14/02/2010 12:46 GMT+7

Khả năng sinh con sau mổ tinh hoàn ẩn

Bác Sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆTPhòng khám Nam khoa - BV Đại Học Y Dược TP.HCM
Bác Sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆTPhòng khám Nam khoa - BV Đại Học Y Dược TP.HCM

TTO - Bạn tôi năm nay 27 tuổi, đang sống và làm việc tại Đà Lạt. Anh ấy bị lạc tinh hoàn bẩm sinh ngoài ổ bụng, bên phải cách dương vật khoảng 1,5 - 2cm. Khi bước vào tuổi dậy thì anh ấy có hiện tượng bị tức nơi tinh hoàn bị lạc. Năm lớp 12 anh ấy đã đi khám và mổ đẩy tinh hoàn xuống túi bìu, anh ấy vẫn sinh hoạt tình dục bình thường và có tinh dịch, không còn bị tức như trước nữa.

Anh lo lắng sự ảnh hưởng tới việc có con, tôi xin hỏi:

Việc mổ như vậy có ảnh hưởng gì đến tinh trùng và khả năng sinh con của anh ấy không ạ? (anh chưa kết hôn).

Bạn đọc

- Trả lời của phòng mạch online:

Đây là trường hợp tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ.

Tinh hoàn muốn hoạt động bình thường thì nó phải nằm ở bìu, nơi có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 1-2 độ C. Tinh hoàn ẩn hoặc lạc chỗ không nằm trong bìu mà nằm ở trong bụng hoặc bẹn. Ở đó tinh hoàn không phát triển bình thường được, mất dần chức năng và teo đi hoặc có thể biến thành ung thư.

Tốt nhất người bệnh nên được mổ lúc 1-2 tuổi, lúc này chức năng tinh hoàn chưa bị hư hại nhiều. Mổ sớm giúp giữ được tinh hoàn phát triển bình thường. Trường hợp bạn trai này để tới năm lớp 12 (tức là khoảng 18 tuổi mới mổ là trễ nhiều).

Mổ điều trị tinh hoàn ẩn có nhiều phương pháp khác nhau như mổ nội soi, mổ mở, mổ vi phẫu…Nhưng với phương pháp nào đi nữa thì mục đích của cuộc mổ là tìm ra tinh hoàn ẩn và đưa xuống cố định ở dưới bìu, nhằm giúp tinh hoàn có thể phát triển và không bị hư hại thêm. (Nếu trường hợp tinh hoàn ẩn bị teo nhỏ hoặc nguy cơ hóa ung thư cao thì nên cắt bỏ nếu tinh hoàn còn lại bình thường).

Theo như bạn kể thì bạn trai của bạn chỉ bị tinh hoàn ẩn bên phải, tinh hoàn bên trái vẫn bình thường, như vậy nhiều khả năng số lượng tinh trùng còn bình thường nhờ khả năng bù trừ của tinh hoàn bên trái. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác cần thử tinh dịch đồ, đây là xét nghiệm được làm ở nhiều bệnh viện có phòng khám nam khoa hoặc phòng khám vô sinh.

Ngoài ra, sau mổ tinh hoàn ẩn cần phải tiếp tục theo dõi nguy cơ hóa ung thư của tinh hoàn đó (cao hơn 40 lần so với người bình thường) bằng cách tự khám tinh hoàn thường xuyên, nếu có gì bất thường cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

Bác Sĩ CKI  PHẠM NAM VIỆTPhòng khám Nam khoa - BV Đại Học Y Dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên