10/07/2014 09:12 GMT+7

Của báu đầy kho

vietthai-audio
vietthai-audio

TT - Lần giở những trang bút ký điền dã sưu tầm ca dao dân ca của hai ông bà Lê Giang - Lư Nhất Vũ, tự nhiên thấy thương cho những người làm văn hóa ở xứ mình.

Ðến với vốn liếng văn hóa như một nhu cầu tự thân, họ hiểu sâu sắc giá trị của di sản văn hóa và có tình yêu bất diệt với công việc mình làm. Thành ra mỗi việc họ làm ra đều kết thành giá trị tiếp nối cho thế hệ mai sau.

hQ0icXar.jpg
Sách của ba tác giả “một nhà”: Lư Nhất Vũ - Lê Giang - Lê Anh Trung. Sách do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM liên kết với NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Ðã lâu rồi người ta không nhắc đến cụm từ "lương tâm chức nghiệp" nữa. Nhưng khi đọc những trang viết của nhà thơ Lê Giang trong tập Ði tìm kho báu vô hình kể lại các lần lặn lội về miệt thứ Kiên Giang, tìm vào thôn xóm nghèo heo hút, hẹn gặp những ông già bà cả còn thuộc câu hát câu hò rồi kèo nài kiếm cớ để người ta hát, rồi ghi âm, tự nhiên nghĩ lương tâm chức nghiệp vẫn đang thể hiện qua những con người như vậy, những việc làm như vậy.

"Vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ đã có hàng chục đầu sách về sưu tầm ca dao dân ca được xuất bản. Tất cả được Lê Giang gọi ví von là kho báu vô hình... Đến nay, cái kho ấy đúng là báu thật"

Mà có tình yêu nào không hi sinh, tình yêu sưu tầm ca dao dân ca cũng khiến "cặp đôi" Lê Giang - Lư Nhất Vũ trèo đèo lội suối, lên bờ xuống ruộng lắm phen. Như cái lần sưu tầm dân ca ở Gò Công Ðông hồi năm 1980 tìm nhà ông Nguyễn Văn Bảy (lúc đó đã 77 tuổi) phải đi qua những đoạn đường sình lầy ngập lút bánh xe, phải nhờ xe trâu chở giùm xe Honda 67. Vậy mà đến nơi lại gặp lúc ông Bảy đang bận đưa thằng cháu bị té sông vô bệnh viện cấp cứu. Lần thứ hai trở lại, ông Bảy đã hát để thu âm cái câu "Con rắn không chưn nó đi năm rừng bảy rú/Con gà không vú nó nuôi được chín mười con/Phải chi nhan sắc em còn..." hay đứt ruột. Hay như có lần ở Kiên Giang, nhóm sưu tầm dân ca tìm đến cả ngôi chùa Tam Bảo để nhờ nhà sư trụ trì có thuộc câu ca nào không thì ghi âm. Và thật bất ngờ, nhà chùa thuộc cả bài lý Con gà mái tơ mà theo lời của Lê Giang thì điệu lý này "đứng trang trọng trong hàng ngũ những điệu lý hay của Nam bộ".

Mà khởi đầu cho mối lương duyên giữa Lê Giang - Lư Nhất Vũ với ca dao dân ca lại chính là từ tầm nhìn của nhạc sĩ tài ba, giáo sư Lưu Hữu Phước. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể: "Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giáo sư - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là viện trưởng Viện Âm nhạc VN phân công tôi và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hoa đặc trách sưu tầm và nghiên cứu dân ca từ miền Ðông đến miền Tây Nam bộ". Chỉ một sự gửi gắm có tính chất "phân công" như vậy, bắt trúng nhịp đập của tấm lòng và tâm hồn người nghệ sĩ, một "cuộc tình với văn hóa" mở ra dài mãi về sau. Ðến nay, vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ đã có hàng chục đầu sách về sưu tầm ca dao dân ca được xuất bản (Tìm ngọc ở quê mình, 150 điệu lý quê hương, Hò trong dân ca người Việt, 300 điệu lý Nam bộ, Bộ hành với ca dao, Lý trong dân ca người Việt...). Tất cả được Lê Giang gọi ví von là kho báu vô hình, bởi hình dung cái chuyện mình đi làm, đi tìm thoạt đầu nó mông lung quá, lời ca câu hát nó nằm đâu đó trong trí nhớ người già, trong cảm tình thanh niên nam nữ... biết đâu là đâu.

Ðến nay, cái kho ấy đúng là báu thật. Nhưng chưa hẳn vô hình. Bởi mới hôm qua nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng vừa cho biết ông đang lục lại một trong số kho báu ấy, tức là hệ thống lại các câu ca, hò, vè của dân ta về nghề biển, về biển đảo, về đường thủy xuôi Nam ngược Bắc của dân ta từ mấy trăm năm trước. "Tất cả có trong các câu hát của người dân mình hết đó, sâu sắc lắm" - ông Trảng hào hứng nói. Hi vọng cái kho báu đó, từng lời ăn tiếng nói của dân mình sẽ vẫn còn được chắt chiu gìn giữ, cho dù lịch sử có biến động thế nào.

LAM ĐIỀN

vietthai-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên