22/11/2006 11:46 GMT+7

Đề thi môn Văn - đổi mới như thế nào?

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc đang là một trong những người tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa (thứ 2) môn Văn lớp 10 và 11 do GS Phan Trọng Luận làm chủ biên...

Ql4zN1MU.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH khối C - Ảnh: Đ.N.T. (Thanh Niên)

Ông từng là giảng viên Văn của Trường CĐ Sư phạm Hà Tây, nay đã nghỉ hưu. Ông đã gửi những đóng góp tâm huyết trong việc xây dựng đề thi môn Văn.

Đề thi chậm đổi mới

Chỉ cần xem xét việc ra đề thi môn Văn trong năm mùa thi gần đây (từ 2002 đến 2006) là năm mùa thi đã có sự "đổi mới" trong cách ra đề của Bộ GD-ĐT, ta thấy gì? Có lẽ sự đổi mới rõ nhất là đề được ra theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản là chủ yếu thay cho những đề thi trước đó thường thiên về cảm thụ cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương hoặc lý giải những vấn đề văn học đôi khi có tính chất đánh đố học sinh (các môn khác cũng được ra theo hướng này).

Những người quản lý giáo dục cho rằng ra đề như thế "an toàn" hơn, vì học sinh đều có thể làm được không nhiều thì ít. Và từ mô hình đề 2 câu trước đây chuyển sang mô hình đề 3 câu: 1 câu kiểm tra kiến thức học thuộc (2 điểm), 1 câu kiểm tra kiến thức văn học có được vận dụng ít nhiều trong một tác phẩm thơ hoặc truyện (5 điểm), 1 câu kiểm tra về năng lực cảm thụ văn học (3 điểm).

Như vậy, xu hướng chung kiểm tra kiến thức cơ bản vẫn là chủ yếu. Và nói chung, học sinh chỉ cần học thuộc bài hoặc nhớ những bài văn mẫu là có thể làm bài được. Những học sinh đạt điểm khá, thậm chí điểm giỏi, chưa hẳn đã là học sinh có năng khiếu văn đích thực. Điều này đã gây hậu quả không tốt đến "đầu vào" của các trường đại học.

GS Phan Trọng Luận đã đánh giá: "Cái dở nhất của đề thi Văn hiện nay là chủ yếu nhắm đến khâu tái hiện kiến thức theo kiểu "nhớ lại" chứ không chú ý đến vận dụng kiến thức của học sinh", "quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy kiểu đề với mấy chủ điểm quen thuộc: không bình giảng thì phân tích, không phân tích thì chứng minh, không chứng minh thì cao hơn là bình luận. Trở đi trở lại cũng chỉ có mấy bài thơ, mấy đoạn trích quen thuộc".

Khảo sát các đề thi Văn của khối C & khối D trong 5 năm qua, ta thấy được "cái vòng luẩn quẩn" ấy trong việc ra đề thi (xem bảng).

Bảng 1: Dạng đề (câu hỏi)<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

CÂU 1

(Kiểm tra kiến thức học thuộc)

5 đề x 2 khối

= 10 câu

Hoàn cảnh ra đời và nội dung ý nghĩa tác phẩm: 5 câu

Sự nghiệp văn học (phong cách nghệ thuật) tác giả: 3 câu

Giá trị nổi bật của một tác phẩm: 2 câu

CÂU 2 & 3

5 đề x 2 khối

= 20 câu

Phân tích (bài thơ, nhân vật, hình tượng, giá trị): 14 câu

Bình giảng một (hoặc hai) khổ thơ: 5 câu

So sánh hai đoạn thơ của hai tác giả: 1 câu

Bảng 2: Số tác giả, tác phẩm lặp lại trong các đề thi

1. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: 4 lần (3 về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, 1 về phân tích tác phẩm).

2. Xuân Diệu: 3 lần (1 về tác giả, 2 lần về bài thơ Đây mùa thu tới).

3. Nguyễn Tuân: 3 lần (1 về tác giả, 2 lần về hai tác phẩm).

4. <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam Cao: 3 lần (1 về Chí Phèo, 2 lần về Đời thừa).

5. Tố Hữu: 3 lần (1 về tác giả, 2 lần về hai tác phẩm).

6. Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh: 2 lần.

7. Truyện ngắn: Vợ nhặt của Kim Lân: 2 lần.

8. Đặc biệt, bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên (chỉ giảng trong 1 tiết) được ra đến 3 lần: 2 lần về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa bài thơ, 1 lần phân tích 5 khổ của tác phẩm.

Lộ trình cho đổi mới đề thi

Trước hết là quan niệm về đề thi môn Văn. Đề thi môn nào cũng phải có yêu cầu sáng tạo, nhưng đề thi môn Văn yêu cầu sáng tạo lại càng phải được chú ý, vì đây là sáng tạo trong việc thưởng thức nghệ thuật. Những đề văn mở sẽ khơi dậy trong học sinh hứng thú làm bài, tạo ra một không gian mở cho các em mặc sức bay bổng, tưởng tượng và sáng tạo.

Kiến thức văn học trong nhà trường được tích lũy, giờ đây có dịp được phát biểu ra theo cảm nhận và suy nghĩ riêng của mình. Và bài văn khi đó sẽ đích thực là một tác phẩm nhỏ của từng em, là tiếng nói riêng của từng em, không ai giống ai, như một vườn hoa nhiều hương sắc, chứ không chỉ là một bông hoa theo một khuôn mẫu cho sẵn như những mùa thi văn trước đây.

Chỉ có điều, cần có một quan niệm đúng đắn về những đề văn mở: mở như thế nào, mở đến đâu, và điều quan trọng là các đề văn mở phải gắn bó với kiến thức văn học như thế nào chứ không thể thoát ly hoặc tách rời với những điều đã học trong chương trình văn ở bậc phổ thông.

Đành rằng, có thể có những đề mở chỉ nghiêng về phía cuộc sống như đề văn đã nêu trên đây, nhưng số đó không thể nhiều mà nói chung các đề văn mở nên xuất phát từ văn học để "mở" ra cho thí sinh một vấn đề nào đó, về cuộc sống cũng như văn chương. Ở THPT, chúng ta có thể ra những đề thi mở như sau:

- Cái chết của ba nhân vật An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì về truyền thuyết này của ông cha?

- Bài thơ (đoạn thơ, câu thơ) đã gây xúc động mạnh mẽ và đem đến niềm tin cho anh/chị trong cuộc sống?

- Nhân vật đã theo suốt cuộc đời học sinh của anh/chị và sẽ thành hành trang tinh thần khi anh/chị bước vào đời?

- Qua văn học, anh/chị hiểu thêm gì về đất nước và con người Việt Nam?

- Anh/chị có thể sống mà thiếu văn học được không? Vì sao?

Phải nhớ rằng đề thi Văn vẫn là đề thi của một môn học (như các môn khác) nên dù là đề mở vẫn phải là đề của bộ môn Văn, trong đó học sinh phải dùng kiến thức văn học để luận giải các vấn đề đặt ra của đề bài. Những đề mở mà vẫn xuất phát từ kiến thức văn học đã được tích lũy của học sinh để "mở" ra một không gian rộng lớn cho các em suy nghĩ, tưởng tượng, sáng tạo, kích thích được trí thông minh văn học và hứng thú làm bài của các em, là những đề hay.

Đổi mới việc ra đề thi phải được tiến hành song song, đồng bộ với việc đổi mới phương pháp dạy - học văn trong nhà trường. Phải xem việc đổi mới cách dạy và cách học văn là gốc để tạo ra cái nền vững chắc cho việc đổi mới đề thi. Và khi đề thi đã đổi mới, thì nó lại có tác dụng củng cố cách dạy và cách học văn mới.

Chúng ta phải tạo ra những "bước đệm" để học sinh quen dần với cách dạy - học mới, thích ứng với những đề kiểm tra và cách đánh giá mới, từ đó sẽ có thể tiếp nhận dễ dàng, không bỡ ngỡ trước những đề văn mới, hơn thế còn thích thú với những đề văn này.

Nếu chúng ta khởi động ngay trong năm học này, khi sách giáo khoa mới về Ngữ văn được thực hiện ở lớp 10, thì hy vọng trong ba năm học nữa, chúng ta có thể đón một mùa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học với những đề thi mở theo sách giáo khoa mới.

Dĩ nhiên, trong hai mùa thi của năm 2007 và 2008 theo sách giáo khoa cũ, các đề thi văn cũng cần có sự đổi mới dần dần theo hướng "mở" để không gây đột ngột đối với đề thi văn mới theo sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu thực hiện vào năm 2009.

TS NGUYỄN XUÂN LẠC

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên