30/06/2014 05:15 GMT+7

Luyện thi môn văn: lớp trống, lớp đầy

NGUYỆT CÁT - VĨNH HÀ
NGUYỆT CÁT - VĨNH HÀ

TT - Vào thời điểm nước rút, mặc dù các trung tâm luyện thi đua nhau tung đủ chiêu quảng cáo hấp dẫn nhưng số lượng học sinh trong lò ôn thi cấp tốc giảm chỉ còn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ngược lại, ở các lò luyện thi môn văn vẫn... nóng bỏng.

5tUFQfrs.jpgPhóng to
Các trung tâm đua nhau quảng cáo thu hút thí sinh - Ảnh: Tiến Thắng

Nắm bắt được tâm lý học sinh không còn tha thiết vào lò đăng ký ôn thi nên ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, các lò luyện thi ráo riết tung chiêu quảng cáo, phát tờ rơi giới thiệu chương trình hấp dẫn như: giảm giá 15% cho 10 học sinh đăng ký đầu tiên; trao giải thưởng cho các sĩ tử có điểm thi ĐH cao, giới thiệu danh sách sĩ tử từng đỗ thủ khoa ĐH của lò, phục vụ đồ ăn, thức uống nhẹ cho sĩ tử tại lớp học, ghi bảng tên tuổi thầy cô ở các trường ĐH danh tiếng, đảm bảo đỗ ĐH 100%...

Dĩ nhiên, để bù lại chi phí cho các khoản chi tiêu điện nước, thuê phòng, quảng cáo, giá cả mỗi ca học vì thế cũng tăng lên gấp đôi. Tại trung tâm bồi dưỡng kiến thức Đức Phú (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) giá từ 60.000-80.000 đồng/ca mỗi môn toán, lý, hóa, Anh; 600.000-800.000 đồng/khóa. Nếu như năm trước mỗi ca học giá 25.000-30.000 đồng, năm nay trung tâm luyện thi Thăng Long (Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội) thu 40.000-80.000 đồng/ca học khoảng hai giờ.

Vắng “khách”

14g, lớp học của thầy X. dạy văn (lò luyện thi thầy Thành, cô Thời, Xuân Thủy, Cầu Giấy) bắt đầu được 30 phút. Căn phòng chỉ rộng chừng 50m2 chứa 20 chiếc bàn cũ kỹ, nhưng số học sinh ngồi lấp chưa đầy một nửa. Bên ngoài trời nắng nóng, oi bức. Ở trong giọng thầy X. vang lên khi học sinh, người chụp ảnh đăng lên Facebook, kẻ uể oải lăn lê ngủ gật, ăn quà... Không kể đến dãy bàn đối diện với thầy, một vài học sinh đang cố nuốt từng con chữ vào đầu thì suốt gần bốn giờ như thế, lớp học diễn ra trong bầu không khí tẻ nhạt, chán ngắt. Chỉ chờ đến giờ giải lao, nhiều người cắp sách bỏ về vì không nén nổi cơn buồn ngủ. Đến gần cuối buổi, lớp học chỉ còn lác đác ít người.

Đề thi mở

Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã định hướng cho Ban đề thi năm nay làm sao có thể biên soạn đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng đề của kỳ thi này và đề thi tốt nghiệp phổ thông sẽ tiệm cận dần với mục tiêu kiểm tra năng lực hướng tới một kỳ thi quốc gia sử dụng chung cho cả hai mục đích. Còn cụ thể yêu cầu của đề thi tốt nghiệp THPT và đề tuyển sinh ĐH, CĐ giao thoa đến đâu sẽ được Ban đề thi cụ thể hóa trong đề thi của từng môn. Nguyên tắc chung là đề thi sẽ ra theo kiểu mở, không đánh đố, không bắt buộc thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc, nhưng tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Không chỉ riêng các lò luyện tập kết quanh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vắng thí sinh, khu Trần Đại Nghĩa gần Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Bách khoa, khu Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên... dù chi chít biển báo ôn thi cấp tốc nhưng lượng thí sinh đăng ký thưa thớt, khiến những khu vực này trở nên trầm lắng hơn hẳn mọi năm.

Nhiều trung tâm phải chuyển mình sang bán hàng ăn uống, dịch vụ chụp ảnh thẻ, photocopy vì phòng học bị bỏ hoang, không có học sinh. Trong khi đó, tại một lò luyện thi nhà số 01 ngõ 336 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, có ca chưa đến 10 học sinh trong một lớp mấy chục bộ bàn ghế kê cho cả trăm người ngồi.

Cách đây gần một tuần, một học sinh đến đăng ký ôn thi, được bà Nguyễn Thị Lân (giám đốc Trung tâm BDKT Đức Phú, Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết: Số lượng đăng ký học sinh ôn thi tại trung tâm năm nay chỉ còn 20-25 học sinh/lớp, đặc biệt rất ít học sinh ở tỉnh lên, hầu hết do người quen giới thiệu.

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến học sinh không còn mặn mà với lò ôn thi cấp tốc, bà Lân than thở: “Vì nhiều giáo viên trường THPT ở các tỉnh cũng mở lớp học ôn khiến các em không cần lên thành phố sớm để đăng ký học tại các trung tâm luyện thi nữa. Hơn nữa, nhiều trường tổ chức tuyển sinh riêng nên thí sinh nào đăng ký thi ở đâu thì đến đó ôn với hi vọng trúng tủ”.

Luyện thi nước rút: đọc hiểu và nội dung “biển đảo”

Trái ngược với nhiều lớp học đìu hiu, tẻ nhạt, ở lớp học luyện văn của cô Hà (lò luyện thi thầy Thành, cô Thời), tình trạng nhồi nhét hàng trăm học sinh trong một lớp vẫn diễn ra. N.V.D. (Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm) cho biết: “Trong một tháng học văn của cô Hà, mình được học tổng hợp kiến thức môn văn và luyện đề. Đối với đề thi mở như: viết một bài văn ngắn bàn luận về vấn đề giao thông hiện nay, bàn về tình hình biển Đông... cô Hà cho học rất kỹ. Nếu đề thi đại học năm nay rơi vào những câu hỏi tình huống như trên chắc chắn mình sẽ làm được”.

Năm nay, nắm bắt kịp thời chủ trương của bộ ra đề thi theo hướng mở, vấn đề thời sự nóng có thể có trong đề thi ĐH như đề thi môn văn tốt nghiệp vừa qua nên nhiều thầy cô cũng thay đổi phương pháp mới, không chỉ đơn thuần dạy học sinh ê a thuộc lòng kiến thức trong sách. Nhiều lớp luyện thi cấp tốc trong giai đoạn cuối này đều dành để “luyện kỹ năng liên hệ giữa tác phẩm và thực tế cuộc sống”, luyện kỹ năng đọc hiểu. Nội dung các văn bản được giáo viên chọn để ôn tập cho học sinh có 70-80% liên quan tới chủ đề “lòng yêu nước”, “chủ quyền biển đảo”.

Theo một số thí sinh đang luyện thi cấp tốc tại lò luyện do một số giảng viên ĐH ở Hà Nội phụ trách thì “càng ôn thi càng mông lung” vì không biết phạm vi đề cập của đề thi năm nay như thế nào. “Chúng em chỉ bám vào một vấn đề có khả năng đề cập tới nhất trong thời điểm hiện nay là chủ đề yêu nước, chủ quyền lãnh thổ...” - một thí sinh nói.

Cô Xuân Hằng, một giáo viên phụ trách lớp luyện thi tại Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: “Luyện cho học sinh một số dạng câu hỏi kiểm tra đọc hiểu, thật ra chỉ để yên tâm về mặt tâm lý thôi, chứ với sự “đổi mới cấp tốc” hiện nay thì rất khó có thể xoay chuyển được tình thế. Trong khi đó, nếu Bộ GD-ĐT ra đề thi vào một tác phẩm, một văn bản nằm ngoài chương trình - sách giáo khoa thì không ai có thể luyện thi cho đủ”.

Cô Hằng bày tỏ nhận xét hướng đổi mới ra đề thi môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT có khía cạnh tích cực. Khía cạnh tích cực đã được nhìn thấy ngay ở thời điểm này là thầy trò không thể học tủ, học lệch, đoán đề theo tác phẩm trong nhà trường. Nhưng cô cho rằng việc Bộ GD-ĐT không khẳng định rõ ràng hướng ra đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ có tiếp tục như đổi mới ở kỳ thi tốt nghiệp THPT không, là một khó khăn cho thí sinh trong việc tận dụng thời gian cuối cùng để “lấp khoảng trống” mà trong quá trình học tập các em chưa được luyện tập.

Cũng nhận xét về những nội dung ôn tập nhằm đối phó với đổi mới đề thi môn ngữ văn hiện nay, cô Bích Hợp - một giáo viên khác cũng ở trung tâm luyện thi trên - bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ nhiều đề thi được ra gần đây trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các địa phương đề cập tới lòng yêu nước, tới chủ quyền biển đảo khá hay, có ý nghĩa trong bối cảnh thời sự biển Đông đang nóng bỏng... Nhưng tôi cho rằng về sâu xa, những đề thi như vậy chỉ có tác động tích cực thật sự nếu vấn đề đặt ra được quan tâm trong suốt quá trình học. Và bên cạnh những chủ đề “nóng” như hiện nay, các nhà trường, ngành GD-ĐT cũng cần quan tâm một cách “cân bằng” hơn đến các chủ đề khác thiết thực đối với lứa tuổi các em”.

NGUYỆT CÁT - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên