Những vết cứa vào tim

BẢO NHI 26/03/2014 07:03 GMT+7

TTCT - 1. Chuyện thầy giáo Trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Định tát học sinh và bị học sinh tấn công lại nhắc tôi nhớ lại những ngày mới đi dạy cách đây nhiều năm.

Một hôm đang giảng bài về cấu trúc câu thì hai em học sinh nam bỗng bật dậy và đánh nhau ngay trong tiết dạy. Không biết diễn tả thế nào về nỗi bàng hoàng và tức giận của tôi trong tình cảnh như vậy. Và quả thật trong thâm tâm tôi hết sức lúng túng, không biết nên ứng xử sao cho phải.

Ngày còn là sinh viên sư phạm, chúng tôi chưa có một tiết học nào về việc giải quyết tình huống khó xử trong môi trường dạy học. La rầy ư? Giận dữ ư? Bắt hai em quỳ gối hay đuổi ra khỏi lớp đây?

Dĩ nhiên phạt cả hai là giải pháp hầu như tất cả giáo viên khác lựa chọn, nhưng tôi nghĩ rằng trong vụ việc này có một em cảm thấy tôi không công bằng vì em kia đã tấn công trước và em chỉ tự vệ. Những em ngồi cạnh cũng không thể xác định rõ ai là người tấn công vì sự việc quá bất ngờ.

Cuối cùng, tôi lấy giọng nghiêm trang nói: “Hai em đứng lên, ngồi vào hai bàn khác nhau ở cuối lớp. Sau buổi học này, đề nghị cả hai em ở lại gặp tôi tại văn phòng. Bây giờ cả lớp học tiếp”. Vậy là cả lớp im lặng học, tôi tiếp tục giảng, không khí chùng xuống, buồn bã.

Cuối giờ, tôi ngồi ở văn phòng và hai em vào gặp tôi với tâm thế sẵn sàng đối phó với việc có thể bị hạ bậc đạo đức. Tôi yêu cầu hai em làm bản tường trình tại chỗ, sau đó tôi tâm sự với hai em về tình bạn, về sự sẻ chia và giúp hai em thấy rằng đánh nhau là hết sức sai lầm và còn sai lầm hơn vì như vậy là cả hai không tôn trọng giáo viên.

Cuối cùng hai em lí nhí xin lỗi tôi. Tôi cho phép hai em ra về với lời hứa rằng nếu các em có phục thiện thì coi như hai bản tường trình này sẽ nằm im trong cặp tôi và tôi sẽ không ghi vào phần đánh giá đạo đức cuối năm. Quả thật, sau sự việc trên, hai em trở nên ngoan hơn và cả lớp cũng ngoan hơn, gần gũi hơn với giáo viên.

2. Cùng trong năm đó, một em học sinh tên H. nổi tiếng cá biệt, bị thầy giám thị dùng kéo xởn tóc vì tóc dài. Tôi chưa bao giờ đồng ý với nhà trường trong việc cắt tóc những nam sinh để tóc dài hơn quy định. Tôi cho như thế là rất “phát xít”, lỗi nhỏ như vậy chỉ cần nhắc nhở là đủ.

Bất ngờ, em H. phản ứng bằng cách cạo nửa đầu và đi lại nghênh ngang trong sân trường để biểu diễn mái tóc quái dị của mình. Phụ huynh của em vào trường làm ầm ĩ và bắt thầy giám thị phải xin lỗi gia đình, không thì họ sẽ đi kiện lên cấp cao hơn.

Tôi vẫn không sao quên được rằng thầy giám thị đã phải nói lời xin lỗi H. trong giờ chào cờ trong sự vui sướng tột cùng của tất cả học sinh trong trường. Các em đã hò reo rất hoan hỉ, giống như xem một trận đá banh mà phần thắng thuộc về các em vậy.

3. Trước đây, sinh viên sư phạm như chúng tôi không có học một tiết nào về giao tiếp và ứng xử sư phạm. Môn tâm lý học lứa tuổi thì trong chương trình chỉ có vài tiết sơ sài và chủ yếu là “đọc chép”. Có thể nói hầu như thầy cô chẳng giảng gì cả, bài học trôi tuột đi như nước tuôn qua kẽ tay, chúng tôi không lưu chút gì trong đầu.

Sau này chạm vào thực tế mới biết các em học sinh của mình đang tuổi “nổi loạn”, đời sống tình cảm, tâm lý rất phức tạp, luôn muốn thể hiện cái tôi bản ngã của mình. Việc la rầy hay đánh mắng chỉ khiến các em chống đối và trơ lì thêm.

Biết bao nhiêu thứ người giáo viên mới ra trường phải đau đầu và đau lòng khi chạm vào thực tế nghề nghiệp. Có những lúc chúng tôi còn hoảng hốt, sững sờ khi thấy rằng tại sao không ai dạy, không ai bảo ban những điều này khi chúng tôi còn “mài ghế” trên giảng đường đại học.

Ngày nay, trong chương trình khung của đại học sư phạm cũng chỉ có vài tiết về giao tiếp và ứng xử, nhưng rõ ràng quá ít ỏi so với một thực tế phức tạp và nan giải vô cùng.

Lẽ ra sinh viên sư phạm phải được học, được bàn bạc và thảo luận về những tình huống sư phạm và cách giải quyết tối ưu cho các tình huống đó. Lẽ ra họ phải được biết nhiều hơn, sâu sắc hơn về tâm lý lứa tuổi, về đối tượng chính mà họ có nhiệm vụ dẫn dắt và đào tạo thành những công dân tốt...

Để đâu đó trong cuộc sống không có những người thầy, người cô sử dụng bạo lực và bất lực trong giảng dạy. Để rồi họ không biết sống sao cho đặng cùng gia đình, bà con, láng giềng và công luận với cái quyết định “sa thải” như một vết cứa vào tim chẳng cách nào quên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận