26/04/2011 14:04 GMT+7

"Lướt sóng" đầu tư đại học

GS Phạm Phụ
GS Phạm Phụ

TT - Thế nào là một trường ĐH “có lợi nhuận”, những xu hướng tiêu cực như kiếm lời, hoàn vốn nhanh trên vốn góp vào các trường ĐH... là những nội dung nóng được trao đổi tại cuộc hội thảo khoa học “Mô hình ĐH tư thục ở Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 25-4.

Read this on Tuoitrenews.vn

x2hUsxRJ.jpgPhóng to

ĐH Hoa Sen là một trường tư thục được nhiều thí sinh lựa chọn trong mỗi mùa tuyển sinh. Trong ảnh: thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 vào trường trong kỳ tuyển sinh 2010 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hội thảo do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội phối hợp tổ chức với sự tham gia của gần 70 đại biểu là cán bộ quản lý, chuyên gia nghiên cứu giáo dục ĐH...

Muốn hoàn vốn nhanh

“Đã và đang diễn ra hiện tượng buôn bán quyền sở hữu vốn góp ở các trường ĐH ngoài công lập để kiếm lời theo kiểu “lướt sóng”, biến trường ĐH thành vật buôn bán. Người sẵn tiền tìm cách thâu tóm quyền sở hữu vốn góp. Nhà sáng lập, nhà giáo vốn không nhiều tiền bị loại trừ dần khỏi trường bởi những thủ thuật thương trường. Vai trò quản trị nhà trường của đội ngũ sáng lập, nhà giáo, nhà khoa học mất dần” - TS Đặng Văn Định, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An, lên tiếng cảnh báo.

Theo ông Định, hiện tượng muốn “hoàn vốn” nhanh đang là một xu thế trong đầu tư mở trường ĐH tư thục. Tán đồng với đánh giá của ông Định, nhiều đại biểu tham gia hội thảo nhìn nhận đây đang là những xu thế tiêu cực, đi ngược với hướng phát triển ĐH tư thục chung của thế giới. GS Phạm Phụ (ĐHQG TP.HCM) cho rằng trong khi các cơ quan quản lý còn lúng túng, chưa hoàn thiện được hệ thống quy định quản lý các trường ĐH tư thục thì ở một số trường đã có tình trạng các nhà đầu tư bán tháo cổ phần, có cơ sở đang tìm cách thu về một chủ, có cơ sở đã hướng đến việc kinh doanh đất đai và bất động sản...

Các đại biểu cũng đánh giá hệ thống văn bản pháp luật hiện hành quy định về ĐH tư thục, đặc biệt về vấn đề tài chính, quyền sở hữu còn chưa rõ ràng. “Quy định về tài chính, tài sản của trường tư thục có nhiều khoảng “mờ” kéo dài trong nhiều năm - theo nhận định của GS Phạm Phụ - đã làm hạn chế sự phát triển của hệ thống ĐH ngoài công lập. Và đó là lỗi thuộc về Bộ GD-ĐT khi đã để tình trạng này kéo dài”.

Lợi nhuận hay không?

Mảng mờ ở cấp quản lý nhà nước chủ yếu là mối quan hệ cung - cầu trong giáo dục ĐH. Cung hiện nay mới đáp ứng 40% của cầu, vì vậy xin một giấy phép lập trường rõ ràng là xin một “đặc quyền”... Việc thành lập trường ĐH tư thục lâu nay vẫn buộc phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới ĐH, e rằng chẳng có mấy nhà đầu tư nghiêm túc tham gia vì vướng vào cái gọi là cơ chế “xin - cho”

Thế nào là mô hình ĐH lợi nhuận và phi lợi nhuận, ở VN cần quan niệm như thế nào là “có lợi nhuận”... là những chủ đề được các đại biểu tranh luận sôi nổi và cũng chưa thống nhất được quan điểm nhìn nhận.

Dẫn chứng thực tế trường mình, GS Trần Phương, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, khẳng định Trường ĐH ngoài công lập phải có chủ và chủ sở hữu chính là các cổ đông đã góp vốn bằng tiền. Ông Phương cũng khẳng định trường ông là một trường ĐH tư thục phi lợi nhuận khi hằng năm vẫn trả lãi cho những người góp vốn.

Theo quan điểm của GS Trần Phương, “một trường ĐH phi lợi nhuận vẫn có thể trả lãi cho các cổ đông góp vốn với mức bằng 1-1,5 lần so với lãi suất gửi ngân hàng. Còn nếu sau khi chi phí hoạt động, còn bao nhiêu cuối năm chia hết cho các cổ đông góp vốn mới gọi là trường vì lợi nhuận”.

Ông Phương khẳng định nên xây trường ĐH tư thục theo hướng phi lợi nhuận mới tồn tại được lâu dài, vững bền, giảm được các nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp... Tuy nhiên, ông lại cho rằng: “Phần tài sản chung của trường ĐH gia tăng trong quá trình phát triển nhà trường vẫn phải thuộc về các cổ đông góp vốn. Tài sản chung có thể hiện tại không chia, nhưng khi trường giải thể phải thuộc về các cổ đông, chứ không thể thuộc về xã hội, cộng đồng như một luồng quan niệm về trường ĐH phi lợi nhuận hiện nay”.

Trái với quan niệm của GS Trần Phương, GS Phạm Phụ cho rằng đặc trưng của một trường ĐH phi lợi nhuận là không được chia lợi nhuận cho một ai, không có chủ sở hữu, không có nhà đầu tư, tài sản ở đây thuộc về sở hữu cộng đồng, nguồn vốn chủ yếu từ cho tặng và học phí, thường được quản trị bởi một hội đồng đại diện cho các nhóm lợi ích liên quan.

GS Phạm Phụ cũng nhấn mạnh: “Không vì lợi nhuận không có nghĩa là không được phép tạo ra lợi nhuận và thu nhập vượt quá chi phí. Trong một tổ chức phi lợi nhuận vẫn có thể có một bộ phận vì lợi nhuận”. Quan điểm của GS Phạm Phụ nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia nghiên cứu giáo dục ĐH.

Từ quan niệm trên, GS Phạm Phụ cho rằng: “Với thực tế ở VN hiện nay, ĐH tư phi lợi nhuận có lẽ chỉ có trong một số trường hợp riêng và nhìn chung khó huy động nguồn lực tài chính cho trường ĐH tư. Vì vậy cần khuyến khích phát triển các ĐH “nửa vì lợi nhuận”.

Đó là các trường ĐH tư mà trong quá trình hoạt động có trả lãi cho người góp vốn đầu tư với mức lãi tối đa ví dụ bằng 150% lãi suất huy động của ngân hàng. 50% lãi suất thêm là để bù đắp rủi ro có thể có. Khi cung trong giáo dục ĐH lên gần bằng cầu, mức rủi ro cao hơn, có thể điều chỉnh con số 50% lên cao hơn. Phần lợi nhuận cao hơn 150% sẽ thành sở hữu cộng đồng, không còn là của cổ đông”.

GS Phạm Phụ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên