20/11/2008 08:14 GMT+7

Đổi mới phương pháp giảng dạy phải bắt đầu từ đâu?

QUANG DƯƠNG
QUANG DƯƠNG

TT - Sau buổi tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy” (17-11) do báo Tuổi Trẻ và Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, và sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Tất cả trong tầm tay nhà giáo” (18-11), đã có nhiều ý kiến trao đổi lại.

Nghe đọc nội dung toàn bài:
0qESgIcx.jpgPhóng to
Một tiết dạy giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh - người thầy đã sáng tạo phương pháp giảng dạy hấp dẫn học sinh ở môn học mà nhiều học sinh chán ngán - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tiếp tục ghi nhận đóng góp của những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, Tuổi Trẻ xin đăng hai ý kiến tiêu biểu trong loạt ý kiến trao đổi lại này.

Tại sao không đổi mới từ trên xuống?

Tại buổi tọa đàm chiều 17-11, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói một ý “đổi mới từ dưới lên” và được báo Tuổi Trẻ nêu lên thành tiêu đề như một lời nhắc nhở! Tại sao chỉ muốn đổi mới từ dưới lên mà không nói gì đến đổi mới từ trên xuống?

Khi chỉ mong đợi đổi mới một chiều từ dưới lên, chắc chắn sẽ thất bại. Nếu thiếu sự thông thoáng do cơ chế ở trên ban ra, nếu còn bị trói buộc và không đồng thuận từ mọi phía, thì ngọn lửa đổi mới từ dưới nhen lên chắc chắn sẽ bị dập tắt.

Trong hàng chục vạn giáo viên các cấp hiện nay, có mấy ai được như các thầy cô: Tuấn Anh, Thu Trang, Quang Minh đã mạnh dạn đổi mới cách dạy khi may mắn được toàn trường ủng hộ? Mà chắc chắn họ không thể có sự dũng cảm đó khi việc làm của mình bị đơn lẻ, bị ghẻ lạnh và bị đánh giá là “xé rào”, làm nổi. Một khi cấp trên chưa chủ động đổi mới trước về cách kiểm tra đánh giá, cách ra đề thi cử, cách biên soạn tài liệu giáo khoa... thì người thầy dù có tâm huyết đổi mới tới đâu cũng bị nhụt chí sáng tạo. Thế là “lỗ” to về kết quả trồng người.

Tại sao không đặt vấn đề tích cực hơn: đổi mới từ trên xuống? Vậy mấu chốt của vấn đề là đổi mới đồng bộ, trong đó đổi mới từ trên xuống là chiều chủ động cơ bản nhất, là bệ phóng cho những ngọn lửa sáng tạo nhen lên từ dưới. Có vậy mới làm thông thoáng môi trường đổi mới ở cấp dưới, giải phóng mọi rào cản cho người thầy.

Tôi đồng ý với phát biểu của bà Dương Thị Trúc Bạch (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) tại buổi tọa đàm 17-11. Bà nói: Chúng ta kêu gọi giáo viên đổi mới giảng dạy, nhưng khi thi đáp án phải chấm theo ý, thậm chí với môn văn, đáp án cũng chấm theo ý, không có phần điểm nào cho sự sáng tạo. Ở bậc THPT, mọi đổi mới của giáo viên đến lớp 12 đều khựng lại, giáo viên phải dạy theo kiểu ra đề vì sợ học sinh rớt. Chúng ta kêu gọi đổi mới, nhưng từ cấp cao nhất là Bộ GD-ĐT chưa mạnh dạn đổi mới đánh giá thi cử và cách ra đề thi”.

Ai cũng hi vọng đến lúc nào đó thì nhà giáo mới có thể đổi mới trong tầm tay mình. Chẳng hạn, đó là lúc lãnh đạo cấp bộ thực hiện việc khoán chương trình cho giáo viên để giáo viên được thoải mái sáng tạo trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức (ý kiến đề xuất của bà Phạm Thị Huệ - Trường THCS Bạch Đằng, tại buổi tọa đàm 17-11). Đó cũng là lúc “tôi nghĩ các cấp lãnh đạo cần cải tiến cách ra đề thi như thế nào để thể hiện được sự sáng tạo của thầy và trò. Công tác thanh tra đánh giá không nên bắt lỗi từng chút một...” (đề xuất của bà Hoàng Thị Hồng Hải, Phòng Giáo dục Tân Phú, tại buổi tọa dàm 17-11).

Tóm lại, ở thời điểm hiện nay (và chắc còn lâu), giáo viên chưa thể phóng được tầm tay của mình do còn bị chặn từ nhiều phía. Phía chủ yếu và quan trọng nhất lại là sự xơ cứng từ cung cách quản lý.

Đổi mới tự phát không thể là căn bản

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy” do báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 17-11, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Đổi mới phương pháp không phải lấy từ trên xuống mà phải từ dưới lên để thúc đẩy bộ máy”. Và ông cũng cho rằng: “Phong trào đổi mới đã có từ lâu nhưng chưa có mô hình xuất sắc và chưa được phổ biến rộng rãi”. (Tuổi Trẻ 18-11).

Trước đó, trong buổi tọa đàm và trên diễn đàn cùng tên của báo Tuổi Trẻ, cũng như với vai trò cá nhân tham gia cộng tác giảng dạy tại một trường đại học địa phương, tôi hoàn toàn tán đồng với các ý kiến cho rằng đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đang đứng trước đòi hỏi mạnh mẽ của xã hội, song công tác này đang vấp phải những cản ngại sau đây: chương trình học nhồi nhét nặng nề; cách ra đề thi và đánh giá kết quả học tập còn mang tính hình thức, thiên về định lượng hơn định tính; cơ sở vật chất nghèo nàn...

Và tuy hầu hết ý kiến đều nhận định chính giáo viên phải là chủ thể đổi mới, phải chủ động trong việc tìm kiếm phương pháp giảng dạy mới nhưng có vẻ tựu trung đều toát ra một nhận định để đổi mới thành công cần một sự đổi mới rốt ráo từ chủ thể cao nhất: Bộ GD-ĐT!

Trên diễn đàn của Tuổi Trẻ ngày 17-11, thầy Lê Vinh Quốc (nguyên phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng trong cơ chế hiện nay mọi việc đều được quyết định ở cấp trên, được chỉ đạo bằng biện pháp hành chính, còn cấp dưới (giáo viên) chỉ có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh. Và rằng mỗi quá trình dạy học đều chứa đựng bốn yếu tố cơ bản là mục tiêu, nội dung, phương pháp - tổ chức và đánh giá.

Bốn yếu tố này tạo nên mối liên kết cơ bản mang tính nhân - quả của cả hệ thống, vì vậy không thể đổi mới đơn độc một yếu tố là phương pháp giảng dạy, mà phải đổi mới đồng bộ bốn yếu tố cơ bản đó!

Như vậy, rõ ràng giáo viên là chủ thể đổi mới, là người chủ động tìm ra phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, nếu chỉ mình giáo viên chủ động đổi mới thì đổi mới sẽ chỉ mang tính tự phát, đơn lẻ, rất khó hình thành được phong trào. Mà bao giờ cũng vậy, tính tự phát thường ít khi mang lại hiệu quả cao, càng rất khó đạt hiệu quả đồng bộ. Đây rõ ràng là nguyên do của thực tế mà chính bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định tại buổi tọa đàm nói trên: Phong trào đổi mới đã có từ lâu nhưng chưa có mô hình xuất sắc và chưa được phổ biến rộng rãi!

Vậy đổi mới có phải từ dưới lên? Và có phải đổi mới từ dưới lên sẽ thúc đẩy được hệ thống?

QUANG DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên