12/09/2003 10:39 GMT+7

Dự án gấu bông

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

TT - Tại hội nghị về giáo dục và công nghệ thông tin lần 10 của iEARN (mạng lưới quốc tế về giáo dục và nguồn lực) vừa diễn ra tại Nhật Bản (20 đến 25-7-2003), “Dự án gấu bông” là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong các bài diễn văn và trong cả lúc nhấm nháp trà, bánh ngọt vào giờ nghỉ giải lao.

ODBp3Uql.jpgPhóng to
Cô gấu tên Mật Ong và các bạn người Ireland tại lễ thánh Patrick

Năm 1996, cô Muriel Wells - giáo viên cấp I ở Melbourne, Úc, đồng thời là thành viên của iEARN - đã sáng lập dự án này nhằm khuyến khích học sinh khắp thế giới làm bạn với nhau.

Trong dự án, một chú gấu bông sẽ “đến thăm” lớp học ở một nước khác. Các em học sinh sẽ thay phiên nhau mang gấu về nhà, sau đó thay mặt chú gấu viết nhật ký về chuyến “phiêu lưu” của chú, những nơi chú được đến, những gì chú làm trong thời gian chú đến thăm mình.

Nhật ký sẽ được email đến lớp học cũ của chú mỗi ngày để các bạn trong lớp biết được những gì chú đang làm và hiểu thêm về văn hóa, sinh hoạt nơi chú đến. Chú gấu bông có thể được thay thế bằng những loại thú nhồi bông khác, chẳng hạn như thỏ bông, đại bàng bông, kangaroo bông, có những chú còn được mặc trang phục truyền thống nước mình.

Chú Kaola, đến từ Úc, khi đến thăm Trường tiểu học Spokane ở Mỹ một học kỳ đã viết thư về cho các bạn: “Bây giờ tớ mới biết ở Mỹ có lễ Tạ ơn. Hôm nay tớ được ăn gà tây quay, bánh bí phết kem và uống sữa ca cao. Cô Sutherlands kể rằng có 130 người hành hương đã đi từ Anh đến Mỹ trên một con thuyền tên là Hoa Tháng Năm. Khi đến Mỹ, họ được người da đỏ giúp đỡ xây nhà, dạy cách trồng bắp và săn nai. Lễ Tạ ơn ra đời nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với những thổ dân da đỏ này. Mẹ của Austin, bạn mà tớ đang ở cùng nhà hôm nay, bảo người Mỹ mừng lễ Tạ ơn để biết ơn gia đình, bạn bè, thức ăn và trường học”.

Dự án gấu bông ban đầu chỉ dự định dành cho học sinh tiểu học, nhưng sau đó đã thu hút học sinh từ lớp 1 - 9 trên khắp thế giới. Cho tới thời điểm này đã có hàng ngàn trường học tham gia dự án tại Argentina, Canada, Anh, Iran, Đức, Nga, Mỹ, Đan Mạch, Đài Loan, Nam Phi, Úc, New Zealand...

Qua những câu chuyện gấu bông email về, các em học sinh hiểu thêm về các bạn cùng độ tuổi ở các nơi trên thế giới. Ở những nước không nói tiếng Anh, đây cũng là cơ hội tốt để các em luyện thêm ngoại ngữ khi thay gấu bông viết email và đọc email gấu bông gửi về.

Hiện nay Tổ chức iEARN vẫn chưa có mặt tại VN (iEARN Việt Nam sẽ được thành lập trong tương lai gần), do vậy dự án này chưa được biết đến ở nước ta.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ các lớp học ở VN vẫn có thể tham gia bằng cách đăng ký tại trang web http://www.iearn.org.au/tbear/(chỉ giáo viên mới được đăng ký). Sau khi điền tên trường, lớp, địa chỉ trường, địa chỉ email, lớp học của bạn sẽ được lưu vào danh sách của dự án.

Tuy nhiên, bạn không thể tự mình liên lạc ngay từ đầu với lớp học bạn muốn trao đổi gấu bông, mà cô Muriel Wells - điều phối viên dự án - sẽ thu xếp cho bạn bước đầu.

Thông thường việc lựa chọn dựa trên độ tuổi và châu lục, ví dụ các học sinh lớp 7 ở VN sẽ được sắp xếp với học sinh lớp 7 ở một nước không phải châu Á, chẳng hạn như Ý hoặc Canada, để tăng thêm sự đa dạng văn hóa.

(nhân viên Tập đoàn Unilever VN, đại biểu của Diễn đàn giáo dục và công nghệ thông tin của thế giới năm 2003, diễn ra tại Nhật)

NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên