11/12/2005 15:16 GMT+7

Văn học địa phương trong chương trình Ngữ văn THCS - mảng trống cần được lấp đầy

Theo Giáo dục & Thời đại
Theo Giáo dục & Thời đại

Một trong những điểm mới của chương trình Ngữ văn cấp THCS thay sách lần này là chương trình đã dành một số tiết cho văn học địa phương với mục đích gắn kết những kiến thức học sinh được học trong nhà trường với những vấn đề đang đặt ra cho cộng đồng (dân tộc và nhân loại) cũng như cho mỗi địa phương.

aUpkRZTy.jpgPhóng to
Sách Ngữ văn 6 - một trong bốn sách giáo khoa Ngữ văn bậc THCS

Khai thác, bổ sung và phát huy vốn hiểu biết về văn học địa phương, làm phong phú và làm sáng tỏ thêm chương trình chính khóa. Từ đó giúp học sinh hiểu biết và hòa nhập hơn với môi trường mà mình đang sống, có ý thức tìm hiểu, góp phần giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa của quê hương. Đồng thời giáo dục lòng tự hào về quê hương, xứ sở của mình (theo những tiêu chí của người biên soạn sách).

Với mục tiêu dạy học đó, những người thực hiện chương trình đã sắp xếp một số tiết nhất định cho chương trình địa phương kể cả phần tiếng và tập làm văn. Cụ thể: lớp 6: 4 tiết (tiết 69, 70 ở HKI, tiết 139, 140 ở HKII); lớp 7: 6 tiết (tiết 70 ở HKI, tiết 74, 133, 134, 137, 138 ở HKII); lớp 8: 5 tiết (tiết 31, 52 ở HKI, tiết 92, 121, 137 ở HKII); lớp 9: 5 tiết (tiết 42, 63 ở HKI, tiết 101, 133, 143 ở HKII).

Có thể nói, chương trình địa phương dành cho phần tiếng và tập làm văn không gặp nhiều trở ngại trong quá trình tổ chức dạy và học bởi vấn đề được đặt ra ở đây được gắn kết khá chặt chẽ với nội dung kiến thức trong chương trình chính khóa.

Chẳng hạn đối với tiếng Việt là sửa lỗi chính tả mang tính địa phương (lớp 6,7), bước đầu so sánh các từ ngữ địa phương (phương ngữ) với các từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân (lớp 8,9); đối với tập làm văn là kể lại một câu truyện dân gian hay giới thiệu một trò chơi dân gian địa phương, viết được văn bản nhật dụng về một sự việc hiện tượng ở địa phương hoặc viết một văn bản thuyết minh về một di tích, thắng cảnh ở địa phương...

Thế nhưng chương trình văn học địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thiếu tư liệu hỗ trợ và chưa hội đủ các điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoại khoá văn học.

Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn thực hiện: “Phần văn học địa phương, nếu chưa hoặc không có văn bản đáp ứng, có thể sử dụng cho hoạt động ngoại khoá, tham quan quê nhà văn hoặc gặp gỡ các văn nghệ sĩ ở địa phương, gặp gỡ Hội văn nghệ...” (Phân phối chương trình THCS môn Ngữ văn - Phần Hướng dẫn thực hiện - Trang 34).

Và trong từng bài học cụ thể, sách giáo khoa có phần hướng dẫn cho học sinh chuẩn bị ở nhà và hoạt động trên lớp, sách giáo viên có định hướng cho giáo viên các bước thực hiện.

Song chừng ấy chưa đủ để người giáo viên có thể làm chủ kiến thức và giải quyết tốt các tình huống sư phạm nếu trong tay không có được tài liệu cung cấp cho họ một cách đầy đủ và có hệ thống những thông tin về về văn học địa phương. Sau bốn năm thay sách cho đến nay, mảng văn học địa phương vẫn cứ là mảng trống cần được lấp đầy.

Để đáp ứng nhu cầu của người dạy, người học, nên chăng mỗi địa phương cần biên soạn một tập tài liệu về văn học địa phương? Ở đó sẽ có những định hướng để người thầy giáo giúp các em biết cách sưu tầm những câu chuyện dân gian, những câu tục ngữ, ca dao, dân ca địa phương; có những thông tin cơ bản về các tác giả của địa phương đã trở thành nhà văn, nhà thơ tên tuổi và danh sách hội viên hiện nay của hội văn nghệ địa phương.

Có phần giới thiệu tác giả, tác phẩm đã làm nên diện mạo văn học của một vùng, miền; có phần giới thiệu di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thẳng cảnh của địa phương... Và nếu được sẽ có thêm phần phụ lục trích đăng một số tác phẩm tiêu biểu.

Về phía nhà trường, trong thư viện nên có được các tạp chí của tỉnh như tạp chí văn học nghệ thuật, tạp chí văn hóa để giáo viên và học sinh tham khảo, cập nhật thông tin văn học mà có được những tri thức về văn học địa phương.

Hội Văn học Nghệ thuật địa phương nên tổ chức những buổi giao lưu với các em học sinh phổ thông để tạo không khí văn học, gây hưng phấn giúp các em nhận ra những giá trị đích thực của tác phẩm văn học.

Trong những giờ văn học địa phương, giáo viên cần giao việc cụ thể cho các em thực hiện, nhất là khâu chuẩn bị như thu thập, xử lý thông tin theo hệ thống (thời gian, đề tài, chủ đề), sưu tầm, giới thiệu... Và có những định hướng để các em tìm hiểu, khám phá và tiếp nhận văn học địa phương.

Tuy chiếm một thời lượng không lớn song văn học địa phương lại có một vị trí hết sức quan trọng trong chương trình Ngữ văn của cấp học. Rất mong các nhà quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo dạy Ngữ văn và các em học sinh thật sự quan tâm.

Theo Giáo dục & Thời đại
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên