21/10/2010 11:05 GMT+7

Xét nghiệm kiểm tra trong điều trị tuyến giáp

ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG(giảng viên nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM)
ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG(giảng viên nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Trước đây tôi có đi xét nghiệm thì kết quả như sau: FT3: 15.60; FT4: 4.60 và TSH: 0,007. Sau 4 tháng điều trị, tôi đi xét nghiệm lại thì kết quả có nhiều thay đổi như sau: FT3: 2.40; FT4: 0,518 và TSH: 29.72. Tôi muốn biết chỉ số TSH ở lần xét nghiệm sau cao hơn ngưỡng như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Dương Văn Khải

- Trả lời của Phòng mạch online:

Việc khám chữa bệnh đòi hỏi phải kết hợp giữa những triệu chứng của người bệnh với các xét nghiệm, không chỉ dựa trên xét nghiệm. Do vậy, tôi chỉ bàn luận dựa trên các chỉ số anh cung cấp. Khi tường thuật kết quả xét nghiệm, xin bạn đọc chú ý ghi cụ thể đơn vị (ví dụ ng/dL) và giá trị bình thường của phòng xét nghiệm cung cấp trong phiếu xét nghiệm. Được như vậy ý kiến của chúng tôi sẽ chính xác hơn.

iyHCuHwa.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: Internet

Kết quả xét nghiệm của anh cho thấy ở lần đầu tiên là một tình trạng cường giáp - nói nôm na là dư thừa hormon giáp trong máu, thể hiện ở chỉ số FT3 và FT4 tăng cao. Còn ở lần xét nghiệm thứ hai, sau 4 tháng điều trị, là một tình trạng suy giáp - thiếu hormon giáp, chỉ số FT3 còn bình thường nhưng FT4 đã giảm thấp.

TSH là một hormon khác trong cơ thể, xuất phát từ tuyến yên (một tuyến nội tuyến nằm trong đầu, trong hộp sọ) thường thay đổi ngược chiều với tình hình hormon giáp, một khi cường giáp thì TSH giảm rất thấp. Trong xét nghiệm lần đầu tiên của anh, TSH = 0,007 (mU/L) là rất thấp, củng cố cho kết luận cường giáp. Còn trong lần xét nghiệm sau, TSH tăng khá cao chứng tỏ anh đã rơi vào tình trạng suy giáp.

Qua các xét nghiệm trên, có thể thấy việc điều trị bệnh của anh chưa đạt được sự ổn định cần thiết, có lẽ do dùng thuốc kháng giáp (để điều trị cường giáp) liều cao và kéo dài. Tốt hơn là cần theo dõi thường xuyên, xét nghiệm kiểm tra sớm hơn và điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp và kịp thời. Việc xét nghiệm cách nhau 4 tháng như trường hợp của anh, theo tôi, là khá lâu.

Bệnh lý tuyến giáp, cường giáp hay suy giáp cũng vậy, cần được theo dõi bởi bác sĩ - tốt nhất là chuyên khoa về nội tiết. Về vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, cả cường giáp hay suy giáp nếu để kéo dài hoặc nặng sẽ ảnh hưởng rõ rệt và nghiêm trọng đến sức khỏe, và có thể là không phục hồi hoàn toàn về bình thường cho dù sau đó có được điều trị hiệu quả.

Trong số những ảnh hưởng lâu dài có thể xảy ra của tình trạng suy giáp, quan trọng là biến đổi của hệ tim mạch với xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim, suy tim… Do đó, cần điều trị sớm, đúng biện pháp - không chỉ riêng bệnh tuyến giáp mà cho tất cả các bệnh lý nói chung - nhằm tránh những hậu quả bất lợi xảy ra. Chúc anh khỏe và sớm ổn định bệnh.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

TTO thực hiện

ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG(giảng viên nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên