19/04/2014 02:35 GMT+7

Lại đổ hàng nghìn tỉ đồng cho thiết bị giáo dục

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Để làm nguội bức xúc của dư luận về số tiền khổng lồ trên 34.000 tỉ đồng chi cho việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa phổ thông, cuối cùng Bộ GD-ĐT đã buộc phải giải thích về những khoản chi mà những người đại diện của bộ cho rằng cần thiết và hợp lý để chương trình-sách giáo khoa có thể đưa vào triển khai đại trà.

Nhưng con số 20.100 tỉ đồng dự chi cho trang thiết bị dạy học, khoản chi lớn nhất trong năm khoản chi của gói trên 34.000 tỉ đồng vẫn khiến dư luận gợn lên những băn khoăn.

15 năm trước đây, Bộ GD-ĐT cũng chủ trì thực hiện cuộc đổi mới chương trình - sách giáo khoa mới với mục tiêu “giảm tính hàn lâm, lý thuyết, tăng cường thời lượng học thực hành thí nghiệm”. Và để phục vụ chủ trương rất thuyết phục vào thời điểm đó, một khoản kinh phí cực kỳ lớn đã được chi cho mua sắm thiết bị dạy học. Ngay vào thời điểm đó, lãnh đạo nhiều trường đã cho biết “thiết bị mang về đắp chiếu” vì nhiều bất cập, do việc phân phối thiếu hợp lý dẫn tới thiết bị không đồng bộ, mới mua đã hỏng.

Bên cạnh đó một tình trạng phổ biến không chỉ ở những nơi khó khăn mà cả các thành phố là trường không có phòng đạt yêu cầu để bảo quản thiết bị, không có giáo viên hoặc nhân viên phụ trách thiết bị thực hành thí nghiệm nên thiết bị dùng chưa bao lâu đã hỏng. Ngay tại Hà Nội, nhiều thầy cô giáo còn thừa nhận thiết bị mua với giá đắt nhưng không dễ sử dụng bằng thiết bị tự làm hoặc mua ngoài thị trường...

Câu chuyện “thiết bị” cứ thế tái diễn nhưng sự quan tâm tới nó của các cấp thẩm quyền ngày càng nhạt vì “chuyện cũ không nhắc lại”. Thầy trò trong nhiều nhà trường tái diễn cảnh học chay, không thiết bị, các tiết thực hành diễn ra trong cảnh đối phó. Trong hơn một thập kỷ qua, Bộ GD-ĐT chưa có một cuộc tổng điều tra và khảo sát thực tế nào về việc đầu tư, sử dụng thiết bị dạy học và thực trạng của nó như thế nào.

Thời gian thấm thoắt trôi và bây giờ Bộ GD-ĐT lại rục rịch xây dựng đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa mới. Mặc dù người thường trực ban soạn thảo chương trình - sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT khẳng định “lần đổi mới này chú trọng vào đổi mới phương pháp dạy học, không tập trung đầu tư thiết bị tốn kém mà tăng thí nghiệm ảo, ứng dụng công nghệ thông tin” nhưng con số Bộ GD-ĐT tiết lộ tối 16-4 vẫn là số kinh phí thuộc hàng “khủng”.

Một cuộc khảo sát nghiêm túc về thực trạng sử dụng trang thiết bị dạy học không chỉ cung cấp thông tin về nhu cầu tối thiểu cần cấp mới khi thực hiện đổi mới giáo dục, mà còn để biết về những bất cập trong việc đầu tư, sử dụng, bảo quản... Đây là một trong những khâu cần làm trước khi Bộ GD-ĐT tính đến kinh phí hàng chục ngàn tỉ đồng cho một cuộc đổi mới trong tương lai.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên