Bác sĩ "éo le"

LÊ VÂN 27/02/2011 22:02 GMT+7

TTCT - Không hiểu sao những mảnh đời éo le cứ tìm đến người thầy thuốc này một cách tình cờ. Không chỉ hoàn thành nghĩa vụ của một thầy thuốc, ông còn “bao đồng” cả những câu chuyện ly kỳ trong số phận đầy rủi may của nhiều bệnh nhân...

Phóng to
PGS.TS Cao Văn Thịnh - bác sĩ phẫu thuật, trực tiếp viết tường trình phẫu thuật và niềm vui sau ca mổ nhiều thách thức - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ông là bác sĩ Cao Văn Thịnh, người đứng đầu một chuyên khoa khá đặc biệt ở Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM): khoa ngoại - lồng ngực - mạch máu.

Cưa hay không cưa

Một ngày giữa tháng 6-2010, bác sĩ Thịnh bực bội với một bệnh nhân nam tên Tài làm nghề chạy xe ôm. Ông Tài quê ở Bình Thuận vào TP.HCM kiếm sống, vợ làm công nhân cho một công ty gia súc ở Bình Chánh. Điều khiến bác sĩ “đau đầu” là người bệnh này khá dửng dưng với bệnh án và cứ nằng nặc xin... cưa chân. Trong phim chụp của ông Tài ghi nhận: bệnh nhân bị viêm tắc nghẽn động mạch. Đây là hậu quả của việc hút thuốc lá gần 30 năm trong khi ông mới hơn 40 tuổi. Bác sĩ Thịnh nhớ lại: “Chúng tôi, êkip mổ cho bệnh nhân còn nhớ rất rõ vẻ mặt tỉnh bơ của ông. Hỏi ra mới biết ông Tài khăng khăng đòi cưa chân vì phẫu thuật ghép nối mạch máu sẽ tốn thời gian, chi phí nhiều hơn là cưa chân, đỡ gánh nặng cho gia đình ông vốn rất khốn khó”.

Suốt gần một tuần bệnh nhân Tài nhập viện là cả tuần bác sĩ Thịnh phải chuyển chuyên môn sang làm bác sĩ tâm lý. Vừa “hù dọa” bệnh nhân liều này, bác sĩ vừa phải lân la tìm hiểu về gia đình bệnh nhân. Câu chuyện đằng sau bệnh án hiện rõ khi người vợ nghèo khổ của ông Tài đến thăm. Bác sĩ phát hiện “bệnh án” khác còn dễ làm đau người cha này hơn. Đó là cậu con trai đã 7-8 tuổi của ông Tài vẫn chưa thể đi học vì không có giấy khai sinh, hằng ngày bé vẫn phải đi học chữ ở một lớp phổ cập. Những câu hỏi được bác sĩ Thịnh đặt ra, xoáy vào trái tim người đàn ông vốn bất cẩn và bất cần trước số phận: Ai sẽ nuôi con khi ông không còn chân? Làm sao chạy được xe ôm với cái chân cụt? Cuối cùng, ông Tài mới đồng ý để bác sĩ và êkip phẫu thuật ghép nối mạch máu. May mắn đã mỉm cười với ông Tài. Một tuần sau ca mổ, những ngón chân nguy cơ hoại tử hồng hào lên, báo hiệu sự sống trở lại.

Khi chúng tôi viết bài báo này, người đàn ông chạy xe ôm từng khăng khăng đòi cưa chân đã trở về quê lập nghiệp với đôi chân lành lặn và hứa sẽ đoạn tuyệt thuốc lá. Vui hơn là chính nhờ có được sức khỏe, ông đã đi làm được giấy khai sinh cho con. Ông Tài tâm sự: “Nếu không nhờ sự nghiêm khắc của bác sĩ Thịnh khi cương quyết không cưa chân tôi, không nhờ bác sĩ Thịnh kêu gọi bạn bè giúp đỡ tôi trong ca mổ thì có lẽ tôi và gia đình đi vào chỗ bế tắc hơn... Và chưa biết bao giờ con trai tôi đàng hoàng được tới trường như con người ta”.

“Ghi cho người bệnh nhỏ”

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, đại diện ban giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết: “Trong nhiều hoàn cảnh, bác sĩ Thịnh luôn là người năng nổ và hết mình trong công việc. Năm 2010, bác sĩ Thịnh đã đoạt danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” với sự đồng thuận của các cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện”.

Đây là những dòng nhật ký mà bác sĩ Thịnh đã ghi lại về một ca mổ đặc biệt, người bệnh đáng tuổi con gái ông.

Bệnh nhân: Nguyễn Ngọc Duyên - 1988. Đ/C: thôn 1, xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Chẩn đoán: đa chấn thương, giập nát toàn bộ phần mềm cánh tay trái, trật khớp khuỷu và gãy 1/3 trên hai xương cẳng tay trái do tai nạn giao thông. Bệnh nhân là con thứ tám trong một gia đình nhà nông sống ở tỉnh Phú Yên có chín người con gái. Vào một ngày tháng 6-2010, Duyên từ nhà trọ (tại quận 4, TP.HCM) đi xe máy tới chỗ làm thêm. Đến ngã tư có đèn đỏ thì dừng lại, phía sau có chiếc xe ba gác lao tới hất Duyên té nghiêng xuống đường. Một chiếc ôtô tải lao thẳng tới Duyên. Toàn bộ cánh tay trái của Duyên bẹp gí và không còn hình dạng nữa. Duyên được người đi đường đưa đi cấp cứu và cuối cùng được đưa tới Bệnh viện Nhân Dân 115. Tôi được tua trực cấp cứu của khoa (lồng ngực - mạch máu) báo có trường hợp bệnh nhân đa chấn thương rất nặng, xin ý kiến để đoạn chi (lần thứ nhất).

Qua trao đổi tôi thấy không yên tâm nên vội vã tới ngay bệnh viện và lên phòng mổ. Hai kíp mổ lồng ngực - mạch máu và chấn thương chỉnh hình phối hợp đều lo ngại cho tổn thương quá phức tạp của Duyên. Anh em bác sĩ cũng có lý khi đắn đo: “Thầy xem có nên đoạn chi không?”. Tôi thấy thật ái ngại vì mức độ giập nát phần mềm (thần kinh, mạch máu, cân cơ...) quá lớn, cộng với mức độ gãy xương nhiều chỗ, nhiều dị vật đất đá lẫn lộn trong vết thương. Nhưng bệnh nhân quá trẻ và lẽ nào không làm gì hơn được sao? Hơn nữa sức khỏe và tuổi trẻ biết đâu được, có thể qua được chăng? “Bằng mọi giá, còn nước còn tát” - tôi trấn an đồng nghiệp.

Các tổn thương cũng được giải quyết một cách khó khăn, bệnh nhân phải truyền nhiều máu. Quá trình nằm tại khoa hồi sức cuối cùng cũng qua được và bệnh nhân được đưa về khoa lồng ngực - mạch máu. Nhìn thấy Duyên tỉnh lại và bàn tay đã có màu hồng nhạt, chúng tôi mừng lắm. Tuy nhiên sưng nề quá nhiều và vết thương quá rộng chảy dịch viêm. Mặc dù dùng kháng sinh liều cao và chăm sóc vết thương tích cực nhưng mức độ nhiễm trùng không ngừng tăng lên, khoa đã hội chẩn và một lần nữa khả năng đoạn chi của bệnh nhân lại được đặt ra (lần hai).

Tôi biết điều đó nguy hiểm đến mức độ nào. Nếu tiếc rẻ mà dẫn tới nhiễm trùng huyết hoặc suy gan suy thận thì đe dọa cả tính mạng bệnh nhân. Nhưng cũng nhờ sức khỏe của Duyên, nhờ được theo dõi sát mỗi ngày và có lẽ cũng nhờ may mắn mà Duyên vẫn được điều trị theo hướng bảo tồn. Sau khoảng hai tuần, giai đoạn “ồn ào” cũng qua đi, Duyên được chuyển sang khoa chấn thương chỉnh hình để tìm kiếm cơ hội ghép da, phục hồi thần kinh và nắn chỉnh xương. Một hôm Duyên và gia đình điện thoại báo cho tôi biết các bác sĩ chuyên khoa cho biết việc điều trị bảo tồn sẽ kéo dài và có thể phải phẫu thuật 2-3 lần, chưa loại trừ việc không giữ được cánh tay (lần ba)... Rất may sau lần ghép da, Duyên tạm ổn và xuất viện chờ những lần mổ tiếp theo”.

Đọc xong những dòng nhật ký này, hẳn ai cũng băn khoăn về số phận của cô gái đáng thương này. Hỏi bác sĩ Thịnh, ông cho biết: “Mấy bữa trước Duyên có gọi cho tôi trong niềm vui khấp khởi, cô nói: Cảm ơn bác sĩ đã giữ lại cánh tay cho em. Từ phần cẳng tay trở xuống bàn tay em đã có thể cầm nắm được. Phần khuỷu tay trở lên từng bị giập nát giờ đang chờ phẫu thuật ghép da với nhiều hi vọng, dường như em đã cảm nhận được cánh tay mình đang hồi sinh...”.

Bài học về cái hộp quẹt

Trưa một ngày cuối tháng 9-2010, một bệnh nhân tự xưng là “truyền nhân” của phái võ “Thần quyền” tới khoa ngoại - lồng ngực - mạch máu xin được mổ lấy mấy cặp “kim vàng” (loại 14 K) ra khỏi người. Lúc đó giá vàng lên hơn 31 triệu đồng/lượng. Câu chuyện kỳ bí đầy sắc màu nửa “giang hồ” nửa “võ hiệp” của anh chàng này khiến êkip mổ không khỏi lúng túng bằng tấm phim chụp bệnh nhân đúng là có một cặp kim ở hai bên cẳng tay. Sau nhiều lần chụp phim bằng máy X-quang di động có thể soi và mổ trực tiếp lấy dị vật, hạn chế tối đa việc phá hủy các mô lân cận khi lấy dị vật, êkip bác sĩ đã lấy được... năm cây kim vàng ra khỏi người bệnh nhân.

Câu chuyện của bệnh nhân này bắt đầu từ thời trai trẻ, khi anh nghe lời bạn bè “vô kim” từ một thầy lang vườn để tránh đau đớn khi đánh nhau giành khách ở khu bến xe miền Tây. Nhưng câu chuyện ly kỳ của bệnh nhân này không phải là điều khiến bác sĩ Thịnh suy ngẫm. Câu hỏi về sự nhẹ dạ cả tin và bất cẩn đầy rủi ro của người dân quan trọng hơn với ông. Dị vật trong cơ thể không chỉ gây biến chứng, gây phiền toái cho người bệnh, gây chảy máu, tổn thương các tạng hoặc nhiễm trùng dẫn đến hoại tử.

Chỉ trong tháng 10-2010, bác sĩ Thịnh đã tiếp nhận gần chục ca liên quan tới gắp mổ dị vật như vậy. Trước những ca này, bác sĩ Thịnh luôn ghi nhớ lời căn dặn của người mẹ - vốn cũng là một bác sĩ:“Phải luôn cất đặt mọi thứ thật gọn gàng. Cái hộp quẹt nếu để đúng chỗ sẽ thuận tiện cho mình thắp được ngọn nến, tránh va vấp trong bóng tối. Trong mỗi ca mổ cũng vậy, chỉ một chút sơ sót cũng có thể để lại nguy hiểm cho bệnh nhân, đó là điều tối kỵ”.

“Không phải tình cờ mà tôi luôn gặp những ca bệnh đặc biệt như vậy. Nhiều lúc đi qua những thời khắc đầy gian nan trong phòng mổ, tôi nhận ra mình ở đâu, phải làm gì để cuộc đời mình thêm ý nghĩa...” - bác sĩ Thịnh bộc bạch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận