20/01/2009 06:04 GMT+7

Cô Hồng của lớp 5A

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - “Cô Hồng là người đi đầu phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy trong trường, thường xuyên lên chuyên đề cho giáo viên cả quận đến học tập” - cô Lê Kim Trọng - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM - nhận xét về giáo viên Nguyễn Thị Lệ Hồng như thế.

I0cgsxcs.jpgPhóng to
Cô Nguyễn Thị Lệ Hồng với các học sinh lớp 5A - Ảnh: H.HG.

Chuyên môn vững vàng và rất cần mẫn trong việc rèn chữ cho HS, nên nhiều năm nay năm nào lớp cô Hồng cũng có hơn 70% HS đoạt giải vở sạch chữ đẹp cấp quận. Cứ đầu năm học nhiều phụ huynh đến gặp ban giám hiệu xin cho con được vào học lớp cô Hồng…

Lời trẻ thơ

Trống đánh “tùng, tùng, tùng” báo hiệu giờ ra chơi, cô giáo vừa bước ra khỏi lớp, chúng tôi đi vào: “Các em có thích học cô Hồng không?”. Cả lớp 5A nhanh chóng tập trung lại một chỗ, đồng thanh: “Dạ có”. “Tại sao vậy?”. “Tại vì cô giảng dễ hiểu”, “Vì cô vừa dạy vừa cho chơi trò chơi rất vui”, “Học cô Hồng em viết chữ đẹp hơn”, “Em thích cô dạy môn toán nhất vì cô bảo các em muốn giải cách nào cũng được, miễn ra đáp số đúng là được 10 điểm”... Các HS tranh nhau phát biểu hồn nhiên.

Và các em kể: “Cô thương cả lớp. Hễ bạn nào được điểm tốt thì được cô khen; bạn nào hay nói chuyện, không chịu làm bài bị cô la. Cô thương cả những bạn học yếu. Cô hay giảng bài riêng cho các bạn ấy, cô còn ân cần động viên các bạn ấy chịu khó học tập”. “Như Gia Bảo nè, cô kèm cặp một thời gian bây giờ học giỏi hẳn lên, siêng năng hơn hẳn” - một cô học trò nhỏ bày tỏ.

“Cô giáo em rất hiền nhưng cũng hơi nghiêm khắc” - HS Phương Nhung rụt rè cho biết. “Cũng có lúc cô la các bạn rất dữ, tụi em rất sợ nhưng hiểu rằng cô muốn tất cả HS phải học thật tốt” - bạn Thảo Nguyên chen vào. Còn HS Minh Hòa thích thú: “Cô giảng hay gợi ý để chúng em hiểu bài nhanh. Thỉnh thoảng cô còn tìm sách hay đọc cho chúng em nghe”.

Và tâm sự của cô giáo

“Tôi đã có thâm niên 26 năm trong nghề sư phạm, từng phụ trách nhiều lớp với nhiều đối tượng HS khác nhau. Mỗi đối tượng cần có một phương pháp giáo dục riêng chứ không phải em nào cũng giống em nào. Nhưng tựu trung tôi thấy với bất cứ phương pháp nào giáo viên cũng cần đầu tư nhiều thời gian, công sức mới có hiệu quả giáo dục tốt” - cô Hồng tâm sự.

Các đồng nghiệp cho biết nhiều năm liền cô cảm hóa được nhiều HS cá biệt, giúp các em học tốt. Cô Hồng bày tỏ: HS cá biệt có nhiều dạng khác nhau. Có em được gia đình nuông chiều, hay trốn học, đi chơi, thích chọc phá bạn. Có em do mất căn bản nên chán học, quậy phá, bất cần. “Trước hết tôi phải tìm hiểu nguyên nhân rồi mới gần gũi khuyên nhủ HS. Những HS có học lực yếu tôi tranh thủ thời gian lúc ra chơi hoặc sau buổi học ở lại thêm 30 phút để kèm cặp, giảng bài riêng cho em. Nhiều em trốn học, tôi đã nhờ HS trong lớp dẫn đến tận nhà gặp phụ huynh và bàn cách giúp HS tiến bộ hơn”.

Được biết, cô Hồng là người đi đầu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, thường lên chuyên đề cho giáo viên cả quận đến học tập. Nhưng không phải không có khó khăn. Cô nói khó khăn nhất là vấn đề thời gian. “Dạy trong trường suốt từ sáng đến chiều. Buổi tối về nhà phải lo chu toàn thiên chức của người vợ, người mẹ. Sau đó còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học...” - cô tâm sự. Một ngày của cô thường bắt đầu lúc 5g sáng và kết thúc lúc 11g hoặc 12g khuya, trong đó có rất ít thời gian để đọc sách, bổ sung kiến thức mới. “Cách đây mấy năm tôi học nâng chuẩn bậc đại học. Ông xã cứ than hoài, ngày nào cũng thức khuya với giáo án, sổ điểm; thứ bảy, chủ nhật đi học suốt ngày…” - cô cười, kể chuyện về mình.

Hơn 10 năm nay, HS lớp cô phụ trách đều viết chữ rất đẹp. Về điều này, cô cho biết: “Đó là quá trình theo dõi, hướng dẫn, kèm cặp HS trong suốt cả năm học. Đầu năm tôi để ý và chấn chỉnh ngay về cách cầm viết, tư thế ngồi. Sau đó mới đến công đoạn rèn chữ. Tôi rèn cho từng em và rèn suốt cả năm, nhắc nhở từng ngày. Chỉ cần buông lơi một ngày là các em viết ẩu, nguệch ngoạc ngay. Có thể những giáo viên khác sẽ tranh thủ lúc HS làm bài tập để chấm bài hoặc vào sổ điểm chứ với tôi, đó là thời gian đi lên đi xuống rèn chữ cho HS. Bởi vậy tôi phải mang bài về nhà chấm, mất nhiều thời gian cho công việc hơn người khác. Bù lại tôi có được nhiều niềm vui. HS tiểu học rất hồn nhiên, cô la đó nhưng rồi chút xíu quên ngay, lại quấn quýt bên cô. Nhiều em đã ra trường lâu năm nhưng cứ đến 20-11 là về thăm cô”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên