22/09/2009 10:14 GMT+7

Chưa biết đi đã bắt chạy

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Học sinh lớp 1 phải viết chính tả, đọc những cụm từ tiếng Anh... ngay trong những tuần đầu năm học. Tiếp cận với thực tế tại một số trường tiểu học, chúng tôi phát hiện thêm nhiều chuyện bất ngờ.

Chưa biết đi đã bắt chạy

TT - Học sinh lớp 1 phải viết chính tả, đọc những cụm từ tiếng Anh... ngay trong những tuần đầu năm học. Tiếp cận với thực tế tại một số trường tiểu học, chúng tôi phát hiện thêm nhiều chuyện bất ngờ.

ImageView.aspx?ThumbnailID=362831

HS lớp 1/7 Trường tiểu học Bàu Sen. Theo lời giáo viên chủ nhiệm thì khoảng 2/3 số HS trong lớp đã học chữ trước khi vào lớp 1 - Ảnh: H.HG.

Giờ tan học ở Trường tiểu học Bàu Sen (Q.5, TP.HCM), học sinh túa ra như đàn chim non. “Mẹ ơi, ngày mai mẹ cho con đi học thêm ở nhà cô nhé”. “Mới lớp 1 đâu cần học thêm làm gì con”. “Cần chứ mẹ. Đi học thêm để viết chữ đẹp hơn. Trong lớp con có bạn H.B. (vì lý do tế nhị chúng tôi viết tắt tên của các nhân vật trong bài) ngày nào cũng bị cô đánh vì tội viết chậm, viết xấu. Con sợ lắm...”.

Thoạt nghe mẩu đối thoại trên của hai mẹ con một em học sinh, chúng tôi không khỏi giật mình.

Đi học là bị... đau bụng

Cô L. - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/7 - thừa nhận: “Có đánh em B. nhưng chỉ đánh bằng tay chứ không đánh bằng thước. Em B. học hơi chậm, viết cũng chậm, chưa đánh vần được, chỉ những âm nào học rồi bé mới biết mà thôi”.

Chúng tôi thắc mắc: “Bé mới vào lớp 1, âm nào cô dạy bé mới biết chứ”. Cô L. thanh minh: “Phụ huynh em B. cũng không quan tâm đến việc học của con vì không thấy ký tên vào tập chuẩn bị bài”. Theo lời cô L., lớp 1/7 là lớp tăng cường tiếng Anh, HS dạn dĩ và năng động hơn các lớp thường. Trong đó hơn 2/3 số HS đã học chữ trước khi vào lớp 1.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc giáo viên đánh HS, ông Nguyễn Xuân Bảo - hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Sen - trầm ngâm: “Đây là điều đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh chúng tôi đang nỗ lực thực hiện môi trường học thân thiện, HS tích cực. Tôi thường xuyên đi kiểm tra ở các lớp nhưng rất tiếc những ngày vừa qua tôi không phát hiện. Vụ việc này tôi sẽ sinh hoạt và rút kinh nghiệm với giáo viên toàn trường”.

Chiều 15-9, tiếp xúc với anh C.N., phụ huynh một HS Trường tiểu học Hòa Bình, anh thắc mắc: “Báo đã biết chuyện HS lớp 1 bị cô giáo đánh vì viết chậm chưa? Nghe đâu bé HS đó sợ quá, không chịu đi học nữa, phụ huynh phải xin chuyển lớp cho bé...”.

Trao đổi thêm, anh cho biết: “Mấy đứa con lớn của tôi ngày xưa đều học Trường Hòa Bình. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng cho bé Q. vào trường chơi, bé rất thích và mong đến ngày được đi học như anh chị mình. Có ai ngờ mới đi học hơn một tuần, niềm háo hức, hồn nhiên và vui tươi của cô HS lớp 1 biến đâu mất, bé than đau bụng không chịu đi học. Tôi biết là do bé không được đi học chữ trước nên không theo kịp các bạn trong lớp, bé viết không đẹp, không đúng nên hay tẩy xóa...”.

Phải biết đọc - viết tiếng Anh

Cứ tưởng việc viết chính tả sẽ chỉ diễn ra đối với HS lớp 2. Nhưng ở TP.HCM rất nhiều giáo viên đã đọc chính tả cho HS lớp 1 viết ngay từ tuần đầu tiên của năm học 2009-2010.

Một giáo viên giỏi ở Q.9 chia sẻ: “Chỉ những HS đã học chữ trước mới có thể viết chính tả ngay từ đầu năm. Những HS chưa học chữ đương nhiên sẽ không viết được hoặc viết sai, sai kích cỡ, viết không kịp... Tâm lý của trẻ sáu tuổi mới đi học được vài ngày mà gặp phải những yêu cầu quá cao, vượt khả năng bản thân thì sẽ sợ hãi, chán nản. Thêm vào đó, cô giáo còn la mắng hoặc khẻ tay là HS sẽ rất sợ đến trường”.

Trong khi đó, nhiều trường tiểu học ở nội thành cho biết số HS lớp 1 đã học chữ chiếm 50-75% số HS/lớp (thậm chí có lớp chỉ 1-2 em chưa học).

Chị T. - phụ huynh lớp 1A2 Trường tư thục Trương Vĩnh Ký - còn phản ảnh: “Đầu năm học các bé mới chập chững vào lớp 1, tâm hồn cũng như kỹ năng viết như tờ giấy trắng. Vậy mà cô giáo cho viết rồi đọc tiếng Anh những cụm từ như: “take out your book”, “point to the poster”...

Các bạn cùng lớp với con tôi đều viết được và viết rất đẹp. Con tôi chưa học chữ nên viết không kịp cả môn tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Vô tình bé thành trường hợp cá biệt. Vì thế tôi bị cô giáo mắng vốn hoài: “Bé viết chậm, bé không biết viết, hôm nay bé không chịu viết bài, mong phụ huynh về nhà cho bé viết hết bài...”.

Nói rồi chị T. lấy tập của con mình ra cho chúng tôi xem: “Bé viết sai ô li như thế này nhưng cô không hề sửa, chỉ chấm điểm một cách lạnh lùng. Về nhà tôi phải gom lại hết những chữ viết sai, kêu bé tẩy đi rồi viết lại cho đúng. Nhiệm vụ rèn luyện HS viết cho đẹp, cho đúng hình như của phụ huynh chứ không phải giáo viên”.

“Kẽ hở” từ quy định

ImageView.aspx?ThumbnailID=362832
Một trang tập viết môn tiếng Anh của HS lớp 1A2 Trường tư thục Trương Vĩnh Ký - Ảnh: H.HG.

Theo nhiều giáo viên giỏi ở TP.HCM, việc tăng tốc (dạy nhanh hơn so với khung phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT) môn tiếng Việt lớp 1 chỉ có thể thực hiện ở học kỳ 2 của năm học. Bởi chương trình môn tiếng Việt lớp 1 là cho học sinh học hết âm, vần trong học kỳ 1; học kỳ 2 chỉ ôn tập lại và mở rộng thêm. Nếu tăng tốc ngay từ học kỳ 1, những học sinh chưa học chữ sẽ bị “hẫng”. Chỉ những học sinh học chữ trước mới theo kịp chương trình.

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi ngày 14-9, khung phân phối chương trình của bộ là bài 13 (SGK Tiếng Việt 1 tập 1) thì rất nhiều giáo viên ở Q.3, Q.5, Q.Bình Thạnh, Q.9... đã dạy đến bài 15, 16. Thậm chí có giáo viên còn dạy đến bài 19. Tất cả trường hợp trên đều được xem là “hợp pháp” vì Bộ GD-ĐT đã có công văn chính thức cho phép giáo viên tiểu học tự phân phối chương trình phù hợp với điều kiện lớp học.

Đây có phải là “kẽ hở” để giáo viên “bỏ rơi” những em chưa được học chữ trước?

HOÀNG HƯƠNG

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

Con đi học mà cha mẹ xót xa!

* Học tiếng Việt chưa xong đòi lo giỏi tiếng Anh. Thật đau lòng khi nhìn các em nhỏ học. Các cháu không có thời gian vui chơi vì suốt ngày chỉ có học và học. Đến trong mơ các cháu cũng thấy học nữa. Tôi đã có thời gian đi dạy môn tin học cho học sinh cấp II, cấp III, sinh viên. Có lần tôi dạy sau tiết Anh văn của lớp 6, cô giáo phải xin tôi trễ thêm 15 phút vì các em viết bài chưa kịp. Khi vô lớp thấy học sinh lớp 6 viết tiếng Anh mà tôi đọc không ra. Thấy học sinh học mà xót xa quá!

N.D.T.

* Chúng ta cần bàn về việc chấp hành sự chỉ đạo của ngành giáo dục từ phía nhà trường và giáo viên! Theo kế hoạch giảng dạy của bộ thì bậc học mầm non nhằm giúp các em tập hòa nhập với cộng đồng trong sinh hoạt vui chơi, học tập phù hợp với lứa tuổi. Sau đó các em vào lớp 1 để từng bước tập làm quen với âm, vần và tiếng để rồi đến biết đọc và viết ở học kỳ 2.

Nhưng thực tế áp dụng thì nhiều trường đã "sáng tạo" (?) khi tổ chức "thi tuyển" đầu vào lớp 1 để phân loại học sinh! Điều này đi ngược chủ trương của bộ nhưng chưa hề nghe ý kiến chỉnh sai từ cấp lãnh đạo ngành!

Đối với giáo viên dạy lớp 1, tâm lý  ai cũng muốn có nhiều em giỏi biết đọc viết sớm thì dễ giảng dạy hơn, vì họ chỉ làm công việc giảng để các em nhớ lại những gì mà các em đã biết, đã học trước. Còn việc dạy thì chỉ tội cho các em học sinh chưa biết qua mặt chữ bị xếp vào loại "yếu" vì không thể theo kịp các bạn cùng lớp đã học hè!

Xem ra việc thu nhận học sinh vào lớp 1 và việc phân loại học sinh, dạy học sinh lớp 1 còn nhiều bát nháo mà các cấp lãnh đạo ngành GD-ĐT cần phải chấn chỉnh ngay từ năm học này, đừng để trở thành thông lệ thì chương trình và nội dung giảng dạy lớp 1 hiện nay sẽ trở nên lỗi thời vì sự lệch pha chính ngay tại nhà trường tiểu học!

Dương Văn Ngọc

* Tôi nghĩ đây là thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì TP.HCM hay một địa phương nào, đặc biệt là các trường ở thành phố. Tôi có đứa em đang học tại một trường tiểu học ở Đà Nẵng cũng vậy. Mới vào lớp 1 mà phải đi học thêm tại nhà cô ban đêm mặc dù em đã học bán trú cả ngày ở trường (theo quy định đã học 2 buổi/ngày thì không được học thêm). Mẹ của em bảo vì cô giáo nói em viết bài quá chậm, không theo kịp bạn bè nên cần phải học thêm (các bạn khác đã đọc thông viết thạo).

Tôi được biết ở mẫu giáo em cũng đã làm quen và có thể đọc được sách lớp 1. Vậy nguyên nhân nào mà không theo kịp bạn bè? Đơn giản vì cô giáo luôn cho rằng học sinh của mình đã được học trước rồi và đã giỏi "cái chữ" trước khi vào lớp 1. Thực tế điều này đúng vì hầu hết phụ huynh đều cho con rèn ở mẫu giáo để khỏi bị "lạc hậu" khi bước vào lớp 1.

Và các trường cũng đều mong muốn có được những học sinh như vậy để dễ đạt được thành tích trong giảng dạy. Tôi nghĩ chủ trương xây dựng trường học thân thiện, xóa bệnh thành tích của Bộ GD-ĐT là đúng đắn, nhưng gần như các trường, các giáo viên đứng lớp lại quên đi trách nhiệm và đi ngược lại chủ trương đúng đắn đó.

Thiết nghĩ để xóa bỏ được quan niệm của phụ huynh là cho con rèn chữ trước khi vào lớp 1 thì phải tạo được một môi trường giáo dục đúng nghĩa, lành mạnh. Để làm được điều này không phải là Bộ GD-ĐT mà chính là các thầy cô trực tiếp đứng lớp.

Thien Khiem

* Theo tôi nghĩ lỗi cũng không hẳn của giáo viên, đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại những giáo trình hiện nay. Nhớ hồi xưa những giáo trình cho lớp 1 không nặng nề như bây giờ. Chỉ có sách tập tô, tập đọc, toán và tập viết, tiếng Việt.

Bây giờ nhìn vào giáo trình của lớp 1 mà tôi còn phát hoảng huống gì những đứa bé non nớt. Tập viết thì viết nguyên cả từ, thậm chí còn có sách toán nâng cao. Tôi thật sự không biết bây giờ nhồi nhét vào đầu những đứa trẻ như thế thì liệu sau này nó có giỏi như chúng ta mong muốn không hay là bội thực việc học hành.

ngochan227@...

* Thật khổ cho học sinh bây giờ, trước đây (năm 1979) khi vào lớp 1, tôi chỉ học ngày một buổi, cô giáo tận tình hướng dẫn kỹ từng nét chữ đầu tiên. Ngoài ra còn học lễ nghĩa đầy đủ. Bây giờ học trối chết, lúc nào cũng học, học… lấy đâu ra thời gian học lễ?

Đạo đức học sinh xuống cấp là điều hẳn nhiên, các em chưa "tiêu hóa" hết toàn bộ kiến thức ở trường rồi lại phải đi học thêm nhà cô giáo, chưa kể một số thầy cô giáo vừa thiếu tâm, vừa thiếu tầm; “mồi chài” trắng trợn học sinh đến nhà học thêm (cho số điện thoại, địa chỉ, hướng dẫn nhà...), nếu không thì vào lớp cô giáo không quan tâm hoặc làm khó.

Hãy để trẻ vui chơi theo đúng lứa tuổi của chúng, đừng dồn ép ra những thiên tài, mà có ra nổi thiên tài không khi lượng thời gian dành cho việc học quá nhiều, lấy đâu ra sáng tạo và học lễ nghi, đạo đức? Tiếng Anh có cần thiết chăng khi tiếng Việt còn biết chưa rành, còn nói ngọng?

Tôi từng gặp những đứa trẻ lúng túng trong phát âm vì chưa rành tiếng Việt mà lại nhồi thêm tiếng Anh. Các nhà quản lý giáo dục nên nhìn lại cách mình làm có hợp lý không và đừng để thiệt hại cả một thế hệ.

Jerry

* Tôi rất thông cảm những bậc phụ huynh có con vào những lớp đầu của tiểu học. Các cháu học quá nhiều trong lúc lẽ ra lứa tuổi này phải có nhiều thời gian để chơi. Sự thay đổi chương trình nên làm từ trên Bộ GD-ĐT, chương trình nặng quá thì tạo ra nạn học thêm và dạy thêm.

Chương trình lớp 1 học tiếng Việt chưa hết mặt chữ lại nhồi thêm tiếng Anh, bắt trẻ phải đi vào lò luyện làm gì? Hiệu quả thế nào có ai đánh giá được đâu. Ngày xưa tôi và những thế hệ trước học ngoại ngữ từ năm lên lớp 6, thêm một ngoại ngữ phụ năm lên lớp 10 (khá chậm so với bây giờ) thế mà chẳng sao.

Tôi cũng đến nhiều nước châu Âu, con cái bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài học tiểu học có rất nhiều thời gian để học bơi, vẽ, nhạc..., không học một cách vất vả, đánh vật như con cháu của mình ở Việt Nam.

Le Quang Sang

* Tôi không có con học lớp 1, nhưng khoảng năm năm gần đây cứ độ thu sang, khi mùa tựu trường đến tôi lại thấy khá nhiều bài viết về tình trạng dạy học sinh lớp 1 theo cách dạy đối với học sinh đã biết chữ rồi. Mãi đến năm nay cũng không có biện pháp nào giải quyết được thực trạng này.

Tôi thấy chỉ cần yêu cầu các trường tiểu học dạy đúng chương trình đã thiết kế và hiệu trưởng các trường là người chịu trách nhiệm về việc giáo viên dạy sai quy định. Với cách làm này cũng sẽ dần làm phụ huynh thấy rằng việc họ bắt con học trước thật uổng phí.

Hà Thị Loan

* Chúng ta chỉ biết nhồi nhét, cưỡng ép các em học như những thần đồng bẩm sinh. Các em phải học suốt ngày, suốt tuần để rồi khả năng tư duy bị thiếu hụt nghiêm trọng. Thời gian cho hoạt động năng khiếu, thể thao, văn hóa, xã hội, các kỹ năng cho cuộc sống lại bị bỏ lửng một cách không thương tiếc.

Rất nhiều người sau khi học xong phổ thông vẫn viết sai chính tả rất nhiều, cách viết văn cũng khiếm khuyết. Vậy mà giờ đây ngay tại lớp 1 đầu cấp người ta lại đòi hỏi học sinh viết được tiếng Anh hơn cả tiếng Việt. Tôi nghĩ rất cần xem lại vấn đề này.

Phan Thanh Long

*  Học sinh lớp 1 phải viết chính tả, đọc những cụm từ tiếng Anh ngay trong tuần đầu năm học, đúng là các em đã bị người lớn đẩy đến chỗ quá sức!

Thiết nghĩ cách làm này vừa thiếu suy nghĩ, vừa thiếu sự tính toán. Tôi tự hỏi tại sao các giáo viên không bắt đầu cho các bé tập viết bảng chữ cái rồi mới đến ghép vần, ghép chữ theo đúng chương trình và đúng độ tuổi tiếp nhận của các bé?

Nếu đó là chương trình học tiếng Anh thì cũng nên như thế. Thử hỏi với những cụm từ mà các bé viết (Take out your book, Put away your book... ) được báo chụp minh họa lại, các bé có hiểu gì về nghĩa thực của nó, cách dùng ra sao không? Hay chỉ thuộc lòng theo ý cô giáo nói cho các bé biết. Như thế chẳng phải giáo viên đang tập cho các bé thói quen "đọc chép" ngay từ khi mới bắt đầu biết chữ hay sao? 

Vĩnh Phú

* Tôi rất cảm ơn bài báo đã khơi đúng vấn đề mà tôi và gia đình mấy hôm nay vừa bất bình lại vừa lo lắng. Bất bình là vì con tôi mới học lớp lá (mẫu giáo) mà đã nghe có chuyện cô giáo phụ trách lớp mở lớp dạy chữ ở nhà và nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học.

Riêng gia đình tôi không cho và ở nhà chúng tôi cũng chưa dạy cháu học chữ, vì tôi nghĩ cháu chưa đến tuổi nên nếu không khéo lại làm hư cháu về tư thế ngồi học đến cách cầm viết... do xương và tay cháu chưa cứng để thực hiện việc này.

Tâm trạng lo lắng của gia đình càng lên cao khi hôm qua lúc được mẹ rước về, cháu cứ đòi mẹ cho đi học thêm ở nhà cô. Về đến nhà, cháu lại xin tôi cho đi học thêm (trong khi các buổi sáng chúng tôi bảo cháu dậy đi học rất khó). Tôi nghĩ tuổi của con mình (chưa được 5 tuổi) chỉ là tuổi ăn, chơi, ngủ là chính.

Mong các cấp quản lý xem xét lại vấn đề này.

Nguyễn Đăng Phúc

* Cám ơn báo Tuổi Trẻ đã phản ánh thực trạng này. Theo tôi, hiện ở một số trường và một số giáo viên tiểu học đang có đề nghị phụ huynh cho con em học thêm buổi tối. Điều này làm phụ huynh chúng tôi băn khoăn: mới 6 tuổi đầu mà 6g50 sáng học đến 16g30 về, rồi 19g lại vác tập đến nhà cô học thêm tới 20g30.

Thiết nghĩ các cháu đi học còn hơn phụ huynh đi làm ngày tám tiếng. Vậy với việc học căng thẳng như hiện nay, liệu sau một năm sức khỏe các cháu ra sao? Chúng ta làm việc này có phải nhằm xây dựng thế hệ tương lai cho đất nước?

Trang Mai

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên