26/06/2010 15:58 GMT+7

Nhìn đến chất lượng thật của mảnh bằng

NGUYỄN NGỌC HÀ
NGUYỄN NGỌC HÀ

TTO - Tuổi Trẻ hôm nay (26-6) đăng bản tin “Trong mười năm tới đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ”. Trong trang 15 bài phóng sự “Nhà máy điện của nông dân”. Một bản tin và một bài phóng sự trong cùng một tờ báo tạo nên cho bạn đọc một chuỗi suy nghĩ. Vui có, buồn có, xấu hổ có và tự hào cũng có.

cx6nh2fn.jpgPhóng to
Giữa ngày cúp điện nhưng nông dân Trần Văn Tâm vẫn phát được điện để xem bóng đá - Ảnh: Quốc Việt

Từ lâu, tại VN chứng kiến nhiều nông dân cải tiến máy cắt cỏ thành máy cắt lúa, ráp máy bay và giờ đây chẳng ai còn kinh ngạc với nông dân biết tự cứu mình bằng biogas. Thế giới có Thomas Edison từng bị đuổi học và sau trở thành nhà bác học vĩ đại nhất trong mọi thời đại, thì tại VN một anh Hai Lúa vì nhu cầu cuộc sống mày mò tìm ra ý tưởng cải thiện điều kiện làm việc và chất lượng sống của mình chẳng có gì lạ.

Tuy nhiên, ở đây điều đáng nói là từ nhiều năm nay chúng ta đã và đang tuyên chiến với bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Có ai trong chúng ta nhận ra bệnh thành tích này nằm trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Để rồi hàng năm, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ ra đời…

Và họ đã làm được gì cho đất nước? Có bao công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế? Thậm chí tầm cỡ của anh Hai Lúa chỉ để giúp đỡ người dân bớt nhọc nhằn? Trong khi có những quốc gia số lượng tiến sĩ đếm đầu tay mà năm nào họ cũng trình những công trình nghiên cứu cho thế giới dù giải Nobel hay Ignobel gì cũng là sự tự hào cho sự sáng tạo trong cuộc sống.

Người ta cứ đổ xô đi học tiến sĩ, thạc sĩ. Có tiến sĩ khi xem lại không lấy nổi một bằng tốt nghiệp THPT. Cô bạn tôi lấy bằng thạc sĩ tiếng Anh bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ phụ. Thế là trường cô học dạy tốc độ tiếng Pháp với 100 câu thuộc lòng và một kỳ thi được tổ chức trong 100 câu tiếng Pháp cho sẵn. Cô có bằng thạc sĩ cộng thêm chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Pháp. Thế nhưng thấy người Pháp là chạy mất dép!

Cũng hằng năm tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT thật đẹp, thế nhưng bao nhiêu cô tú cậu tú đủ chuẩn vào đời, đủ phẩm chất con người trí thức và đủ kiến thức để không nhằm "Trần Quốc Toản ra Trần Quốc Tuấn bóp nát quả cam"?

Ngay như ngành điện kêu gào thiếu điện. Thế có ông kỹ sư - tiến sĩ năng lượng nào dám đưa ra dự án tìm một ngưồn năng lượng thay thế ngưồn điện không. Trên Đà Lạt đã có sẵn lò phản ứng hạt nhân, sao không ông tiến sĩ nào nghiên cứu cải tạo để đưa nhà máy đó vào hoạt động sản xuất năng lượng hạt nhân?

Đến bao giờ chúng ta mới thật sự nhìn đến chất lượng thật của mảnh bằng hơn là chạy theo số lượng ảo chỉ để báo cáo, khoe khoang với thế giới. Nhưng nhìn lại vần đề nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày, những con người bằng cấp đầy mình đó chẳng làm được gì: thiếu điện, kẹt xe, ngập nước… Và đến những vấn đề kinh tế khác. Tất cả phải cần đến những cái đầu thông thái và có học thật sự. Như thế mới phát triển được đất nước dù chỉ ngang tầm Đông Nam Á.

NGUYỄN NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên