20/04/2011 10:46 GMT+7

Nhiều nội dung không xứng tầm

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Xóa bỏ những quy định hiện hành đang là rào cản quyền tự chủ, các quy định phải nhằm chuẩn hóa mô hình giáo dục ĐH, trao nhiều quyền tự chủ cho các trường ĐH... Đó là những yêu cầu được giáo giới ĐH đặt ra đối với Luật giáo dục đại học (GDĐH) đang được Bộ GD-ĐT xây dựng.

Read this on Tuoitrenews.vnLuật mới, nội dung không mới

6PwYi6uO.jpgPhóng to
Nhiều ý kiến góp ý Luật giáo dục ĐH phải làm rõ về các mô hình ĐH, đặc biệt là ĐH hai cấp. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

Những ý kiến phát biểu thẳng thắn, gai góc liên tục làm nóng không khí của hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật GDĐH do Quốc hội tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - ngày 19-4. Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng đông đảo thành viên ban soạn thảo Luật GDĐH, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý GDĐH qua các thời kỳ...

Như luật... quản lý hành chính!

Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị đều bày tỏ mong muốn có một luật riêng cho GDĐH. Tuy nhiên, càng kỳ vọng vào mục tiêu và trọng trách của Luật GDĐH bao nhiêu, các chuyên gia, cán bộ quản lý GDĐH giàu kinh nghiệm càng tỏ ra thất vọng với nội dung dự thảo của Bộ GD-ĐT.

Một số ý kiến cho rằng nội dung dự thảo đến lần thứ tư của Luật GDĐH cũng chỉ trùng lặp với Luật giáo dục và điều lệ trường ĐH. Thậm chí GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành (Hội Cựu giáo chức VN) còn so sánh “dự thảo luật này chưa đầy đủ và chưa đề cập đến nhiều vấn đề cần luật hóa của cơ sở GDĐH - ít nhất là so với Luật giáo dục”. Theo ông Bành, với nội dung dự thảo hiện nay, Luật GDĐH chỉ giống như một luật... quản lý hành chính của trường ĐH.

Một trong những vấn đề dự thảo luật né tránh là mô hình trường ĐH, hệ thống GDĐH.

GS.TSKH Lê Du Phong (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) nhìn nhận: “Hiện nay ở nước ta đang tồn tại năm mô hình GDĐH khác nhau. Đó là ĐH quốc gia, ĐH vùng, trường ĐH, học viện và viện ĐH. Ta chưa có một đánh giá cụ thể nào đối với năm mô hình này về sự thích hợp và hiệu quả hoạt động, mà điều 10 của luật (Luật GDĐH - NV) cứ quy định chung chung như vậy, tôi lo rằng chúng ta sẽ chẳng có bước tiến nào so với hiện tại khi luật được ban hành”.

Cùng với ông Phong, nguyên phó thủ tướng Trần Phương cũng đề nghị xây dựng Luật GDĐH là cơ hội để làm rõ và nếu cần phải chỉnh sửa những quy định chưa rõ ràng, chưa hợp lý của hệ thống GDĐH hiện nay để chuẩn hóa theo thế giới. Đó là cần làm rõ mô hình ĐH quốc gia với “các trường ĐH bên trong ĐH”, thế nào là “ĐH” và “trường ĐH”, quy định cụ thể về hai loại hình trường tư thục lợi nhuận và phi lợi nhuận...

Một số ý kiến khác cũng đặt câu hỏi về mô hình ĐH hai cấp (ĐH bao gồm các trường ĐH). Thay mặt Hội Cựu giáo chức VN, GS Nguyễn Mậu Bành cho rằng: “Không nên có ĐH trên ĐH, có thêm bộ máy trung gian là không cần thiết”. GS.TS Từ Quang Hiển (ĐH Thái Nguyên) đề nghị nên “xóa bỏ mô hình hai cấp quản lý trong ĐH đa lĩnh vực”.

Đánh giá chung, GS.TSKH Lê Du Phong nhận xét “dự thảo luật còn quá chung chung, rất khó triển khai trong thực tiễn”. Một nội dung “không ổn” được ông Lê Du Phong chỉ ra là khi xác định sáu nhiệm vụ của các cơ sở GDĐH, điều 11 của dự thảo luật đã không có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. “Không giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho các cơ sở GDĐH là một sai lầm nghiêm trọng” - ông Phong khẳng định. Bà Trần Thị Tâm Đan - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cũng nhấn mạnh: “Với vị trí của hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở GDĐH như nhiệm vụ đào tạo, nên thể hiện đầy đủ ngay trong điều 11”.

Xóa xin - cho, trả quyền tự chủ

Đi vào các nội dung cụ thể, nhiều ý kiến mong muốn Luật GDĐH phải thể hiện, đồng thời là động lực để đổi mới GDĐH Việt Nam bằng những quy định quản lý mang tính đột phá. “Luật nhằm mục đích vừa phát triển GDĐH, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó phải xử lý triệt để một số vấn đề nhức nhối đang là nút thắt trong thể chế của nền GDĐH nước nhà” là yêu cầu được nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nay đại diện cho một trường ĐH tư thục, nhấn mạnh.

Trên quan điểm đó, ông Tạn yêu cầu một trong những vấn đề cốt lõi nhất cần phải được xác lập trong Luật GD ĐH là “xóa bỏ ngay ba rào cản quyền tự chủ của ĐH”. Trong đó, một trong những rào cản được ông Tạn nhấn mạnh là nhanh chóng xóa bỏ quy định về xin mở ngành, chuyên ngành đào tạo vì việc cho phép mở ngành hiện nay là cơ chế xin - cho tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh, phát triển.

Tương tự, GS Lê Du Phong cũng cho rằng các quy định trong dự thảo luật không thể hiện được quyền tự chủ của các trường, đặc biệt là các cơ sở GD ĐH công lập. GS Lê Du Phong đề nghị các trường ĐH phải được quyền tự in phôi bằng tốt nghiệp, được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm bao nhiêu và vào những ngành nào, trường có quyền mở ngành đào tạo, thiết kế chương trình, phương pháp đào tạo linh động đáp ứng nhu cầu của xã hội...

Ông Trần Phương thẳng thắn nhận xét: “Có vẻ như hiện nay bộ chưa muốn buông nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tế, muốn duy trì cơ chế quan liêu xin- cho vì... sợ rời ra sẽ không còn nhiều quyền... Việc duy trì các quy định quản lý nhà nước theo cơ chế xin- cho của Bộ GD-ĐT làm nảy sinh tiêu cực, các trường phải chạy chọt phong bì mới được giải quyết”.

Cần xóa bỏ “văn hóa phong bì”

Theo ông Trần Phương, chính từ chỗ không dám thay đổi, dứt bỏ quyền can thiệp vào những công việc cụ thể đáng lẽ thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH khiến Bộ GD-ĐT đang soạn thảo “một dự thảo luật vẫn bị chi phối bởi tư tưởng đã quá cũ kỹ trong quản lý nhà nước về giáo dục ĐH là quản lý cho chặt”.

Từ đó, ông Phương đưa ra đề xuất trong luật cần dành hẳn một chương viết về quyền tự chủ của trường ĐH. Đồng thời trong luật mới cần bỏ quy định về việc xin và cho phép thành lập trường ĐH cùng “các giấy phép con” cho phép hoạt động, cho phép mở ngành, tuyển sinh... đi kèm với “văn hóa phong bì” đã hình thành lâu nay.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên