15/09/2003 07:18 GMT+7

Tại sao lại nhập bò chất lượng thấp ?

<FONT color=#010101>H.ĐĂNG</FONT>
H.ĐĂNG

TT - Do đâu mà những con bò HF nhập về từ Úc lại chết, bệnh hoặc cho sữa ít khiến người nông dân nuôi bò kêu khổ? Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng chính tại con bò nhập về kém chất lượng! Tại sao lại nhập những con bò như thế?

JiQMJ03Y.jpgPhóng to
Nông dân chăm sóc bò với nhiều hi vọng
TT - Do đâu mà những con bò HF nhập về từ Úc lại chết, bệnh hoặc cho sữa ít khiến người nông dân nuôi bò kêu khổ? Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng chính tại con bò nhập về kém chất lượng! Tại sao lại nhập những con bò như thế?

Mua “bò... trôi nổi”, làm sao đảm bảo chất lượng?

Đàn bò HF nhập về VN trong thời gian qua đều mua từ bang Queensland (Úc) vì bang này có điều kiện khí hậu nhiệt đới tương đối giống VN.

Tuy nhiên, đàn bò sữa HF ở bang Queensland chỉ chiếm khoảng 8% so với tổng đàn bò sữa của Úc nên không có nhiều bò chất lượng tốt để lựa chọn. Đã thế, theo một số cơ quan có thẩm quyền của bang Queensland, hầu hết bò sữa HF đạt tiêu chuẩn đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ... trước đó.

Ấy thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, VN đã nhập ồ ạt khoảng 10.000 con bò HF tại bang này!

Chỉ riêng năm 2002, các địa phương đã nhập gần 3.500 con bò ngoại, đa số là bò HF. Và trong những tháng đầu năm 2003, số lượng bò sữa được các công ty nhập về đã lên tới hơn 7.500 con.

Theo các cơ quan thẩm quyền Úc, tại bang Queensland nói riêng và trên phạm vi cả nước Úc nói chung, bò chủ yếu được phân làm hai loại: đã đăng ký giống (registered cattle) và không đăng ký giống (bò “tự do”).

Bò đã đăng ký giống là bò đạt chất lượng (do được quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, có lý lịch giống rõ ràng) nên khó mua được với khối lượng lớn và giá của nó cao hơn so với bò không đăng ký giống 30-50%.

Với bò không đăng ký giống, khi các chủ trại bò muốn bán giống phải đăng ký tại Hiệp hội Bò sữa HF (Úc). Sau đó hiệp hội này tiến hành kiểm tra, khảo sát chất lượng từng con.

Vì sao Tuyên Quang mua được bò tốt?

Theo đánh giá của một số chuyên gia bò sữa, đàn bò sữa hơn 700 con HF được Tuyên Quang nhập về tháng 5-2002 là một trong số rất ít đàn bò đã phát triển tốt trong quá trình nuôi dưỡng.

Cho đến nay hơn 50% số bò cái trong đàn đã sinh bê (100% là bò sữa), mức cho sữa bình quân gần 13kg/con/ngày, mức sản xuất cao nhất lên tới gần 23kg/con/ngày. Đàn bê sinh trưởng và phát triển tốt.

Đặc biệt toàn bộ số bò trong đàn đều có giấy chứng nhận về chất lượng (HF thuần chủng), năng suất sản xuất cũng như thể trạng của từng con bò do Hiệp hội Bò HF của Úc (Holstein Friesian Association of Australia - HFAA) chúng nhận.

Một chuyên gia bò sữa của Úc khẳng định chỉ có những con bò HF thuần chủng mới được HFAA chứng nhận về chất lượng, có đầy đủ thông tin về “gia phả” của con bò - đây là thông tin cực kỳ quan trọng, không chỉ đảm bảo khả năng sản xuất sữa của bò mẹ mà thế hệ bò đời sau mới mang các đặc tính gen của bò mẹ, tránh được tình trạng giao phối tự nhiên (sẽ xảy ra tình trạng cận huyết, chất lượng bò thấp và đàn bò thoái hóa nhanh).

Vị chuyên gia này cũng cho biết đàn bò nhập về Tuyên Quang vào tháng 5-2002 là một trong số ít đàn bò HF có qui trình tuyển chọn khoa học và có sự chứng nhận của HFAA.

Thế nhưng, nhiều con bò HF được nhập về bán cho nông dân thời gian qua đều mua dạng trôi nổi, mua “xô” chứ không mua qua hiệp hội.

Các chuyên gia Úc khuyến cáo nên nhập bò tơ thay vì bò đã mang thai. Lý do là giá mua kinh tế hơn so với bò mang thai, số chu kỳ sữa sẽ tăng thêm, tỉ lệ đậu thai cao hơn và đặc biệt giảm được trục trặc (sẩy thai, viêm vú, thư móng...) trong quá trình vận chuyển hàng mấy ngàn kilômet.

Trên thực tế, khoảng hơn 50% là bò cái nhập về đã mang thai. Ngay từ lần nhập đầu tiên, các chuyên gia về bò sữa đã cảnh báo để tránh rủi ro cho nông dân, nơi nhập cần phải nuôi ít nhất 2-3 năm để đánh giá về khả năng thích nghi, năng suất, dịch bệnh... rồi mới bán rộng rãi. Thực tế đến nay bò nhập về chỉ được nuôi cách ly 2-3 tháng đã bán cho dân!

Đã có những khuyến cáo, nhưng...

Thật ra cách nay hơn một năm, ngay khi nông dân bị “sốc bò HF”, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về chất lượng đàn bò.

Ông Lê Bá Lịch - cục phó Cục Khuyến nông khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - khẳng định: “Vẫn và sẽ tiếp tục nhập bò ngoại, nhất là bò sữa Úc. Nhưng để đảm bảo thắng lợi, tránh rủi ro cho người chăn nuôi bò sữa, bộ yêu cầu các địa phương chưa có tập quán và kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, lần đầu chỉ nhập số lượng ít, khoảng 100-200 con. Sau khi nuôi thử, thấy phù hợp và có kết quả tốt mới nhập tiếp”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh: “Việc nhập bò chỉ là giải pháp tình thế. Lai tạo, tuyển chọn đàn bò trong nước mới là hướng đi cơ bản và vững chắc để tạo đàn bò sữa VN. Trong trường hợp nhập thì đơn vị nhập phải có qui trình lựa chọn thích hợp, chọn được con giống tốt để cung cấp cho dân chứ không được mua xô”.

Theo bộ này, chỉ có hai khu vực là Đức Trọng (Lâm Đồng) và Mộc Châu (Sơn La) được khuyến khích nuôi bò sữa HF thuần cao sản.

Lý do, theo TS Lương Văn Tác (Viện Qui hoạch và thiết kế nông nghiệp), hai vùng này có khí hậu mát mẻ, đồng cỏ đất đai rộng lớn nên rất thuận lợi cho việc chăn nuôi các giống bò sữa cao sản xứ lạnh như bò HF và các loại bò lai có máu ngoại cao.

“Các địa phương khác thời tiết khí hậu nắng nóng nhiều, đồng cỏ khó khăn, nên chỉ khuyến khích nông dân nuôi các giống bò lai F1 và F2...” - TS Tác nhấn mạnh.

Thế mà nhiều tỉnh thành, từ khu vực miền Đông Nam bộ nắng nóng đến miền Trung quanh năm khô hạn, rồi miền Tây ngập lũ... cũng đều ào ạt nhập bò HF!

Phong trào nhập bò lan rộng đến mức có địa phương được xếp vào loại có “khí hậu khắc nghiệt, thời tiết khô hạn” hoặc “rất ít có điều kiện phát triển bò sữa”... cũng ký hợp đồng nhập và sử dụng đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách (3-5 tỉ đồng/địa phương để phát triển đàn bò lai hướng sữa trong nước) để nhập bò HF.

Theo một số chuyên gia bò sữa, nguyên nhân quan trọng là do các địa phương nôn nóng phát triển nhanh số lượng đàn bò sữa để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, cùng với tâm lý “không xài hết tiền... cũng phí” nên chuyển sang nhập bò HF!

H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên