01/10/2010 06:24 GMT+7

Hãy cãi lại bằng lý lẽ và lễ độ

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Câu chuyện một học sinh tung lên mạng đoạn ghi âm cô giáo dùng lời lẽ thiếu kiềm chế (Tuổi Trẻ 30-9) gây ra nhiều tranh luận và ý kiến từ hàng trăm bạn đọc, trong số đó phần nhiều là những người đang đi học và dạy học.

w5GqZgnq.jpgPhóng to
Ảnh minh họa - Hoàng Phong

Nhịp sống trẻ giới thiệu ý kiến của một nhà giáo đang dạy tại một trường ở TP.HCM:

Thầy không ra thầy, trò không ra trò, ai trách ai? Học sinh vô lễ hay giáo viên thiếu tư cách?Cô giáo bị ghi âm lén sẽ bị kỷ luật

Nếu chỉ dừng lại trong một câu chuyện về cô T.N. và cậu học trò L., tôi nghĩ không khó tìm câu trả lời. Đó là: học sinh vô lễ và giáo viên thiếu tư cách! Bởi không ai chấp nhận một học sinh lại “dè bỉu” - đúng từ mà báo tường thuật - cô giáo vì một cái sai về kiến thức, một chuyện rất bình thường bởi ai cũng có thể sai. Nhưng cũng không ai chấp nhận một cô giáo lại đi trả đũa học sinh vô lễ bằng cách chửi mắng bằng thứ ngôn ngữ vỉa hè trong 18 phút liền.

Vì vậy rất buồn cho cô T.N. và cậu học trò L.. Nhưng có một cái buồn còn lớn hơn nữa, đó là một nền giáo dục đã mắc lỗi để lọt ra những sản phẩm như thế.

Từ câu chuyện buồn của cô T.N. với học trò L., tôi chợt nhớ đến bài viết “Vị bộ trưởng giáo dục vị nhân sinh” về cụ Vũ Đình Hòe, đăng trên Tuổi Trẻ ngày 9-9-2010. Trong đó có trích lại một đoạn cụ Hòe nói chuyện ở Đại học Quốc gia Hà Nội đầu năm 2005.

Ông đã khuyên sinh viên - học sinh hãy biết cãi lại thầy cô: ”Các em hãy tham gia bài giảng bằng các câu hỏi của mình, thậm chí hãy cãi lại thầy cô một cách lễ độ và có lý lẽ”.

Vào thời điểm 2005, cụ Hòe đã 95 tuổi. Một người tưởng rằng ở tuổi như thế sẽ rất cổ hủ nhưng lại mới hơn, hiện đại hơn nhiều nhà giáo hiện nay rất nhiều. Là một giáo viên, hơn ai hết tôi biết hiện tại phần lớn giáo viên VN đều chưa có được cách ứng xử đúng đắn với học sinh, chưa quen nghe những lời cãi lại của học sinh.

Tôi biết có những em thực hiện đúng như lời khuyên của cụ Hòe, là cãi lại bằng lý lẽ và lễ độ, nhưng đều bị chụp cho cái mũ “vô lễ”. Trong khi đó, tôi biết ở các nước tiên tiến, những lời cãi lại bằng lý lẽ và lễ độ của học sinh luôn được thầy cô khen ngợi và đánh giá cao.

Ở trường sư phạm, các giáo viên tương lai chưa được huấn luyện để thể hiện bản lĩnh, để có thể nói những câu rất thẳng thắn, rất thật như: “Cảm ơn em. Em rất giỏi vì đã phát hiện cái sai của tôi”, hay: “Điều này tôi không biết. Hãy cho tôi thời gian để tìm hiểu và trả lời em sau”...

Nhưng bên cạnh chuyện của giáo viên thì phía học sinh cũng lắm vấn đề. Đặc biệt ở lĩnh vực dạy ngoại ngữ, nhiều đồng nghiệp của tôi kể rằng nhiều em đi học thêm, biết được nhiều từ khó, ít phổ biến và thế là “đố” giáo viên. Ai không trả lời thì các em bĩu môi cho là kém! Quả là khó giữ bình tĩnh trước những em học sinh như thế.

Khi trái chua, việc trước tiên người nông dân phải xem lại là cây ấy chỉ bị hỏng vài trái hay nhiều. Nếu ít thì đó là do sâu, do một cành nhỏ bị hỏng; còn nhiều phải xem lại việc chăm bón cho cây.

Câu chuyện của cô T.N. và trò L. có thể tạo cho mọi người cảm giác đây là chuyện cá biệt, bởi hình như là lần đầu xuất hiện trên mạng dưới hình thức ghi âm. Chứ trên thực tế, mối quan hệ thầy - trò ở VN xung quanh chuyện “cãi lại bằng lý lẽ và lễ độ” là một câu chuyện lớn, làm giảm hiệu quả của việc dạy và học trong nhà trường và chuyện này cần phải được giải quyết từ gốc.

Theo bạn, việc học sinh ghi âm lén giáo viên trên lớp, dù bất cứ lý do gì, là:
Hành động vô lễ, không được phép Có thể thông cảm được Có thể ghi âm cho riêng mình nhưng không được phát tán Ý kiến khác
GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên