27/04/2010 13:00 GMT+7

Học triết kiểu Mỹ

PHAN ANH (Theo New York Times)
PHAN ANH (Theo New York Times)

TTO - Mỗi tháng vài lần, học sinh tiểu học ở Trường Springfield (bang Massachusetts, Mỹ) được giải phóng khỏi các môn thường nhật để tranh luận về... triết học. Nhưng các em không hề nói đến những tư tưởng danh tiếng như Hegel hay Descartes ở đây.

Thay vào đó, giáo sư Thomas E. Wartenberg và các sinh viên tình nguyện đến từ Đại học Mount Holyoke lại đưa cho các em những câu hỏi triết lý kinh điển để học sinh tự mổ xẻ vấn đề giống như khi các nhà triết học vĩ đại suy tư tìm ra chân lý.

xnoB4Jzc.jpgPhóng to
Học sinh Trường Springfield thảo luận các vấn đề triết học một cách phấn khích - Ảnh: New York Times

Vào một buổi chiều, học sinh của cô Christina Runquist đọc câu chuyện Giving Tree của tác giả Shel Silverstein. Câu chuyện kể về một cái cây lần lượt từ bỏ bóng mát, quả, cành và cuối cùng là thân cho một cậu bé mà nó kết bạn. Những câu hỏi được đặt ra để hướng học sinh thảo luận theo chủ đề bảo vệ môi trường, cách đối xử với thiên nhiên.

Phần lớn triết gia nhí này không gặp khó khăn với việc cậu bé sử dụng bóng mát của cái cây. Nhưng khi cậu ta xẻ cây táo ra và bán quả, bán cành rồi dùng thân cây để xây nhà và đóng thuyền thì tranh luận nổ ra.

“Đó chỉ là cái cây mà thôi”, Justin nhún vai nói.

“Nhưng cái cây cũng có cảm giác chứ”, Keyshawn phản đối.

“Nếu cậu ta lấy cả thân cây thì nó không sống được tiếp nữa - Nyasia tiếp lời - Với lại, cậu bé và cái cây là bạn của nhau”.

“Thế thì ai hãy nói cho tớ biết làm thế nào người và đá kết bạn đi - Isaiah lý luận lại - Vì đá không di chuyển được, nó không thể nhìn ngó xung quanh. Chúng ta có cách xử sự khác nhau giữa đồ vật và con người”.

Lập luận này làm cả lớp lặng đi một lúc để tìm lý lẽ thuyết phục hơn.

“Ngay từ đầu chúng tôi không thuyết phục các em tôn trọng những cái cây. Chúng tôi chỉ hỏi các em nghĩ gì. Điều đó giúp học sinh tham gia vào hoạt động tư duy triết học một cách tự nhiên, không gò ép. Chúng tôi không dạy các em những kết luận của các nhà triết họ mà hướng các em theo cách tư duy rộng mở và sâu xa như họ” - Giáo sư Wartenberg

Giáo sư Wartenberg đến thăm Trường Springfield từ năm 2007 để đổi mới cách dạy tư tưởng triết học. Ông nhận thấy nhiều giáo viên cố gắng đưa các tư tưởng đến học sinh dưới dạng nguyên tắc, kết luận, tiên đề, định lý và bắt các em ghi nhớ. “Điều đó thật khủng khiếp. Bản thân ai cũng thích những ý tưởng triết học bởi chúng là các câu hỏi cơ bản nhất về thế giới, nên chúng ta cần khơi gợi niềm yêu thích đó trong học sinh”, ông lập luận.

Wartenberg chỉ là một trong nhiều giáo sư triết học suy tư về cách dạy trẻ em. Từ những năm 1970, Matthew Lipman, lúc đó là giáo sư ở Đại học Columbia, đã nhận thấy trẻ em có thể suy nghĩ trừu tượng khi còn rất nhỏ và những câu hỏi triết lý có thể giúp các em phát triển kỹ năng này.

Quan điểm của Lipman là nhằm phản bác kết luận của học giả Jean Piaget về quá trình phát triển của trẻ em. Piaget khẳng định trẻ dưới 12 tuổi chưa thể suy nghĩ trừu tượng nhưng Lipman, và giáo sư Gareth Matthews đến từ Đại học Massachusetts khẳng định lại sự tò mò và lòng trắc ẩn của con trẻ sẽ giúp các em tìm được câu trả lời cho nhiều vấn đề triết học.

Giáo sư Matthews giải thích: “Thế giới đối với các em rất mới lạ và trẻ muốn hình dung mọi thứ. Trẻ nhỏ rất hay tư duy như các triết gia nhưng thường thì cha mẹ và giáo viên không khuyến khích các em tiếp tục. Họ chỉ nói: 'Ồ, bé mà cũng giỏi nhỉ’ nhưng rồi không hướng dẫn con em mình tiếp tục suy nghĩ sâu xa hơn về vấn đề”.

Có một điều thú vị mà các giáo sư chỉ ra là nền giáo dục hiện nay chỉ chăm chú dạy các em về những chuẩn mực và tính hiệu quả để hoàn thành bài tập, trong khi đó cuộc sống đầy những thách đố và rối loạn. “Chúng tôi muốn giúp trẻ sử dụng tư duy của mình để sống thoải mái trong sự hỗn loạn đó, để biết phân tích và thích nghi - giáo sư Wartenberg nói - Các em sẽ trả lời những câu hỏi như tại sao - tại sao không, có đồng ý hay không đồng ý nhưng phải biết tôn trọng ý kiến của người khác”.

PHAN ANH (Theo New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên