10/04/2014 09:52 GMT+7

8 điều ít biết về hộp đen máy bay

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Chuyến bay xấu số MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã được xác nhận mất tích tại Nam Ấn Độ Dương và cuộc tìm kiếm giờ tập trung vào việc trục vớt hộp đen máy bay.

Lại bắt được các tín hiệu "ping" nghi từ hộp đen MH370Chạy đua với thời gian tìm kiếm hộp đen MH370Bắt đầu dò tìm máy bay mất tích dưới đáy biển

Mỹ, Trung Quốc và Úc đều đã gửi các tàu và máy bay có trang bị thiết bị định vị hộp đen tới khu vực này và chỉ còn vài ngày nữa là hết thời gian phát tín hiệu của thiết bị gắn kèm hộp đen.

ztjZKPLE.jpgPhóng to
Hộp đen máy bay thực ra có màu cam - Ảnh: abc.net.au

Dưới đây là một số điều bạn có thể chưa biết về các hộp đen máy bay.

1. Chúng không có màu đen

Các hộp đen máy bay có màu cam sáng, để dễ nhận diện so với các vật khác xung quanh.

2. Một hộp đen gồm có hai phần

Một hộp đen bao gồm hai thiết bị riêng rẽ: máy ghi âm dữ liệu chuyến bay (FDR) và máy ghi âm tiếng động trong buồng lái (CVR).

Lắp đặt hộp đen là yêu cầu bắt buộc với các máy bay dân sự và chúng thường được lắp ở đuôi máy bay để tăng khả năng “sống sót” của chúng trong trường hợp xảy ra tai nạn.

FDR ghi lại những dữ liệu như tốc độ bay, độ cao, gia tốc và mức nhiên liệu của máy bay.

3. Phát minh của một người Úc

Cha của tiến sĩ người Úc David Warren đã thiệt mạng trong một tai nạn máy bay ở eo biển Bass năm 1934, khi David mới 9 tuổi.

Vào đầu những năm 1950, tiến sĩ Warren có ý tưởng lắp đặt một thiết bị ghi lại dữ liệu trên các chuyến bay và những đoạn hội thoại trong buồng lái để giúp các nhà phân tích tìm hiểu nguyên nhân một vụ tai nạn.

Ông đã gửi đề nghị bằng văn bản cho Trung tâm nghiên cứu hàng không tại Melbourne về việc lắp đặt thiết bị đó trên tất cả các máy bay dân sự.

Phát minh của Warren không được chú ý nhiều cho tới năm năm sau đó, khi thiết bị này bắt đầu được sản xuất ở Mỹ và Anh. Tuy nhiên, Úc là nước đầu tiên bắt buộc các máy bay phải lắp hộp đen.

4. Các chuyên gia không gọi chúng là “hộp đen”

Truyền thông thích sử dụng cụm từ “hộp đen”, nhưng dân trong nghề không gọi thế.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về việc tại sao một thiết bị màu cam lại bị gọi là hộp đen, trong đó có việc một nhà báo đã gọi thiết bị này đầu tiên như thế sau khi nhìn thấy nó được đưa ra từ một vụ tai nạn máy bay, đã cháy đen và không còn màu cam ban đầu.

5. Chỉ ghi âm hai giờ hội thoại

Các thiết bị ghi âm kỹ thuật số có thể chứa được 25 giờ dữ liệu máy bay, nhưng trong đó chỉ có hai giờ các âm thanh trong buồng lái.

Phần ghi âm này tự động ghi chồng lên nhau sau mỗi hai giờ, có nghĩa là những gì thu được từ hộp đen sẽ là hai giờ cuối cùng tất cả các âm thanh trong buồng lái.

Ngoài các đoạn hội thoại của tổ lái và giao tiếp với các đài kiểm soát không lưu, CVR cũng ghi lại các âm thanh nền rất quan trọng cho công tác điều tra.

6. Có thể mất rất lâu mới tìm thấy

Các hộp đen được gắn với một thiết bị định vị phát sóng âm dưới nước bắt đầu phát sóng khi cảm ứng của thiết bị này chạm vào nước.

Chúng chỉ hoạt động ở độ sâu khoảng 3,7 km trở lại và phát đi tiếng “ping” một lần mỗi giây trong 30 ngày trước khi hết pin.

Sau khi chuyến bay 447 của Hãng Air France rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009, các điều tra viên phải mất hai năm mới tìm thấy và trục vớt được hộp đen.

Nó đã cung cấp những thông tin vô giá để tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn.

7. Gần như không thể phá hỏng

FDR thường được bọc hai lớp titanium hoặc thép không gỉ và có thể hoạt động trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt.

Các hộp đen từng được thử nghiệm chịu một vật nặng 227kg rơi xuống từ khoảng cách 3m, nhấn trong nước muối bão hòa, bắn ra từ một động cơ máy bay phản lực và để trong lửa ở nhiệt độ 1.100 độ C trong một giờ đồng hồ nhưng vẫn hoạt động.

8. Nhưng tính năng không bằng điện thoại di động

Sau vụ MH370, các chuyên gia cho rằng có lẽ đã tới lúc cập nhật các phương pháp thu thập dữ liệu trên máy bay.

Các hành khách đều có thể nhắn tin, lướt mạng và xem vị trí của mình qua định vị vệ tinh, nhưng các máy ghi dữ liệu trên máy bay lại không liên lạc được với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, thiết lập băng thông cần thiết để tạo ra sự liên hệ giữa lượng dữ liệu rất lớn trong hộp đen và thế giới bên ngoài hiện là điều không khả thi.

Theo chuyên gia về hàng không Stephen Trimble, Hãng Boeing vừa nộp đơn đăng ký bằng sáng chế một hệ thống cho phép truyền một số dữ liệu hạn chế trên máy bay, bao gồm vị trí của nó, với thế giới bên ngoài. Chi phí không nhỏ nhưng lợi ích rất lớn.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên