13/09/2003 23:10 GMT+7

Tour cho SEA Games: Quảng bá văn hóa, gieo hạt cho mùa sau

THU HÀ
THU HÀ

TTCN - Với khoảng 10.000 khách nước ngoài vào VN dịp SEA Games gồm quan chức, vận động viên, trọng tài, cổ động viên, trong đó đối tượng được xác định “phục vụ là chính” lên đến hơn 6.000 người, ngành kinh doanh lữ hành VN không hề có ảo tưởng thu lợi nhuận ngay lập tức, thậm chí có thể phải chấp nhận lỗ. Nhưng SEA Games vẫn thật sự là một cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu du lịch VN và hơn thế nữa

8ePHkzDl.jpgPhóng to
Đặc trưng văn hóa VN sẽ là yếu tố thu hút du khách.
TTCN - Với khoảng 10.000 khách nước ngoài vào VN dịp SEA Games gồm quan chức, vận động viên, trọng tài, cổ động viên, trong đó đối tượng được xác định “phục vụ là chính” lên đến hơn 6.000 người, ngành kinh doanh lữ hành VN không hề có ảo tưởng thu lợi nhuận ngay lập tức, thậm chí có thể phải chấp nhận lỗ. Nhưng SEA Games vẫn thật sự là một cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu du lịch VN và hơn thế nữa

Từ con số đáng thèm muốn và con số đáng xấu hổ

Ông Phạm Từ, tổng cục phó Tổng cục Du lịch VN, đưa ra những con số mà theo ông rất đáng để suy nghĩ: năm 2002 khách quốc tế vào ASEAN là 40 triệu, khách ASEAN đi du lịch nội vùng là 17 triệu (mơ ước), trong khi khách ASEAN vào VN chỉ ở con số 270.000 người (xấu hổ).

Điều đó chứng tỏ chúng ta đã và đang bỏ trống thị trường ASEAN, một thị trường gần, thuận lợi cả đường bộ, đường biển, đường không, có rất nhiều nét văn hóa tương đồng. Còn xét về lợi ích kinh doanh đơn thuần, một khách ASEAN trung bình cũng chi tiêu cao hơn hẳn một khách Trung Quốc.

Chính vì thế, theo ông Phạm Từ, SEA Games sắp tới sẽ là một cơ hội rất tốt để chúng ta khắc phục cái khoảng trống bấy lâu nay chưa thể lấp đầy. Các doanh nghiệp lữ hành VN ý thức rất rõ rằng nếu thu lợi ngay từ SEA Games này thì chắc chắn là không! Ngược lại, phải đầu tư rất nhiều, nếu không nói là đầu tư khổng lồ và các khoản đầu tư đều chưa sinh lợi (chưa chứ không phải là không).

Ông Trần Hữu Bình, phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, phó tiểu ban hậu cần SEA Games, tính toán: Hà Nội sẽ đón khoảng 5.200 quan khách và VĐV, trọng tài, mỗi người chi phí cho nước chủ nhà 30 USD/ngày, nếu chỉ tính riêng tiền khách sạn 4-5 sao thì đã là không thể lãi, chưa kể rất nhiều khoản chi phí khác.

Còn trông mong vào khách là cổ động viên đi theo thì cũng không thể gọi là quá lạc quan, vì họ sang chắc chắn không nhiều lại đi ngắn ngày và tập trung ở các ngày, các môn có VĐV nước họ thi đấu và có cơ hội giành huy chương.

Nhưng theo ông Bình, nếu biết khai thác đúng thì cái lợi mà ngành du lịch thu được từ SEA Games thật khổng lồ. Theo thống kê từ ngành du lịch của các nước ASEAN, sau mỗi kỳ SEA Games con số khách du lịch nội vùng ASEAN đổ xô đến nước vừa đăng cai tăng vọt từ 40% đến gấp đôi do “hiệu ứng” từ các phương tiện truyền thông đại chúng và do các “tuyên truyền viên không ăn lương” là các VĐV và cổ động viên vừa trở về. Và với con số xuất phát thấp như VN (270.000 khách), việc khách ASEAN tăng vọt gấp hơn hai lần sau SEA Games là điều hoàn toàn có thể.

Văn hóa, đặc sắc, ngắn ngày

Cũng chính từ quan điểm không trông mong thu lãi từ khách SEA Games nhưng lại rất kỳ vọng vào hiệu quả hậu SEA Games, ngành du lịch đã chủ trương xây dựng một loạt tour, tuyến cho SEA Games bám chặt vào đặc trưng về thời gian, lịch thi đấu, tâm lý, văn hóa và cả... khả năng chi tiêu của các đối tượng này.

Theo đó, có hai loại: tour cho các quan chức, VĐV, trọng tài đến thi đấu kết hợp du lịch được xây dựng trên cơ sở ngắn ngày, dựa vào lịch thi đấu, môn thi đấu và địa điểm thi đấu. Các tour này ở miền Bắc nhiều hơn là miền Nam, chủ yếu mở đến các điểm du lịch có tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa hoặc du lịch sinh thái. 25 công ty lữ hành quốc tế hàng đầu đã được tung vào chương trình tour này và đã được quán triệt cũng như tự xác định “lấy công làm lời” gieo uy tín cho mùa gặt sau.

Với tour cho các cổ động viên, cũng trên tinh thần ngắn ngày, quảng bá văn hóa VN (nhất là văn hóa ẩm thực), bám sát tính chất đi cổ vũ kết hợp đi du lịch. Các công ty lữ hành đều tìm cách thu hút đối tượng du khách này bằng các biện pháp khác nhau, cố gắng không tăng giá (vì SEA Games tổ chức đúng mùa du lịch cao điểm nhất trong năm mà theo thông lệ thì nhiều khách sạn thường tăng giá để bù vào những lỗ lã trong mùa thấp điểm) và thiết kế những tour độc đáo.

Nhưng với đối tượng khách này - cũng là diện khách mà các doanh nghiệp hi vọng “làm ăn” nhất, điều đầu tiên mà họ đòi hỏi lại là: vé SEA Games (vé khai mạc, vé bế mạc), vé xem các trận bóng đá then chốt, đặc biệt là trận chung kết, vé xem các trận chung kết các môn mà VĐV nước họ có khả năng giành huy chương vàng...

Song, ngay cả các doanh nghiệp du lịch lớn nhất như Saigontourist và Hà Nội Tourism đến giờ này vẫn chưa có trong tay một tấm vé của bất kỳ bộ môn thi đấu nào để chào bán tour. Gửi công văn sang ban tổ chức thì không thấy hồi âm, còn gọi điện thoại thì được trả lời miệng là: “Đang còn phải giải quyết nhiều công việc cấp bách hơn”(!).

Đành rằng nhà có lễ lạt thì ai cũng bận, nhưng muốn kéo khách vào mà đến giờ này chưa cho doanh nghiệp bán vé thì khác nào bắt người ta đi câu mà không đưa cần!

Tuy vậy các doanh nghiệp vẫn đang hối hả thực hiện những công việc cuối cùng của mình. Trước mắt, từ 15 đến 17-11 Liên hoan du lịch Hà Nội sẽ được tổ chức để hút khách “tiền SEA Games” với hai hoạt động chính là tổ chức chợ quê ở chung quanh bờ hồ Gươm với các phong vị ẩm thực Bắc bộ và một loạt các hoạt động văn hóa truyền thống: lễ rước dâu trong đám cưới của người Hà Nội cổ, lễ vinh qui bái tổ... Cùng sự hiện diện của các đại diện văn hóa ẩm thực Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... du khách sẽ có cơ hội để thưởng thức, so sánh, lựa chọn và chiêm nghiệm.

Một loạt các tour cho SEA Games cũng đã được các công ty du lịch lớn chính thức công bố, chủ yếu là các tuyến, điểm quen thuộc, mang đậm chất văn hóa và đã được “nâng cấp” về chất lượng.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên