12/04/2014 01:35 GMT+7

"Muốn sướng thì phải nghe lời mẹ"

THỤY HIỀN
THỤY HIỀN

TT - Càng gần đến ngày thi tốt nghiệp THPT, tôi càng thấy nhiều áp lực. Tôi luống cuống không biết mình đang ôn thi hay đối phó với mẹ nữa.

LTS: Hai câu chuyện bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ đều bàn một chủ đề: định hướng của cha mẹ về việc học hành của con cái với nhiều nỗi niềm và tâm sự. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Ngày nào mẹ cũng nói đi nói lại câu: “Ôn sao đấy ôn, cứ phải thi cử cho tốt đi, cả cơ quan mẹ đều nghĩ con là học sinh giỏi của trường đấy. Chỉ cần thi đỗ thì con muốn gì cũng đều có hết”.

Mẹ thường khoe tôi học giỏi với một bảng thành tích xuất sắc do mẹ tự nghĩ ra. Thế nhưng thực chất tôi chỉ nằm trong top 10 của lớp thôi. Thấy tôi ngượng ngùng phản ứng thì mẹ gạt ngay: “Đi ra ngoài thật xấu hổ khi con mình không bằng con người khác. Đôi khi người ta còn phải bỏ tiền mua danh, ai đánh thuế kẻ nói dối đâu mà con phải lo?”. Nhiều lần tôi chỉ mong mẹ đừng “làm màu”, đừng đánh bóng thành tích học tập của tôi nữa. Nhưng mẹ lại cho rằng: “Nhục nhất là có con cái thất học. Muốn sướng thì con phải nghe lời mẹ”.

Rồi dần dần tôi không còn phải lo cho tương lai của mình nữa. Học thêm ở đâu, mẹ cũng tự tìm và đăng ký thay cho tôi. Tôi cần ôn luyện sách gì, mẹ cũng đi mua. Ngay cả việc tôi thi tốt nghiệp THPT môn gì, mẹ cũng chủ động chọn cho tôi dù không biết rõ thế mạnh của tôi ra sao, có học tốt môn đó hay không.

Tôi rất thích mấy môn xã hội nhưng mẹ chỉ chọn những môn tự nhiên vì lý do khó “gỡ” điểm. Mẹ gạch môn lịch sử đầu tiên vì cho rằng thời gian ôn luyện nhiều lại tốn sức, “không nên mạo hiểm” như lời mẹ nói. Đã quen với sự áp đặt của mẹ nên tôi chỉ biết mặc kệ và... nghe lời. Bởi dù tôi có nói gì mẹ vẫn bỏ ngoài tai.

Thành ra mẹ chọn môn thi tốt nghiệp và chọn luôn trường để tôi đi thi đại học. Bỏ qua ý kiến của tôi, mẹ quyết định: “Con có khôn đến mấy thì nhận thức vẫn không thể vượt qua được cái đầu của mẹ”. Tôi hoang mang nhận ra chưa bao giờ được tự quyết định tương lai của mình. Với hàng tá áp lực mà mẹ tạo ra, tôi không biết sẽ phải đối mặt với chuyện thi cử ra sao nữa, khi mà hết lần này đến lần khác mẹ luôn quyết định thay cho tôi. Thú thật có những lúc tôi cảm thấy hai mẹ con như đang chơi trò “đuổi bắt” khi kỳ thi cận kề.

CAO HÀN LONG HẢI

Đường nào là đúng?

“Học cho cố vào để rồi thất nghiệp dài dài, bây giờ xin đi làm công nhân khu chế xuất”. Ông anh tôi chửi ầm lên khi biết con gái xin vào làm công nhân khu chế xuất. Tôi an ủi rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời, vì khi nào kiếm được công việc phù hợp với chuyên ngành mà cháu đã học thì thôi vậy.

“Thôi thôi... cái con khỉ! Nếu làm công nhân được thì làm luôn đi, cả nước có hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp rành rành như vầy biết đời nào tìm được việc cho đúng với chuyên môn, chuyên ngành mà hi vọng hão!” - ông anh già cáu tiết.

Cứng họng nhưng tôi cũng phải nhịn vì nhờ ông anh tôi đã có một bài học quý giá. Trước đây ổng bảo con gái thi vào kinh tế cho mau giàu. Tôi đã hỏi cháu có hoài bão gì, yêu thích gì thì hãy chọn vì cuộc đời và tương lai là của con, không ai sống thay con được. Nhưng cháu nói con không có hoài bão gì, ba chọn kinh tế thì con thi vào kinh tế. Bây giờ cô cử nhân kinh tế đòi ra làm công nhân, ông già xót con nhưng đành chịu.

Tôi giật mình tuổi trẻ mà không có hoài bão ước mơ thì làm sao có sự tìm tòi khám phá những điều mới lạ. Thời buổi này mà nghe theo sự “sắp đặt” của cha mẹ thì hơi vô lý nhưng nhìn sâu hơn cái phương pháp dạy và học ở trường suốt bao tháng năm dài có nuôi dưỡng hoài bão gì cho con trẻ để mà mơ mà ước.

Con gái tôi đang cuối năm tiểu học, gần thi chuyển cấp nên học bù đầu. Hỏi con mơ ước gì, con nói: “Ước hè này không phải đi... học!”. Con trai đang cuối năm THCS, vừa ôn thi vừa nhắm vào một trường theo sức học vừa vừa của con. Hỏi con mơ ước gì, con nói: “Con học bài nhiều đến nỗi tối ngủ không hiểu sao toàn gặp ác mộng đang làm bài thi!”. Tôi chỉ còn biết động viên “ráng học đi con”!

Làm cha mẹ thời nay khổ quá, muốn tốt cho con nhưng không biết đi đường nào là đúng. Muốn cho con đi học trường nghề để có công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp thì thấy không có gì tin chắc, vì sợ sau đó người ta đòi hỏi bằng cấp đại học là chết một cửa. Nhưng o bế con học, học nữa, học mãi tới đại học hay thạc sĩ lại cũng thất nghiệp như thường. Cuối cùng cha mẹ lãnh đủ!

THỤY HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên