13/05/2014 08:15 GMT+7

Bệnh teo niêm mạc dạ dày: Thường gặp nhưng dễ nhầm

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)
BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)

TT - Nhiều người gặp vấn đề về tiêu hóa, ăn không được, sụt ký. Được chẩn đoán một số bệnh lý cụ thể nhưng họ điều trị mãi không hết.

8PgJf1fZ.jpgPhóng to
Nội soi dạ dày chẩn đoán cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Bà L.T.K.N. 43 tuổi (ngụ TP.HCM) thường xuyên ợ hơi, nghẹn ngực, được nội soi và chẩn đoán viêm dạ dày kèm trào ngược dạ dày thực quản, điều trị nhưng không cải thiện được tình hình. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nội soi dạ dày kiểm tra lại, chúng tôi xác định bệnh nhân bị teo niêm mạc dạ dày mức độ vừa, sau ba tháng điều trị tích cực các triệu chứng cải thiện rõ.

Bệnh teo niêm mạc dạ dày là gì?

"Với những người bị bệnh teo niêm mạc dạ dày độ nặng cần được nội soi dạ dày kiểm tra định kỳ mỗi 1-2 năm để phát hiện sớm các trường hợp ung thư dạ dày xuất hiện trên các vùng teo niêm mạc dạ dày này"

Một trường hợp khác là ông T.T.H. 32 tuổi, thường xuyên đầy bụng khó tiêu, được chẩn đoán viêm hang vị sung huyết song vẫn khó chịu kéo dài dù được điều trị bằng các loại thuốc dạ dày mạnh nhất hiện nay. Nội soi dạ dày kiểm tra, chúng tôi xác định ông bị teo niêm mạc dạ dày mức độ vừa do nhiễm vi khuẩn H. pylori. Sau hai tháng điều trị, ông hết đầy bụng, ăn ngon và tăng 3kg. Còn ông L.T.V., 49 tuổi, thường xuyên sôi bụng, đầy hơi, tiêu phân sệt lỏng, đã nội soi dạ dày và ruột già hai lần, được chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích và điều trị nhưng triệu chứng không cải thiện rõ. Nội soi kiểm tra lại chúng tôi xác định ông bị teo niêm mạc dạ dày mức độ nhẹ, qua một tháng điều trị tích cực bảo vệ dạ dày, các triệu chứng cải thiện rõ.

Chúng ta cần biết là mặt trong dạ dày được bao phủ bởi một lớp áo trơn láng, hồng hào rất đẹp. Khi lớp áo phủ này không còn đẹp nữa mà sần sùi như da gà, trầy xước, sưng phù lên, thậm chí xuất huyết lốm đốm như ban đỏ, nặng nhất là tạo thành các vết lở loét trong dạ dày, lúc đó chúng ta bị mắc bệnh viêm loét dạ dày. Ngược lại khi lớp áo này mỏng đi, chúng ta bị mắc bệnh teo niêm mạc dạ dày.

Nguyên nhân mắc bệnh thường do nhiễm vi khuẩn H. pylori, viêm dạ dày mãn tính do ăn uống không điều độ, rượu bia, thuốc lá, uống các thuốc chống viêm trị đau nhức tái đi tái lại làm khả năng tái tạo và phục hồi của lớp áo phủ bên trong dạ dày kém đi gây teo niêm mạc dạ dày. Ngoài ra bệnh còn do dùng các thuốc điều trị chống tiết axit dạ dày liều cao, kéo dài không theo chỉ định của bác sĩ.

Dễ bị chẩn đoán lầm

Lớp áo phủ bên trong dạ dày có hai nhiệm vụ chính: tiết axit để sát khuẩn và tiêu hóa thức ăn, đồng thời che chở bảo vệ dạ dày. Khi bị teo niêm mạc dạ dày, bệnh nhân sẽ có triệu chứng tùy theo chức năng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo kinh nghiệm làm việc thực tế của mình cũng như theo nghiên cứu của tác giả Kimura (Nhật Bản), khi bị teo niêm mạc dạ dày, chức năng tiết axit của người bệnh bị ảnh hưởng nhiều nhất nên các triệu chứng liên quan đến vấn đề này thường gặp hơn: khó tiêu, đầy bụng, mau no, ăn không ngon, ợ hơi, cảm giác nghẹn ngực sau ăn, sôi bụng, tiêu phân lỏng sệt. Tuy nhiên một số trường hợp chức năng che chở bị ảnh hưởng trước nên bệnh nhân bị đau bụng vùng trên rốn nhiều và đau nhiều khi ăn chua cay. Dù bị đau nhiều nhưng bệnh nhân luôn than phiền khó tiêu, mau no, đầy bụng, chán ăn.

Bệnh nhân thường bị chẩn đoán lầm là viêm loét dạ dày vì hai lý do sau:

+ Bệnh viêm loét dạ dày cũng có triệu chứng đau bụng và đầy bụng. Nhưng cần chú ý là viêm loét dạ dày sẽ gây đau bụng, ợ chua, chua miệng nhiều hơn bệnh teo niêm mạc dạ dày.

+ 50% trường hợp teo niêm mạc dạ dày có kèm theo viêm dạ dày và việc đánh giá nội soi dạ dày theo phương pháp cũ sẽ khó phát hiện được teo niêm mạc dạ dày mức độ nhẹ và vừa.

Những điều cần lưu ý khi điều trị

* Chế độ ăn uống:

+ Ăn uống sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc.

+ Chia nhỏ bữa ăn (4-5 lần/ ngày).

+ Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế đồ béo.

+ Tránh chất kích thích: trà đậm, rượu bia, gia vị.

* Cần nhấn mạnh là không giống viêm loét dạ dày có tình trạng dư axit nên phải cữ chất chua, với bệnh teo niêm mạc dạ dày thì không nên cữ chua mà còn phải chú ý bổ sung vitamin C trong chế độ ăn. Theo các nghiên cứu, vitamin C giúp các tế bào tái tạo làm hồi phục phần nào tình trạng teo niêm mạc dạ dày. Nhưng việc đưa chất chua và bổ sung vitamin C qua đường ăn uống cho những bệnh nhân bị teo niêm mạc dạ dày phải từ từ và từng ít một vì người bị teo niêm mạc dạ dày rất nhạy cảm với đồ chua, có thể bị đau bụng khi ăn chua nhiều hoặc khi bổ sung vitamin C theo đường uống quá nhiều.

- Không nên tự ý dùng các thuốc chống tiết axit quá nhiều hoặc tự ý tăng liều không theo hướng dẫn của bác sĩ vì có thể làm bệnh teo niêm mạc dạ dày nặng hơn và khó hồi phục.

- Việc điều trị phải kiên trì với sự phối hợp giữa thuốc men tăng cường bảo vệ dạ dày và cách ăn uống sinh hoạt cũng như kiêng cữ. Nếu chẩn đoán và điều trị đúng, triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 1-3 tháng, nhưng để tình trạng teo niêm mạc dạ dày hồi phục thì cần ít nhất một năm và sự hồi phục teo niêm mạc dạ dày chỉ một phần chứ không phải 100%. Do đó sau khi điều trị xong bệnh nhân cần phải chú ý trong chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh bị bệnh tái phát.

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên