10/03/2008 07:41 GMT+7

Học sinh bỏ học hàng loạt: Khó giải quyết ngay!

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

TT - Ngoài nguyên nhân do học lực kém, không theo kịp chương trình dẫn đến chán nản, lo sợ bị lưu ban, thi trượt nên bỏ học..., còn nguyên nhân nào nữa khiến hơn 114.000 học sinh bỏ học? Làm sao để giải quyết tình trạng này?

4wfLWWEM.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
TT - Ngoài nguyên nhân do học lực kém, không theo kịp chương trình dẫn đến chán nản, lo sợ bị lưu ban, thi trượt nên bỏ học..., còn nguyên nhân nào nữa khiến hơn 114.000 học sinh bỏ học? Làm sao để giải quyết tình trạng này?
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Tuổi Trẻ gặp gỡ đầu tuần với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển và tiến sĩ Mai Ngọc Luông - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học - tâm lý giáo dục TP.HCM - xoay quanh vấn đề này...

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (ảnh): Theo thống kê trên cả nước, các địa phương như An Giang, khu vực Tây Nam bộ, Bắc Trung bộ, Tây nguyên là nơi có nhiều HS các cấp bỏ học nhất. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra ngay số HS bỏ học, HS yếu kém. Phân loại rõ HS bỏ học vì nguyên nhân nào, HS yếu kém môn gì, mức độ thế nào... Nắm được tình hình cụ thể thì mới có giải pháp tương ứng để giải quyết.

Hơn 114.000 học sinh bỏ học

659pe2Ly.jpgPhóng to
Nhiều học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 Trường tiểu học Sơn Tân (có cấp II học chung), xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, nghỉ học lên núi chặt đót. Trung bình mỗi ngày một học sinh bán đót kiếm được 10.000-30.000 đồng (ảnh chụp sáng 9-3)

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 12-2007, cả nước có 63.729 HS bậc THCS và 50.309 HS THPT bỏ học. Thực tế đến nay số HS bỏ học trên cả nước còn nhiều hơn. Đặc biệt, có nhiều địa phương, trường học, HS bỏ học hàng loạt trong cùng một thời điểm: Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), Thạch Thành (Thanh Hóa), Sơn Tây, Sơn Trà (Quảng Ngãi)... Chỉ tính riêng sáu huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này đã có gần 4.000 HS bỏ học.

* Phản ánh của một số địa phương cho thấy việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "hai không" mà chủ yếu là việc thắt chặt khâu thi cử, đánh giá khiến nhiều HS học lực yếu kém bỏ học hàng loạt. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

- HS bỏ học thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau, không thể nói là chỉ do việc thắt chặt đánh giá. Thông tin ở các địa phương cho biết có nhiều HS bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, HS phải đi làm thêm phụ giúp cha mẹ, có gia đình HS chịu thiệt hại do thiên tai, HS miền núi nghỉ học để xây dựng gia đình... Nhưng đúng là có một phần đông HS bỏ học vì học lực quá yếu. Trong số này có HS do chán nản mà tự bỏ học, có HS do nhà trường, giáo viên quản lý, đánh giá chặt chẽ hơn...

Trước tình hình này phải bình tĩnh để có cách giải quyết. Không nên chỉ vì mục tiêu duy trì HS đến lớp, mục tiêu phổ cập giáo dục mà nhượng bộ HS, xem nhẹ chất lượng. Thời gian tới sẽ vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện "hai không", tiến đến việc "dạy thật, đánh giá thật". Nhưng bên cạnh đó phải có giải pháp song hành đa dạng để giúp đỡ HS yếu kém, khó khăn.

* Giải pháp "dạy phụ đạo cho HS" ở các địa phương được chỉ đạo thực hiện mạnh trong thời gian qua thực chất hiệu quả thấp, có một số nơi chỉ mang tính hình thức. Bộ GD-ĐT có hướng gì khác để giúp các địa phương giải quyết vướng mắc trong việc duy trì chất lượng và chống HS bỏ học vì học lực yếu kém?

- Giải pháp trước mắt vẫn phải do các địa phương chủ động, linh hoạt, tùy vào tình hình thực tế. Ví dụ động viên tinh thần HS, cha mẹ HS, hỗ trợ trực tiếp bằng vật chất. Ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ hơn với các đoàn thể, chính quyền địa phương để nâng nhận thức của HS, cha mẹ HS về những lợi ích khi cho HS đi học và hướng đến việc dạy thật, học thật. Giải pháp dạy phụ đạo vẫn là giải pháp trực tiếp và cần thiết.

Chúng tôi yêu cầu ngành giáo dục các địa phương phải làm mạnh hơn nữa, tăng cường bố trí giáo viên, chương trình để phụ đạo cho HS yếu kém trong dịp hè và ngay trong năm học. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong việc giải quyết tình trạng HS yếu kém thông qua việc tổ chức phụ đạo để bù đắp kiến thức thiếu hụt cho số HS trên.

Bên cạnh đó, năm học này Bộ GD-ĐT đã đồng ý cho các địa phương khó khăn có tỉ lệ HS yếu kém cao chủ động sắp xếp thời gian năm học. Theo đó, các phòng giáo dục, trường, giáo viên có thể tùy theo tình hình thực tế để xê dịch thời lượng thực hiện tiết học nằm trong khung chương trình của Bộ GD-ĐT. Không chỉ với HS tiểu học, THCS mà HS THPT cũng có thể linh hoạt áp dụng việc điều chỉnh thời gian thực hiện tiết học. Cách làm này giúp các trường, giáo viên chủ động bố trí thời gian để củng cố kiến thức, kỹ năng cho HS, dành nhiều thời gian cho một số môn học mà HS học yếu, không lo phải "chạy" theo chương trình.

vl4vHz8j.jpgPhóng to
Phòng giáo dục huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) phối hợp với chính quyền xã Sơn Trung đến tận nhà vận động em Đinh Thị Sang (15 tuổi, thứ ba từ trái sang) - lớp 7A Trường tiểu học Sơn Trung (có cấp II học chung) - nghỉ học trở lại lớp. Nhưng Sang nói: "Không học nổi nữa, em không đi học nữa đâu" (ảnh chụp sáng 9-3)
* Theo ông, có thể xây dựng chương trình riêng, áp dụng cách đánh giá riêng đối với HS một số địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa hay không? Vì với hoàn cảnh, trình độ nhận thức của HS ở khu vực trên, đặc biệt là HS dân tộc thiểu số, áp dụng việc "dạy thật, đánh giá thật" theo chương trình chung rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc HS bỏ học, việc duy trì sĩ số HS.

- Về lâu dài, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu những giải pháp song song để hướng tới việc hỗ trợ HS vùng khó khăn. Ví dụ trong đề án học phí đang được xây dựng cũng lưu ý đến việc miễn, giảm học phí cho số HS này.

Thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho những vùng nông thôn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực có nhiều HS dân tộc thiểu số không thông thạo tiếng phổ thông, chúng tôi đang có hướng xây dựng một chương trình học sáu năm ở bậc tiểu học, nhằm kéo dài thời gian để HS có thể làm quen với tiếng phổ thông và vừa học vừa củng cố kiến thức.

* Nhưng cả những giải pháp trước mắt và lâu dài đều không thể giải quyết ngay được tình trạng HS yếu kém. Và nếu "đánh giá thật", tình trạng HS bỏ học sẽ vẫn tái diễn.

- Đúng vậy, nên phải có lộ trình để thực hiện. Việc giảm dần tỉ lệ HS yếu kém sẽ phải thực hiện nhiều năm. Trong một vài năm tới sẽ vẫn còn HS "ngồi nhầm lớp", chưa thể giải quyết triệt để trong một thời gian ngắn. Bên cạnh cách khắc phục tại chỗ, vấn đề quan trọng hơn là sẽ phải thực hiện việc đảm bảo chất lượng từ các bậc học dưới. Nếu làm được điều này thì dần dần tỉ lệ HS hổng kiến thức quá lớn, HS "ngồi nhầm lớp", "ngồi nhầm cấp học" mới được giải quyết.

Học sinh chính là "nạn nhân"

Nghe đọc nội dung toàn bài:
XIjMnNm3.jpgPhóng to

TS Mai Ngọc Luông

HS bỏ học nhiều vì chính bản thân các em cũng như gia đình các em nhận thức rằng: đi học không giúp ích được gì cho cuộc sống của mình. Chương trình bậc phổ thông hiện nay thiên về tính hàn lâm, lý thuyết suông và 2/3 kiến thức trong sách giáo khoa thuộc dạng kiến thức vô bổ. Thế nhưng HS vẫn phải học để đối phó với các kỳ thi. Vì vậy, sau khi thi xong là các em quên hết, chữ thầy trả lại thầy chứ kiến thức không biến thành kỹ năng sống, không mang lại lợi ích cho người học.

Ai cũng biết chương trình bậc phổ thông hiện nay quá nặng, quá ôm đồm, cái gì người ta cũng muốn đưa vào. Ngay từ những năm đầu của thời cắp sách đến trường, các em đã không theo kịp chương trình nhưng người ta vẫn cho các em lên lớp đều đều. Kiến thức cơ bản đã không nắm được, càng lên lớp cao các em càng đuối sức, không thể tiếp thu kiến thức mới nên chán nản, bỏ học. Trong chuyện này, nạn nhân chính là HS.

Có ai tự hỏi tại sao HS của chúng ta hiện nay không có động cơ học tập không? Vì có ai dạy và định hướng cho các em đâu. Nếu thử làm một cuộc khảo sát xem HS đi học để làm gì, tôi đoán hầu hết các em sẽ trả lời "học để thi vào đại học" chứ ít em biết trả lời "học để biết, để làm".

Thêm một nguyên nhân sâu xa nữa của tình trạng bỏ học hàng loạt là giáo dục ở vùng khó khăn (vùng núi, vùng sâu, vùng xa) chưa được Nhà nước quan tâm và đầu tư đúng mức. Cứ thử vẽ lên một bức tranh về giáo dục ở vùng khó khăn mà xem: trường lớp xập xệ, tạm bợ, xuống cấp, thiếu trang thiết bị dạy học; HS thì quá nghèo, cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc, sau giờ học phải đi làm kiếm sống; đường đi học thì quá gian nan. Bên cạnh đó, đời sống giáo viên cũng rất khó khăn.

Hậu quả của việc HS bỏ học rất tệ hại mà chúng ta không thể lường hết được. Nó sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước nói chung và địa phương có HS bỏ học nói riêng. Thậm chí, ở những địa phương này còn bị khủng hoảng gọi là khủng hoảng cộng đồng. Vì một số lượng lớn thanh niên của địa phương không có tri thức kéo theo không có nghề nghiệp, không có thu nhập, cuộc sống nghèo khó. Không có tri thức rất dễ sinh nhiều con, ảnh hưởng của sự gia tăng dân số. Còn sự nghèo khó rất dễ dẫn người ta đến con đường phạm tội, làm ăn phi pháp.

Các cấp quản lý cần thực hiện những giải pháp căn cơ, lâu dài chứ không phải chỉ đưa ra vài biện pháp tình thế rồi đâu lại vào đấy. Trước hết, cần phải xác định triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục cho từng cấp học ở từng giai đoạn. Không thể để HS miền núi học các bài giống như HS ở Q.1, TP.HCM được. Chương trình "cứng" chỉ cần 30-70%, còn lại hãy để các địa phương chủ động dạy cho HS những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để đáp ứng thực tiễn sinh hoạt, cuộc sống ở vùng, miền đó. Việc này cần làm ngay nếu như chúng ta không muốn đào tạo nên những con người chỉ biết lý thuyết suông, không thích ứng được với sự phát triển của xã hội.

Tiến sĩ Mai Ngọc Luông(phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học - tâm lý TP.HCM)

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên