05/02/2007 20:09 GMT+7

Dậy thì sớm ở các bé gái

Theo THÙY DƯƠNG - Người Lao Động
Theo THÙY DƯƠNG - Người Lao Động

Hiện nay tuổi dậy thì ở nữ đã giảm còn 11-12 tuổi, thậm chí là 8-9 tuổi. Rất nhiều trẻ khi có kinh nguyệt lần đầu rất hoảng sợ, vì thế cần chuẩn bị tâm lý và kiến thức cho trẻ.

ebTBJ2zD.jpgPhóng to
Ảnh có tính minh họa
Hiện nay tuổi dậy thì ở nữ đã giảm còn 11-12 tuổi, thậm chí là 8-9 tuổi. Rất nhiều trẻ khi có kinh nguyệt lần đầu rất hoảng sợ, vì thế cần chuẩn bị tâm lý và kiến thức cho trẻ.

Cách đây không lâu, chị N.T.L, ngụ ở quận 1, TP.HCM, hốt hoảng khi đứa con gái gần 10 tuổi run rẩy nói: “Mẹ ơi, con đã có thai!”. Bình tĩnh trở lại, chị L. bắt đầu tra hỏi xem con đã quan hệ với ai, vào lúc nào.

Nghe mẹ hỏi, bé chỉ lắc đầu và càng khóc to hơn. Lúc này, chị L. đành nhờ một cô bạn thân là bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM kiểm tra giúp.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ thông báo con gái chị không có thai và cũng chưa từng quan hệ với ai. Đoán có sự nhầm lẫn, chị L. hỏi con. Lúc này bé mới nói: “Vì mấy tháng nay con không thấy có kinh”.

Trẻ mắc bệnh béo phì dễ bị dậy thì sớm

Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, cho biết các bé gái ngày càng có xu hướng dậy thì sớm. Trước đây, trung bình tuổi dậy thì ở nữ giới là 14-15 tuổi thì theo một thống kê của BV trong năm 2005, tuổi dậy thì trung bình hiện nay ở nữ đã giảm còn 11-12 tuổi, thậm chí trong thực tế có bé gái còn dậy thì khi mới được 8-9 tuổi!

Theo bác sĩ Thủy, nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm là hiện nay trẻ được tiếp xúc với nhiều hình ảnh dành cho người lớn từ các sách báo, phim ảnh. Chính những hình ảnh này đã tác động lên tuyến yên, buồng trứng và tử cung làm bé gái dậy thì sớm.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng tác động đến tuổi dậy thì. Bác sĩ Trần Quốc Cường, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết trẻ mắc bệnh béo phì thường dậy thì sớm hơn so với trẻ cùng tuổi, còn trẻ thiếu chất dinh dưỡng sẽ dậy thì muộn hơn.

Dậy thì sớm - cần điều trị

Theo TS-BS Vũ Thị Nhung, Giám đốc BV Hùng Vương, có những người mãi đến 18-20 tuổi mới dậy thì cũng vẫn được xem là dậy thì bình thường. Ngược lại, những người dậy thì sớm hơn lứa tuổi dậy thì trung bình (11-12 tuổi) cũng được xem là bất thường khi tình trạng phát triển những đặc tính sinh dục thứ cấp ở bé gái xảy ra trước 8 tuổi.

Một số dấu hiệu để nhận biết dậy thì bất thường là ngực phát triển trước 8 tuổi, có lông mu và lông nách trước 9 tuổi, âm vật to so với trẻ cùng lứa tuổi. Trẻ có lông mặt, mụn trứng cá, thay đổi giọng nói, quầng vú sậm màu, cơ quan sinh dục sậm màu. Trẻ cao lớn nhanh vì xương trưởng thành sớm nhưng sẽ ngưng cao sớm (nam không cao hơn 1,6 m và nữ không cao hơn 1,55 m), có kinh trước 10 tuổi.

Nguyên nhân xuất hiện các dấu hiệu trên có thể do bướu hoặc sự phát triển bất thường của buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên hay não bộ; hoặc có thể do bất thường của hệ thần kinh trung ương, bệnh di truyền và một số trường hợp không tìm được nguyên nhân.

Đối với những trường hợp này, BS Nhung đề nghị đưa bé đến BV khám để tìm ra nguyên nhân. Nếu dậy thì do u, bướu, cần phải phẫu thuật; nếu do nội tiết, phải dùng nội tiết tố điều trị.

Cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ

Rất nhiều trẻ khi thấy hiện tượng kinh nguyệt lần đầu tiên đã lo sợ, hoảng loạn, nhiều trẻ còn tưởng mình sắp chết vì trước đó chưa được trang bị kiến thức về chuyện này. Theo bác sĩ Thủy, trước khi có kinh nguyệt, trẻ sẽ có những dấu hiệu tiền dậy thì như phát triển cơ quan sinh dục, phát triển ngực. Lúc này các bà mẹ cần chuẩn bị tâm lý, kiến thức cho trẻ, đồng thời hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh hằng ngày trong những ngày có kinh nguyệt.

Khi mới có kinh, chu kỳ kinh thường không đều, có thể 3-4 tháng sau mới lặp lại nên cũng cần đề cập để trẻ bớt lo lắng. Với những trường hợp ra huyết nhiều, các bà mẹ cần đưa trẻ đến BV để được điều trị vì ra huyết nhiều sẽ làm trẻ mệt mỏi, thiếu máu. Ngoài ra, các bà mẹ cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.

Hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, chị tiếp nhận khá nhiều bé gái mới 10-12 tuổi đã bị viêm nhiễm âm hộ do vệ sinh không đúng cách. Một số trường hợp nặng còn bị sưng tấy vùng âm hộ.

Những trường hợp này nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến viêm dính âm hộ, âm đạo, nhiễm trùng vùng tử cung, buồng trứng, sau này có thể gây vô sinh, có thai ngoài tử cung.

Vì vậy, cần hướng dẫn bé gái giữ vùng kín khô, thoáng; những ngày có kinh, cần thay băng vệ sinh thường xuyên. Không nên dùng băng quá 4 giờ vì sau 4 giờ vi khuẩn sẽ đọng lại và phát triển gây viêm nhiễm âm hộ. Không nên mặc quần chật suốt ngày, rửa vùng kín nhiều lần, đặc biệt là rửa bằng nước sát trùng.

Theo THÙY DƯƠNG - Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên