11/01/2005 00:43 GMT+7

Đánh giá chuẩn nghề nghiệp của giáo viên ra sao?

KIM LIÊN thực hiện
KIM LIÊN thực hiện

TT - Sở GD-ĐT TP.HCM bắt đầu triển khai “Đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên (GV) tiểu học” cho 5.800 GV ở 132 trường tiểu học. Thế nào là chuẩn nghề nghiệp và đánh giá ra sao?

9u0lm3vn.jpgPhóng to
Cô Trần Mỹ Khanh (GV lớp 4/4) là một trong 20 GV của Trường tiểu học Trần Văn Đang (Q.3, TP.HCM) được đánh giá thí điểm trong đợt này - Ảnh: K.L.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Hoa Mai - trưởng phòng tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) - cho biết:

- Bộ chuẩn được sử dụng cho việc thí điểm đánh giá 25.000 GV ở 10 tỉnh thành trong đợt này là bộ dự thảo lần thứ tư của dự án phát triển GV tiểu học do Bộ GD-ĐT VN hợp tác với Trường ĐH Melbourne (Úc) thực hiện. Việc xây dựng bộ chuẩn này cũng đã tính đến đặc điểm giáo dục VN, kết hợp các phương pháp đánh giá tiên tiến trên thế giới liên quan đến đào tạo GV tiểu học.

* Với bộ chuẩn này có thể đánh giá được năng lực của GV tiểu học? Cách đánh giá thế nào thưa bà, liệu có khách quan?

- Bộ chuẩn bao gồm ba lĩnh vực: phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, kiến thức và kỹ năng sư phạm. Ba lĩnh vực này sẽ được thể hiện cụ thể ở 14 yêu cầu và 64 tiêu chí. Trước hết GV sẽ căn cứ vào bộ chuẩn để tự “đo” năng lực của mình ở mức độ nào. Phần tự đánh giá của GV chỉ là phần tham khảo nhưng cũng rất quan trọng vì thể hiện tính dân chủ, đồng thời để so lại với sự đánh giá của các đánh giá viên (ĐGV).

Tiếp đó, các ĐGV sẽ đánh giá GV theo bốn phương pháp. Phương pháp thứ nhất là lấy ý kiến “bên thứ ba”. Bên thứ ba bao gồm hiệu trưởng; hai đồng nghiệp của người GV được đánh giá, trong đó một đồng nghiệp là người thân thiết hiểu biết quá trình phát triển nghề nghiệp, tất cả những hoạt động giảng dạy, kể cả tính cách của GV đó (người này do chính GV được đánh giá chọn); đồng nghiệp thứ hai tham gia đánh giá là người được chỉ định trong trường.

Ba người của “bên thứ ba” sẽ đánh giá các tiêu chí của GV đó trên một phiếu giống như phiếu của GV. Phương pháp thứ hai là dự giờ GV và hiệu trưởng là người dự giờ. Chỉ cần dự một tiết là đủ (nếu hiệu trưởng có quá trình dự giờ GV này trước đó thì sẽ có nhiều thông tin hơn).

Phương pháp thứ ba là quan sát hồ sơ GV (thể hiện được cả ba lĩnh vực, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp). Hồ sơ GV không đơn thuần như lâu nay mà nó thể hiện như một minh chứng sống động về quá trình công tác của GV từ khi vào ngành cho đến thời điểm đánh giá (đã qua bao nhiêu trường, học tập bồi dưỡng thế nào, có những sáng kiến gì... đều được đề cập).

Ngoài những thông tin cá nhân, hồ sơ còn thể hiện được quá trình công tác của GV, kỹ năng sư phạm... (có thể là nhật ký công việc). Một yếu tố mới được đánh giá cao trong hồ sơ GV là những tư liệu riêng được GV lưu trữ, tích lũy qua quá trình giảng dạy. Các tư liệu này nói lên ý thức tự giác tìm tòi và lòng yêu nghề của GV.

ĐGV cho phương pháp này là những cán bộ quản lý từ các trường khác trong quận đến và là những ĐGV có năng lực chuyên môn cao, thường là cán bộ phòng, thanh tra chuyên môn, hiệu phó chuyên môn có năng lực.

Phương pháp thứ tư là phỏng vấn. Việc phỏng vấn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thứ hai là kiến thức khoa học cơ bản của các môn dạy, những hiểu biết về xã hội tự nhiên liên quan đến giáo dục HS bậc tiểu học, những kiến thức cần thiết về tâm lý học sư phạm và trẻ em, phương pháp dạy bộ môn... ĐGV sẽ trực tiếp phỏng vấn GV. Bước vào phần này, GV phải tự chuẩn bị nội dung là các tiêu chí được nêu ra ở lĩnh vực hai.

Sau khi thực hiện bốn phương pháp, ĐGV sẽ tổng hợp kết quả (có phương pháp giúp ĐGV có thể tổng hợp một cách khách quan). Nếu có một số tiêu chí nào chưa kết luận, chưa có sự thống nhất, các ĐGV sẽ gặp lại GV hoặc bên thứ ba để phỏng vấn hoặc trao đổi lại.

* Kết quả đánh giá này sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc hiện tại của GV được đánh giá không?

- Kết quả đánh giá này sẽ được thông tin cho GV để họ biết mình đang ở mức nào. Từ kết quả, ĐGV có thể đưa ra lời khuyên, kiến nghị với GV những mặt nào cần phát huy, mặt nào cần tự nâng cao trình độ... Sau đó toàn bộ kết quả đánh giá sẽ được gửi về ban dự án để xử lý, trên cơ sở đó bộ sẽ hoàn chỉnh bộ chuẩn để sử dụng như một công cụ đánh giá khoa học. Từ kết quả này, ngành GD-ĐT cũng thấy được thực trạng đội ngũ mình để nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đây là đề tài khoa học đang được thử nghiệm nên trong đợt này nhà trường không dùng kết quả đánh giá để phân loại GV, phân công lại hay tạo áp lực tâm lý đối với GV. Tuy nhiên hiệu trưởng cũng được thông tin để nhìn nhận đúng thực lực GV, để có hướng bồi dưỡng đội ngũ...

Trường sư phạm cũng sử dụng bộ chuẩn này để kiểm định lại quá trình đào tạo của mình nhằm có kế hoạch đào tạo GV hợp chuẩn. Nhưng quan trọng hơn hết, kết quả này sẽ giúp GV nhìn lại năng lực của mình để tự có hướng phấn đấu hoàn thiện.

KIM LIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên