21/12/2012 07:46 GMT+7

Quy định đúng để chấn chỉnh các chức danh

LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)
LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)

TT - Việc bản dự thảo lần 2 nghị định “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học” vạch rõ năm loại chức danh giảng viên đại học (trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS và GS) là một quy định đúng đắn để chấn chỉnh hệ thống các chức danh cho những người giảng dạy đại học hiện hành.

Ở các nước tiên tiến (thí dụ như Hoa Kỳ), các chức danh đại học là cả một hệ thống nhất quán gồm nhiều cấp bậc từ cao xuống thấp: GS thực thụ (Full Professor, thường viết tắt là Professor - tương tự thuật ngữ GS ở VN), GS cộng sự (Associated Professor - tương tự thuật ngữ PGS của VN), GS phụ tá (Assistant Professor), giảng viên trưởng (Senior Lecturer hay Full-time Lecturer), giảng viên (Lecturer) và trợ giảng (Associate Lecture hay Part-time Lecture).

Trong hệ thống này, mỗi cấp bậc là một chức vụ khoa học (hoặc chức vụ chuyên môn) có chức trách rõ ràng, không lẫn lộn với các cấp bậc khác. GS là người chịu trách nhiệm cao nhất về khoa học của một bộ môn với những giáo trình trọng yếu được giảng dạy và các đề tài nghiên cứu của bộ môn khoa học đó. Còn giảng viên các cấp là những người giảng dạy bộ môn ở những mức độ khác nhau dựa trên các giáo trình do các GS biên soạn.

Trong khi đó, VN hiện nay chỉ có GS và PGS được coi là các chức danh đại học (theo nghị định số 20/2001/NĐ-CP), còn trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp không được coi là chức danh, mà lại thuộc về hệ thống “ngạch công chức” để xếp lương. Đó chính là một sự lộn xộn bất hợp lý, dẫn tới hậu quả là giữa hai chức danh trên và bốn “ngạch công chức” dưới không có mối liên hệ mật thiết về nhiệm vụ chuyên môn, không có sự phân định rõ ràng về chức trách của từng cấp bậc (tất cả đều được gọi là giảng viên như nhau!). Vì thế, nhà trường đại học VN coi GS và PGS cũng chỉ là giảng viên như các “ngạch công chức” kia. Sự mù mờ về chức trách dẫn tới sự bất cập về tiêu chuẩn tuyển chọn và quản lý điều hành công tác chuyên môn.

Do vậy, khi đã xác định cả năm cấp bậc GS, PGS, giảng viên chính, giảng viên và trợ giảng thuộc cùng một hệ thống chức danh đại học, thì những sự bất cập nêu trên sẽ được khắc phục sau khi mỗi cấp bậc ấy được quy định nhiệm vụ và chức trách rõ ràng. Tuy nhiên, nghị định cũng cần xem xét đến ngạch “giảng viên cao cấp” hiện đang tồn tại sẽ được xếp vào cấp nào trong hệ thống chức danh đại học?

Hơn nữa, để đảm bảo tính chính xác của một văn bản pháp quy, các thuật ngữ liên quan đến hệ thống chức danh cũng cần được chỉnh sửa. Thuật ngữ “giảng viên” dùng để chỉ một cấp bậc trong hệ thống chức danh, nên không thể dùng nó để chỉ chung cho tất cả các chức danh ở đại học. Vì thế, không thể dùng cụm từ “chức danh giảng viên đại học” mà nên viết đơn giản “chức danh đại học”, còn tất cả những người giảng dạy đại học có thể được gọi chung bằng một từ “giáo chức”.

LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên