tồn tại ở Khu di tích Pác Bó: từ phía bên Trung Quốc, từng đoàn người kính cẩn vòng qua cột mốc 108 để sang đất Việt Nam, tìm về Pác Bó, kính cẩn nghiêng mình thắp cho Bác Hồ nén hương, như bái lạy ông cha mình.

Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loạiNgười đã làm rạng rỡ dân tộc ta

ilul87Xa.jpgPhóng to

Hai bạn trẻ Quý Kiến và Vạn Bì (quê ở Nam Ninh, Quảng Tây) thắp hương trong nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Hà Hương

Mốc 108, người già còn nhớ đó là nơi đầu tiên Bác Hồ đặt chân lên sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Giờ đây mỗi năm, vào ngày 19-5, đồng bào các dân tộc hai bên biên giới vẫn tề tựu về đây, tưởng nhớ về một con người vĩ đại mà với họ như bậc thánh nhân.

Câu chuyện của những thế hệ

Không biên giới

Đã lâu lắm rồi, đến cả các cụ già người Nùng (Trung Quốc) dọc biên giới Việt - Trung cũng không nhớ nổi, cứ đến ngày 19-5 già trẻ trai gái lại khăn gói lặn lội vượt biên giới sang thăm Khu di tích Pác Bó. Những ông cụ tuổi đã 60, 70 tỉ mẩn sờ từng phiến đá trong hang Pác Bó, nơi Bác Hồ làm việc, rồi rưng rưng thắp nén hương trong nhà tưởng niệm Bác.

Ông lão họ Nông nhà ở Linghuang (Quảng Tây) cho biết ông đi bộ từ cột mốc 108 theo đường núi xuống thăm hang Cốc Bó, núi Các Mác, suối Lênin và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên ông sang Việt Nam, nhưng các bạn của ông năm nào cũng sang bên này đúng dịp sinh nhật Bác.

Sinh nhật năm nay của Bác còn có những nhóm người Trung Quốc rất trẻ. Một vài người còn chưa biết về Bác Hồ hay Hồ Chí Minh.

“Vậy tại sao anh lại đến đây?”. Một chàng thanh niên họ Lương bối rối nói: “Đó là truyền thống của cả thôn. Người lớn bảo đi chơi sinh nhật Bác Hồ ở bên kia biên giới thì đi thôi. Năm nào người lớn trong thôn cũng đi”.

Cả gia đình họ Lương và những người trong thôn xuất phát từ Nam Ninh (Quảng Tây) từ hôm qua, đến 6 giờ sáng 18-5 mới đi bộ từ biên giới xuống thăm Khu di tích Pác Bó.

Đặc biệt, lẫn trong dòng người đang ngồi ngắm suối Lênin là một người đàn ông đến từ thôn Pamong, cách thủ phủ huyện Tĩnh Tây của Quảng Tây 17 km. Đó cũng là thôn mà Bác Hồ đã dừng lại ăn tết của người Trung Quốc vào năm 1942, trước khi bị Tưởng Giới Thạch bắt giam.

Trong dòng ký ức ít ỏi của những thế hệ sau này, họ còn nhớ câu chuyện một người trong thôn là Dương Đào đã tình nguyện làm người dẫn đường cho một lãnh tụ cách mạng Việt Nam tên là Hồ Chí Minh.

7GO8ffAb.jpgPhóng to

Đoàn tham quan từ Linghuang (Quảng Tây) chào bộ đội biên phòng Việt Nam trước khi lên mốc 108 để quay về Trung Quốc

Đến hẹn lại về

Ngày 19-5, những nhân viên ở Khu di tích Pác Bó vẫn chờ gia đình ông Hứa Gia Khởi bên Trung Quốc. Với họ, sự có mặt của gia đình ông Hứa trong ngày sinh nhật Bác mang một ý nghĩa đặc biệt. Đó là gia đình mà Bác Hồ đã từng sống khi còn ở Quảng Châu.

Ông Hứa Gia Khởi đã mất nhiều năm nhưng lớp con cháu của ông vẫn giữ truyền thống sang Pác Bó ngày 19-5.

Bà Nguyễn Thị Thực - giám đốc Khu di tích Pác Bó - bồi hồi nhớ lại: “Nhiều năm về trước, tôi có cơ duyên đi cùng gia đình ông Hứa Gia Khởi về Hà Nội thăm lăng Bác. Tình cảm của những người Quảng Tây (Trung Quốc) đối với Bác Hồ thật sự khiến tôi xúc động. Khi nhìn thấy thi hài Bác yên nghỉ trong lăng, tất cả họ đều khóc oà lên. Trong số lớp con cháu sau này, có người chưa từng gặp Bác, nhưng tình cảm thiêng liêng đối với Bác dường như được gia đình này nuôi dưỡng và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Bà Thực cũng cho biết khó có thể thống kê được số lượng người Trung Quốc sang thăm Pác Bó nhân ngày sinh nhật Bác, nhưng con số ước lượng của trạm biên phòng là hơn 1.000 người.

Anh Thông, người gắn bó với khu di tích đã 20 năm nay, lý giải: đó gần như là một thói quen của nhiều người Trung Quốc bên kia biên giới. Họ thật sự kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có những người sau khi thăm di tích còn rơi nước mắt vì xúc động. Bao nhiêu năm nay họ vẫn sang như thế.

Người Trung Quốc thắp hương và vái trước bàn thờ Bác Hồ cũng giống như cách họ vái tổ tiên trên bàn thờ nhà mình.

VOm7fLlL.jpgPhóng to

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc ở Việt Bắc đã được đăng trên báo Regards (Pháp) ngày 25-1-1952, một trong hàng trăm tư liệu về Bác được sưu tầm và giới thiệu tại cuộc triển lãm

Một người Pháp triển lãm ảnh, tư liệu về Bác Hồ

Gần 200 hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ với các chủ đề như: Nguyễn Ái Quốc ở Paris, Những dấu ấn Việt Nam - Hồ Chí Minh trên đất Pháp, Tình hữu nghị Pháp - Việt… do bà Dominique de Miscault (Cộng hòa Pháp) - tổng biên tập tạp chí Viễn Cảnh Việt Nam - sưu tầm, vừa được Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế trưng bày, giới thiệu chiều 17-5, trong cuộc triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Việt - Pháp”.

Bà Dominique de Miscault cho biết trong số hàng trăm hình ảnh, tư liệu triển lãm, nhiều tư liệu được bà khai thác từ tư liệu gốc tại các kho lưu trữ ở Pháp, ghi lại quãng thời gian Bác Hồ hoạt động ở Pháp với nhiều hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết nhưng cũng lắm gian truân, hiểm nguy.

Bà nói chọn Huế để tổ chức cuộc triển lãm về Bác Hồ cũng chính bởi Huế có nhiều di tích lưu niệm dấu ấn về thời niên thiếu của Người.

Sau đợt triển lãm (13-6), nữ tác giả người Pháp này sẽ trao tặng bộ hình ảnh, tư liệu trong cuộc triển lãm cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên