26/04/2013 06:30 GMT+7

Thầy trò cùng tiến với "Bàn tay nặn bột"

TRỊNH VĨNH HÀ
TRỊNH VĨNH HÀ

TT - Ngày 25-4 Bộ GD-ĐT tổ chức “Hội nghị giao ban triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường THCS”.

wAP6fHP8.jpgPhóng to
Học sinh Trường THCS Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) trong giờ học với phương pháp Bàn tay nặn bột - Ảnh: Nguyễn Văn Cần

Các thầy, cô trực tiếp giảng dạy phương pháp này đều khẳng định: “Bàn tay nặn bột khiến học sinh cực kỳ hứng thú. Các em được làm việc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và trình bày quan điểm. Các em có thể ghi nhớ kiến thức ngay trên lớp và biết vận dụng vào cuộc sống”.

Viên gạch đầu tiên

Từ năm học 2011 đến nay, nhiều tỉnh đã triển khai thí điểm phương pháp Bàn tay nặn bột trong các trường. Điển hình là Hà Giang có tới 59 trường thí điểm với khoảng 3.000 học sinh tham gia... Các tỉnh, thành khác có khoảng 10-15 trường tham gia.

Cô giáo Bùi Thị Thủy, Trường THCS Cuối Hạ - Kim Bôi (Hòa Bình), nhận xét: “Thực tế dạy học với phương pháp Bàn tay nặn bột, chúng tôi đều thấy rõ học sinh tiếp thu chủ động, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, phát triển kỹ năng thực hành, thí nghiệm, khả năng quan sát, sáng tạo, tính độc lập khoa học, khả năng tự học và hợp tác nhóm. Bài học với phương pháp này giúp học sinh chủ động, hứng thú, tự tin hơn”.

Cô giáo Tạ Thị Huế, hiệu trưởng Trường THCS phường 4 (TP Cà Mau), cũng cho biết: “Không nghi ngờ gì về hiệu quả tích cực của Bàn tay nặn bột. Thay vào việc giáo viên làm thí nghiệm cho học sinh xem, thay vào việc học sinh xem bài thí nghiệm và kết quả trong sách giáo khoa, các em phải tự tìm cách giải quyết vấn đề với các thiết bị thí nghiệm hoặc vật dụng có trong thực tế đời sống... Với cách này, mỗi nhóm có thể tìm một hướng đi khác nhau, có những giả thiết khác nhau và dĩ nhiên có em đi sai đường, có em tìm ra kết quả đúng... Nhưng dù thế nào thì các em cũng đi tới được cái đích là nắm bài sâu hơn, chắc chắn hơn khi được tự nghĩ, tự quan sát, tự làm”.

Tuy nhiên tại hội thảo trên, TS Nguyễn Sĩ Đức, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cũng cảnh báo: “Thực tế kiểm tra thấy có nhiều thầy cô giáo đã chưa dạy đúng tinh thần của Bàn tay nặn bột”. Một thầy giáo của Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng việc đưa phương pháp này vào các nhà trường vừa qua giống như đặt viên gạch đầu tiên. Ai cũng thấy hay, nhưng làm gì để một “cái hay” không bị biến thành “phong trào” rồi tan nhanh như nhiều phát kiến khác của ngành GD-ĐT thì cần thận trọng. “Đừng vội vỗ tay tán thưởng rồi bằng lòng vì khó khăn còn phía trước” - thầy giáo này nói.

Phải tự cởi trói

Tại hội thảo, hầu hết thầy cô giáo đều đưa ra vô vàn khó khăn: sĩ số lớp quá đông (trong khi để thực hiện chỉ nên 25-30 học sinh/lớp), diện tích phòng học chật chội, bàn ghế không đạt yêu cầu để tổ chức nhóm học và trình bày thí nghiệm, thầy cô giáo ngại đổi mới do sợ bị “vượt rào”, sợ thanh tra chuyên môn phạt vì trái quy định, thời hạn 45 phút/tiết không đủ, chương trình - sách giáo khoa hiện tại quá nặng về cung cấp kiến thức nên rất khó để vừa “chạy hết chương trình vừa đổi mới phương pháp”.

Cô Tạ Thị Huế và một số thầy cô khác băn khoăn về việc “Thiết bị thí nghiệm hiện có chất lượng không đảm bảo, độ chính xác không cao nên rất khó khi học sinh tự làm thí nghiệm”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Cần, Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, đã đề xuất sắp xếp lại trình tự kiến thức và chủ động điều chỉnh thời lượng dạy lý thuyết và thực hành. Ví dụ môn học có 14 tiết thì có thể dạy hai tiết lý thuyết, hai tiết kiểm tra, còn dành bảy tiết để dạy chuyên đề theo Bàn tay nặn bột. Thầy giáo này cũng đề xuất “có thể ghép ba bài vào một chuyên đề”. Thầy Cần cho biết: “Cách sử dụng linh hoạt tiết học có thể giải quyết được vướng mắc của việc thiếu thời lượng khi triển khai Bàn tay nặn bột”.

Trao đổi thêm về ý kiến này, cô Tạ Thị Huế cho rằng: “Cần triển khai dạy học theo liên môn. Bởi có nhiều kiến thức hóa, lý, sinh giao nhau và có thể đưa vào một chuyên đề để áp dụng Bàn tay nặn bột”. Cô Hằng, một giáo viên khác ở Ninh Bình, bày tỏ quan điểm: “Có thể áp dụng Bàn tay nặn bột vào một bài, nhiều bài, hoặc một phần kiến thức nào đó”. Như vậy, kế hoạch dạy học, phân phối chương trình sẽ phải thay đổi. “Sự vượt rào này có khiến giáo viên bị xem là phạm lỗi không?”.

Trả lời trực tiếp chất vấn và băn khoăn của thầy cô giáo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Sáng kiến của các thầy cô ở trên là rất tốt, Bộ GD-ĐT không có lý do gì để không ủng hộ. Trong tương lai, hướng dạy học tích hợp cũng sẽ được Bộ GD-ĐT triển khai. Nghiên cứu khoa học không bao giờ chỉ nhắm vào một môn học mà cần giải quyết những vấn đề của cuộc sống bên ngoài. Mà những vấn đề đó liên quan tới nhiều kiến thức trong các môn học trong nhà trường”.

____________________________

Phương pháp Bàn tay nặn bột là gì?

Bàn tay nặn bột (tên tiếng Pháp là La main à la pâte) là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm, nghiên cứu, áp dụng giảng dạy cho các môn học tự nhiên. Phương pháp này chú trọng tới việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hoặc điều tra. Với một vấn đề khoa học, học sinh có thể đặt ra câu hỏi, giả thiết từ hiểu biết ban đầu, tiến hành thí nghiệm, nghiên cứu, kiểm chứng, so sánh, phân tích, thảo luận và đưa ra kết luận phù hợp. Phương pháp này kích thích sự tò mò, ham mê khám phá của học sinh.

Với phương pháp Bàn tay nặn bột, thầy cô giáo sẽ nêu vấn đề để học sinh tự đi tìm tình huống cần giải quyết thông qua hoạt động thực hành, thí nghiệm do chính các em tự làm, hoạt động thảo luận nhóm để đưa ra những giả thiết. Thầy cô sẽ giúp học sinh chứng minh những giả thiết của các em và cùng các em tìm ra câu trả lời đúng.

Bàn tay nặn bột bắt nguồn từ Pháp và lan rộng ra nhiều nước khác. Năm 2000, GS Trần Thanh Vân, chủ tịch hội “Gặp gỡ Việt Nam” ở Pháp, cùng vợ là GS Lê Kim Ngọc đã giúp các nhà nghiên cứu ở VN tìm hiểu về phương pháp này và triển khai thí điểm tại một số trường học ở VN... Năm 2011 Bộ GD-ĐT có quyết định phê duyệt đề án “Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015” với hai giai đoạn: từ 2011-2013 thực hiện thí điểm, từ 2014-2015 thực hiện đại trà trên toàn quốc.

Nếu triển khai đại trà cần thay đổi nội dung sách giáo khoa

Sau một năm triển khai thí điểm dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột, tổng kết: “Phương pháp này phát huy được tính sáng tạo, yêu thích, say mê khoa học của HS, các em xây dựng được kiến thức bằng việc tự khám phá, tìm hiểu, thực hành và thảo luận nhóm. Với những tiết học dạy theo phương pháp Bàn tay nặn bột, nhiều câu hỏi HS đưa ra có thể giáo viên không lường trước được. Và giáo viên cần giải quyết tình huống sư phạm tốt, cần chuẩn bị kiến thức đầy đủ để trả lời cho HS. Do đó với phương pháp này, không chỉ tạo sự hứng thú, kích thích sự tự tìm hiểu của HS mà còn giúp thầy cô tránh được tình trạng ỳ, người đứng lớp cũng hứng thú. Có thể khẳng định dạy và học theo phương pháp này, cả cô và trò đều giỏi và cùng tiến” - bà Văn Thị Thanh Thùy, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Minh Khanh (xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nói.

Tuy nhiên, theo các giáo viên, việc dạy học bằng phương pháp Bàn tay nặn bột đòi hỏi phải có đầy đủ trang thiết bị cần thiết trong khi nhà trường còn thiếu. Ngoài ra, nếu triển khai đại trà phương pháp này cũng cần thay đổi nội dung sách giáo khoa vì trong sách đã có “đáp án” cho bài học, làm ảnh hưởng đến khả năng tư duy, tìm tòi của HS. Bên cạnh đó, việc quy định thời gian một tiết học chỉ 35-40 phút cũng không không đủ cho một tiết dạy theo phương pháp Bàn tay nặn bột.

ĐÔNG HÀ

TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên