04/03/2007 14:12 GMT+7

Viết và đọc tên riêng nước ngoài

HẢI THỤY
HẢI THỤY

TTCT - Viết và đọc tên riêng nước ngoài (TRNN) là đề tài từng làm hao tổn rất nhiều giấy mực trong gần nửa thế kỷ nay. Phải chăng có nguyên do lịch sử?

Trong bốn thứ tiếng đồng văn (Hán, Việt, Nhật, Cao Ly), hay ba thứ tiếng Hán hóa (Việt, Nhật, Cao Ly) thì tiếng Việt là tiếng duy nhất dùng chữ viết Latin, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của văn hóa và ngôn ngữ Hán.

Đầu thế kỷ trước, người Việt đã mượn tiếng Hán để ghi tên riêng châu Âu (nước Tỉ [tức Bỉ] = Belgique, ông Đạt Nhĩ Văn = Darwin), thậm chí cả Nhật Bản (Hoành Tân = Yokohama, Minh Trị = Meiji), Cao Ly (Hán Thành = Seoul). Thói quen này phần nào vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.

Cũng do thói quen này, về sau, nhất là sau Cách mạng Tháng Tám 1945, khi phải du nhập nhiều TRNN, người ta nghĩ - một cách rất tự nhiên - trước tiên đến chuyện phiên âm. Tại sao lại chỉ phiên âm? Tức là chỉ nghĩ chuyện đọc (thành lời) mà không nghĩ chuyện viết (trên giấy).

Chữ Hán, chữ Nhật, chữ Cao Ly nếu không phiên âm (hay chuyển tự) thì chẳng lẽ lại bê nguyên một đống chữ Latin xen kẽ với những chữ khối hình vuông (chữ Hán), hay những chữ vốn có xuất xứ từ các nét của chữ khối hình vuông (chữ Nhật, Cao Ly). Chữ Việt (Latin hóa) đâu có cần như thế.

jvSUC5RC.jpgPhóng to

* * *

Tình hình viết và đọc TRNN trên thế giới tựu trung có ba mảng khác nhau do đặc điểm văn tự:

1. Tất cả mọi nước dùng chữ Latin đều lấy nguyên dạng TRNN, không phiên âm theo cách đọc của tiếng mình, ngay cả ở các nước láng giềng chúng ta như tiếng Tagalog ở Philippines, Bahasa ở Indonesia; không có ngoại lệ. Tất nhiên không kể trường hợp trong quá khứ đã từng có lúc người ta tự đặt tên hoặc dịch lẫn của nhau, như London của Anh thì Pháp và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha gọi là Londres (cách đọc có khác nhau), Ý gọi là Londra, Hà Lan là Londen. Những nước chưa phát triển lắm thì thả nổi cho ai muốn đọc thế nào thì đọc, miễn là viết phải chính xác; còn những nước phát triển thì có qui định rõ ràng về cách đọc từng tên riêng cho mọi người đọc theo một cách nhất quán.

2. Những nước không dùng văn tự Latin (trừ Trung Quốc - TQ) thì xây dựng một bảng qui đổi (thường là một đối một) giữa âm - chữ Latin với âm - chữ bản ngữ để chuyển đổi. Việc chuyển đổi này được gọi là chuyển tự, ví dụ:

3. TQ là trường hợp đặc biệt, mỗi chữ là một âm tiết, cho nên cách phiên âm của họ phải dùng một bảng ma trận, hàng ngang là các phụ âm đầu, hàng dọc là vần, dóng một phụ âm đầu ở một cột trên hàng ngang với một vần ở một dòng trên hàng dọc sẽ gặp được một ô chứa một chữ (vuông) có âm tương ứng, ví dụ (tiếng Nga) dóng hàng ngang âm “p”, hàng dọc vần “u” sẽ gặp ô có chữ Hán “phổ” nii5VoEA.jpg phát âm là [p'u], dóng hàng ngang âm “t”, hàng dọc vần “in” sẽ gặp ô có chữ Hán “kinh” qU96se6t.jpg phát âm là [jing], ghép lại putin - chữ Hán “phổ kinh” nii5VoEA.jpgqU96se6t.jpg [p'ujing].

* * *

Từ tình hình trên, phải chăng có thể đi tới nhận thức mới:

- Ngôn ngữ đã dùng văn tự Latin (như tiếng Việt) thì nên dùng TRNN ở nguyên dạng, nghĩa là theo dạng được ghi bằng chữ cái Latin theo qui định chính thức của các quốc gia tương ứng, trên khai sinh, hộ chiếu (đối với nhân danh) hoặc trên bản đồ quốc gia (đối với địa danh). Ngay cả TQ cũng áp dụng cách này cho cách viết pinyin (kiểu chữ abc phiên âm chữ Hán) của họ, theo đúng qui tắc Latin hóa do hội nghị tiêu chuẩn hóa địa danh của LHQ đề ra.

- Để đọc và nói đúng TRNN cần có phiên âm (cách đọc) cho từng tên. Do phiên âm chỉ là cách đọc, không phải là cái thay thế nguyên dạng, vì vậy không cần phải lúng túng bày đặt bổ sung thêm cho vần quốc ngữ những cụm st-, str-, fl-, tr-, cr-, -l, -s, -d... khác với trường hợp cần xử lý đối với thuật ngữ khoa học.

Người TQ, người Nhật cũng đành chịu dài dòng khi viết và đọc [xư-tơ-la-xư-pao] (Hán = Strasbourg), [lư-cư-xang-bu-lư-cư] (Nhật = Luxemburg), [xi-chya-li ao-ha-la] (Hán) và [xư-ca-a-lét-tô ô-ha-la] (Nhật) = Scarlett O'Hara, sao người Việt không thể chấp nhận [xư-tơ-ra-xư-bua], [lúc-xem-bua], [xư-các-lét ô-ha-ra]?

Người TQ, Nhật, Cao Ly, Thái... khi chuyển tự rồi thì cứ thế đọc theo đúng hệ thống âm vị của họ, nghĩa là đọc tên nước ngoài lên theo âm điệu của tiếng Hán, Nhật, Cao Ly, Thái... chứ không như một số phát thanh viên VN đang đọc văn bản tiếng Việt, khi gặp một tên riêng hoặc danh từ, thuật ngữ tiếng Anh lại uốn éo theo hệ thống âm vị Anh, chẳng hạn như “sân gôn Đồng Mô” được đọc thành [sân cau-phơ đồng mô] cho ra vẻ (chứ chưa chắc!?) mình phát âm tiếng Anh “chuẩn”, mà không hề chiếu cố đến cái tai của biết bao nhiêu người Việt không biết tiếng Anh.

Có khác gì người Mỹ (biết tiếng Việt) khi đọc một văn bản tiếng Anh thấy cái tên Nguyễn Trãi lại uốn éo cho đúng dấu ngã tiếng Việt mà trong tiếng Anh vốn không có. Đọc như vậy, các cụ ta xưa thường phê phán: “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Về điểm này, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hướng dẫn nhân viên của họ rất kỹ: “...

Không nên quá nhấn mạnh một số âm vốn chỉ là đặc thù của thứ ngoại ngữ nào đó. Nói cách khác, đừng cố tìm cách phát âm như thể bạn thông thạo thứ ngoại ngữ ấy nếu bạn không thật sự thông thạo” (“Hướng dẫn về phát âm của VOA - Phương pháp luận”).

Trong những tài liệu phổ cập, nếu e ngại người đọc gặp khó khăn, có thể ghi chữ phiên âm - cách đọc trong ngoặc đơn, ví dụ: Shakespeare (Sếch-xư-pia). Đối với tiếng Việt, không đặt vấn đề dùng cách phiên âm trong văn bản chính rồi đặt nguyên dạng trong ngoặc đơn nữa.

Hãy xem kinh nghiệm TQ xử lý vấn đề này như sau:

- Đối với tài liệu thông thường, dùng nguyên dạng rồi đặt chữ Hán (chữ vuông hoặc chữ pinyin) trong ngoặc đơn, ví dụ: Paris 9Mc1kasp.jpg hoặc Paris (Balí).

- Đối với tài liệu dùng cho trường phổ thông hoặc một số tài liệu phổ cập khác, dùng chữ Hán phiên âm rồi đặt nguyên dạng trong ngoặc đơn, ví dụ: 9Mc1kasp.jpg: Paris.

Những nước đã dùng văn tự Latin, viết TRNN theo nguyên dạng, cũng phải bỏ nhiều công sức cho việc phiên âm, nhưng là trong hậu trường, không đưa lên văn bản. Họ dùng phiên âm để buộc những người có nhiệm vụ đọc và nói cho khán thính giả công cộng nghe phải đọc và nói cho thống nhất, không lộn xộn, ai muốn đọc theo kiểu nào thì đọc.

Chẳng hạn như tên Berne trong “Công ước Berne” sẽ được họ dạy là phải đọc [be-rân] chứ không phải đọc theo tiếng Anh là [bơn] (theo tinh thần “các phát thanh viên tiếng Anh của đài cần cố gắng phát âm tên của một người như thể chính người đó phát âm cái tên đó” - qui định của VOA). VOA có bản hướng dẫn phát âm cho nhân viên của họ hết sức tỉ mỉ, được đưa lên web và bổ sung cập nhật hằng năm.

Đài BBC cũng dạy cho nhân viên của họ: “Từ ngữ trên giấy không hẳn như từ ngữ ở miệng người phóng viên hay người phát thanh viên...”. Họ cũng dạy nhân viên biên tập viết của họ “viết ra cái gì thì hãy đọc lên cả bằng miệng cũng như bằng mắt. Và hãy chú ý. Nói lên đàng hoàng”.

* * *

Sau khi trải qua một chặng đường dài những thảo luận, tranh luận trên sách báo, trong hội nghị, hình như người ta lại quay lại với một ý tưởng manh nha từ trước đây gần một thế kỷ (1918) trên tạp chí Nam Phong: “... Về các tên đất tên người: nên dịch theo tiếng Tây hay bắt chước chữ Tàu? Cứ lẽ là theo tiếng Tây cả là phải lắm, chỉ trừ những tên người, tên đất riêng của Tàu thì nên đọc theo chữ nho mà thôi...

Vậy nay tưởng có thể định một lệ chung như sau: trừ tên các đại châu, các bể lớn, cùng mấy cái sông cái núi lớn trong thế giới, đọc theo chữ nho đã quen lắm rồi thì cứ đọc theo như vậy, có muốn rõ khi viết nên chua tên ấy ở bên cạnh, còn hết thảy tên người, tên đất khác trong sách Tây nên đọc theo, viết theo tiếng Tây cả cho có bằng cứ và dễ tra khảo...

Nếu có sợ những người không thuộc vận Tây gặp những tên Tây như vậy ở giữa bài văn quốc ngữ bị ngắt lại không đọc luôn được, thì dưới mỗi tên Tây nên ngoặc hai cái (...) và chua âm ra chữ quốc ngữ, cũng không phiền gì: như Manchester (Mang-xet-te), Edimbourg (E-đinh-bua)...” (Phạm Quỳnh, Thượng Chi văn tập, NXB Văn Học, 2006, tr. 351-2). Và chính Phạm Quỳnh đã thể hiện ý tưởng này trên các bài viết của ông trong một thời gian dài ở Nam Phong, lúc đó không thấy ai phản đối.

* * *

Các nước đều đã có một (hoặc một số) cơ quan lo việc xử lý TRNN. Chỉ nêu một ví dụ ở TQ, tài liệu chính thức hướng dẫn việc phiên âm tên người nước ngoài là cuốn Đại từ điển phiên dịch tên người thế giớiKez3uq8b.jpgđược coi là “sách công cụ phiên dịch tên người qui phạm hóa” do phòng biên dịch và tên riêng thuộc Tân Hoa xã biên soạn (xuất bản lần đầu năm 1993).

Từ sự thu gom những tên riêng phải dịch để phát tin hằng ngày trong mấy chục năm của các nhân viên biên tập, cuốn từ điển này đến nay đã thu thập 650.000 tên riêng, thuộc trên 100 quốc gia và khu vực. Cuốn từ điển có hai phần: phần 2 là tên người ở các nước Nhật, Cao Ly (Triều Tiên và Hàn Quốc), VN - những nước đã từng hoặc đang dùng chữ Hán, tên người của một số dân tộc ít người.

VN cũng có vấn đề với cách viết tên riêng của các dân tộc ít người: Đăk Lăk, Đắk Lắk, Đắc Lắc, DakLak, ngay trong trang web của tỉnh cũng lúc thì Đăk Lăk, lúc thì Daklak (chữ l thường - giống như trang web của Sở Giáo dục tỉnh), lúc thì DakLak (chữ L hoa). Công báo của Nhà nước viết ĐăkLăk (viết liền, nhưng lại L hoa) trong khi Kon Tum, Gia Lai viết rời). Các phương ngữ Mân, Việt, các khu vực Đài Loan, Hong Kong, Macao, tên Hoa kiều viết bằng chữ Latin, và tên các danh nhân; phần 1 là tên người nước ngoài thuộc các quốc gia khác.

* * *

Ở VN, có lẽ không nơi nào thích hợp hơn đối với công việc điều chỉnh này bằng thông tấn xã, đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, là những cơ quan hằng ngày hằng giờ phải đối phó với việc dịch (đặt) TRNN. Và đó cũng là những nơi làm gương, truyền bá hữu hiệu nhất cách viết và đọc TRNN.

Khởi sự một công việc không mấy dễ dàng này, tất sẽ gặp những trở ngại về mặt ngôn ngữ. Không nên e ngại khi phải mạnh dạn đặt tên mới, như khi phải dịch hoặc phiên âm những trường hợp phức tạp, bởi vì khó có thể đánh giá một từ ngữ nào là hay, là chính xác nếu chưa trải qua sử dụng.

Có những trường hợp rất kỳ cục, vượt ra ngoài tính toán thuần túy ngôn ngữ học: cường quốc số 1 thế giới thích được gọi tên mình là “nước Cờ Hoa” (Hoa Kỳ, tiếng Hán, có nghĩa là cờ lốm đốm) hơn là “nước Đẹp” (Mỹ, tiếng Hán, nghĩa là “đẹp”) chỉ vì có thời ở VN có nhiều bài báo có đầu đề “Mỹ là xấu”, “Mỹ mà xấu”, cũng như hằng ngày hằng giờ thời đó người ta nghe thấy những câu khẩu hiệu mà từ “Mỹ” (đẹp) lại gắn nhiều với các từ tiêu cực như “xâm lược”, “đả đảo”, “đế quốc”.

Cần biên soạn một bộ qui tắc phiên âm, và theo đó là một cuốn từ điển TRNN, ban đầu chỉ gồm những chữ “không (mấy) ai phản đối” như Chile, Pháp, Cuba, Einstein, Tây Ban Nha, Osaka, Balzac... sau bổ sung, cập nhật dần, hi vọng rằng sau dăm năm, tình trạng viết và đọc TRNN sẽ bớt lộn xộn dần để tiến tới chỗ mỗi tên riêng chỉ có một cách viết, một cách đọc: viết đúng như gốc, đọc đúng như tiếng Việt, không bị ám ảnh là TRNN nhất loạt chỉ đọc theo tiếng Anh.

HẢI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên