29/07/2014 09:37 GMT+7

Làm chính sách phải hết sức nhân văn

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ngày 27-7 với hàng loạt hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã đi qua, căn nhà vắng của các Bà mẹ VN anh hùng trở lại lặng lẽ với khói hương trầm mặc. Tôi đã hỏi một mẹ VN anh hùng: “Hai anh đi đã nghe tin hi sinh rồi, còn anh út sao má không giữ lại?”. Mẹ lắc đầu: “Biết nó đi là cầm chắc hi sinh, nhưng giữ sao được tuổi 16. Mà ai cũng giữ con, giữ chồng thì đâu có hòa bình”.

Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 831 mẹ

Mẹ nhìn con đi, phút giây bàng hoàng là như thế. Vậy nên mẹ M. (Tuổi Trẻ 19-7) mới buông một câu khi nói về danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng: “Sá chi tờ giấy”.

Thật là xót lòng. Và còn xót lòng hơn khi đọc những câu trả lời của đại diện Cục Người có công (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) khi được hỏi về trường hợp của những bà mẹ là vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ, đã tái giá và chưa được vinh danh này: “Nếu đã tái giá, tức đã chuyển sang hôn nhân mới, mặc định hôn nhân cũ đã mất hiệu lực” (trả lời Infonet - PV); “Tái giá không làm thay đổi bản chất của sự hi sinh, nhưng giữa một người tái giá và người không tái giá thì sự mất mát, thiệt thòi của người không tái giá vẫn nhiều hơn” (trả lời Pháp Luật VN - PV); “Danh hiệu vinh dự nhà nước là để tôn vinh phẩm giá các bà mẹ, do vậy cần phải xét đến những vấn đề đạo đức” (trả lời trên Chinhphu.vn - PV); “Trước chúng ta đề nghị phải có ba con, giờ lại hạ xuống hai con liệt sĩ thì xét tặng, nếu hạ dần phẩm chất thì danh hiệu ấy giảm giá trị đi” (trả lời Infonet - PV).

Cân phân, tính toán, chi li, lạnh lùng... là những gì người ta thấy ở những nội dung trả lời ấy. Và đối tượng để đong đếm, so sánh ở đây là tình cảm vô bờ của người vợ dành cho chồng, người mẹ dành cho con, những thứ vốn không thể đong đếm, không thể so sánh.

“Sá chi tờ giấy”. Mẹ M. đã không sá chi đời mình để lao vào lửa đạn từ ngày còn thiếu nữ. Mẹ không sá gì hạnh phúc khi tiễn chồng con vào con đường không hẹn ngày trở lại. Nhận những tin báo tử liên tiếp, mẹ cắn răng tiếp tục cuộc sống, cuộc chiến đấu giữa đạn bom và không bao giờ quên: chồng con mình đã hi sinh là để mẹ được thấy hòa bình, được hưởng hạnh phúc. Mẹ chủ động xây dựng cuộc sống cho mình, tự làm lại gia đình, sinh thêm những đứa con, tự bù đắp, xoa dịu những vết thương lòng. Mẹ không chờ vinh danh. Vậy nên mẹ nói: “Sá chi tờ giấy”.

Tờ giấy ấy, vinh danh ấy là cần cho thế hệ sau, để hiểu được những hi sinh đời mẹ, để hiểu được lịch sử dân tộc, thấm được giá trị hòa bình. Và thế hệ sau ấy, họ vẫn đang tranh luận. Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã tha thiết hỏi: “Có người phụ nữ nào muốn chồng mình là liệt sĩ để hưởng chính sách? Có người phụ nữ nào muốn chồng là liệt sĩ để mình đi lấy chồng khác không? Chắc cũng là không có đâu... Tôi mong cơ quan làm chính sách phải hết sức linh hoạt, hết sức nhân văn”. Chúng tôi nghe câu ấy cũng đỡ xót lòng, như khi nghe Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời trên truyền hình: “Sắp tới chúng tôi sẽ họp với Bộ Quốc phòng để giải quyết vấn đề này”.

Đỡ xót lòng rồi thì lại bật ra một câu hỏi: Làm chính sách là việc phải đặt tiêu chí “có lòng” lên hàng đầu, vậy thì tại sao chúng ta lại đang có những người làm chính sách một cách lạnh lùng như vậy?

Và cuối cùng, vinh danh này thật sự là cần cho chính chúng ta.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên