09/11/2009 03:17 GMT+7

Trường cao đẳng sư phạm đào tạo đa ngành

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Những năm gần đây khi nhu cầu giáo viên bão hòa, việc tuyển sinh và đào tạo của các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) gặp rất nhiều khó khăn. Một số trường CĐSP đã chuyển thành trường CĐ đa ngành để tìm hướng đi mới.

Trường cao đẳng sư phạm đào tạo đa ngành

TT - Những năm gần đây khi nhu cầu giáo viên bão hòa, việc tuyển sinh và đào tạo của các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) gặp rất nhiều khó khăn. Một số trường CĐSP đã chuyển thành trường CĐ đa ngành để tìm hướng đi mới.

ImageView.aspx?ThumbnailID=373861

Sinh viên ngành du lịch Trường CĐ Cần Thơ được hướng dẫn về nhiếp ảnh. Đây là một trong những ngành ngoài sư phạm của Trường CĐ Cần Thơ - Ảnh: Thanh Xuân

Tại Trường CĐ Bến Tre, ngoại trừ ngành sư phạm giáo dục mầm non, các ngành sư phạm khác đã ngừng đào tạo nhiều năm nay. Trường và Sở GD-ĐT tính toán lượng giáo viên cần đến năm 2015 khoảng 600 giáo viên tiểu học và sẽ tuyển sinh trong bốn năm. Hết số lượng này trường lại tiếp tục ngưng đào tạo ngành sư phạm cho đến khi có nhu cầu.

Năm 2009, trường chỉ tuyển 250 chỉ tiêu cho hai ngành sư phạm mầm non và tiểu học, hầu hết chỉ tiêu còn lại chia đều cho 11 ngành ngoài sư phạm.

Chỉ đủ trả lương

Ngành sư phạm giảm dần

Những năm gần đây số lượng ngành sư phạm tuyển sinh tại các trường CĐSP thường rất ít. Năm 2009 Trường CĐSP Bình Định tuyển năm ngành sư phạm trong tổng số 13 ngành đào tạo. Tỉ lệ này ở Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu là 6/9, Kontum 4/6, Thừa Thiên-Huế 9/15, Trà Vinh 2/6, Vĩnh Long 3/6...

Năm 2006 Trường CĐ Cần Thơ có gần 150 cán bộ công nhân viên chính thức. Chỉ tiêu sư phạm được giao mỗi năm khoảng 450. Tuy nhiên số lượng tuyển được cứ giảm dần, đến năm 2008 trường chỉ tuyển được 200 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhu cầu giáo viên bão hòa nên số lượng ngành sư phạm tuyển sinh ngày càng ít.

“Với lượng cán bộ và số sinh viên tuyển được như vậy, ngân sách nhà nước đầu tư chỉ đủ trả lương, không có kinh phí phục vụ các hoạt động giáo dục của trường. Làm sao sống nổi” - hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ Nguyễn Ngọc Lợi chia sẻ.

Từ năm 2006, Trường CĐSP Cần Thơ chính thức chuyển thành Trường CĐ Cần Thơ. Năm 2009 trường chỉ tuyển sinh hai ngành sư phạm là mầm non và tiếng Anh, trong khi có đến 11 ngành ngoài sư phạm. Số lượng sinh viên sư phạm hiện chỉ chiếm 1/6 trong tổng số trên 6.000 sinh viên của trường.

Hiệu trưởng Trường CĐ Bến Tre Lê Thành Công khẳng định “nếu không tuyển ngoài sư phạm, trường sẽ khó sống được”. Giai đoạn 2003-2008, mỗi năm trường chỉ tuyển 50 chỉ tiêu sư phạm mầm non. Nếu so con số này với 260 cán bộ công nhân viên thì sự tồn tại của trường rõ ràng là hết sức khó khăn. Khi chuyển sang CĐ đa ngành, các ngành ngoài sư phạm với chỉ tiêu lớn đã giúp trường giải quyết được bài toán kinh phí đầu tư giảng dạy, thu nhập cho cán bộ công nhân viên, khai thác tối đa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất sẵn có cũng như phục vụ đào tạo nhân lực cho xã hội.

Hiệu trưởng một trường CĐSP tại miền Trung cho biết với khoảng 200 sinh viên sư phạm/khóa, lại không ổn định nên không chỉ nhân lực, vật lực của trường bị lãng phí mà sự tồn tại của trường cũng rất khó khăn do không có kinh phí đầu tư xây dựng, trang thiết bị, giảng viên đứng lớp ít dẫn đến thu nhập thấp, nhiều người không còn mặn mà với nghề. Thực tế nhiều trường tuy vẫn là CĐSP nhưng thực chất là một trường CĐ đa ngành.

Hướng đi mới

Hiệu trưởng Trường CĐSP Thừa Thiên-Huế Hoàng Ngọc Quý cho rằng mặc dù nhiệm vụ đào tạo sư phạm vẫn là trọng tâm, nhưng trong giai đoạn hiện nay nếu các trường chỉ tuyển ngành sư phạm sẽ rất khó tồn tại. Hơn nữa sẽ rất lãng phí nguồn lực sẵn có. Việc tuyển sinh đa ngành sẽ giúp các trường tận dụng nguồn lực tốt hơn.

Theo thầy Quý, giảng viên những môn cơ bản có thể tham gia giảng dạy trong các ngành ngoài sư phạm, qua đó giải quyết được nhiều vấn đề về nhân sự, kinh phí đầu tư phục vụ việc phát triển của trường. Trong giai đoạn hiện nay, thầy Quý đề xuất không nên gò bó việc tuyển sinh sư phạm theo địa phương. Nên xem sư phạm như những ngành khác, mở rộng phạm vi tuyển sinh để các trường cạnh tranh.

Trong khi đó, hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Lợi cho biết khi chuyển từ trường sư phạm sang đa ngành, Trường CĐ Cần Thơ cũng gặp một số khó khăn. Giảng viên dôi dư, còn mang nặng dấu ấn sư phạm, phòng thí nghiệm thực hành chưa kịp trang bị, thiếu giảng viên cơ hữu chuyên ngành những ngành ngoài sư phạm... Tuy nhiên khi hoạt động ổn định, lượng sinh viên tăng, ngân sách nhà nước cấp nhiều hơn, chi phí đầu tư cao hơn, có thêm biên chế cho các ngành mới mở.

“Hiện nay có nhiều trường CĐ được thành lập mới tại các địa phương. Nếu so với việc thành lập trường CĐ mới thì việc nâng cấp trường CĐSP tại địa phương thành trường CĐ đa ngành sẽ thuận lợi hơn và tiết kiệm chi phí đầu tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, cơ sở vật chất... Có trường mới thành lập được giao chỉ tiêu 800 nhưng chỉ tuyển được 300. Đó là sự lãng phí trong đầu tư giáo dục” - thầy Lợi nói thêm.

Hiệu trưởng Trường CĐSP Vĩnh Long Ngô Thanh Trúc chia sẻ: hiện nay trường vẫn còn đào tạo ngành sư phạm nên số tiết đứng lớp của giảng viên vẫn đảm bảo. Tuy nhiên cũng có giảng viên được phân công kiêm nhiệm tại các phòng chức năng. Theo cô Trúc, việc chuyển thành trường CĐ đa ngành là hướng đi mới cho các trường CĐSP trong điều kiện hiện nay.

MINH GIẢNG

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên