05/11/2013 08:45 GMT+7

Liệu pháp tự nhiên trị bệnh hô hấp

ThS.BS MAI VĂN BÔN
ThS.BS MAI VĂN BÔN

TT - Viêm họng, viêm phế quản là hai bệnh rất phổ biến, thường gặp ở trẻ em vào các tháng cuối năm. Do đó, một câu hỏi được nhiều bà mẹ quan tâm là thay vì dùng kháng sinh, các liệu pháp tự nhiên như thảo dược, mật ong... có thể trị những bệnh hô hấp này không?

pa3GFW8S.jpgPhóng to
Tăng thêm sức đề kháng cho trẻ với các món ăn có gừng, hành lá - Ảnh: T.T.D.

Chúng tôi xin lần lượt điểm qua các trị liệu trong điều trị viêm hô hấp do vi trùng sau đây:

Một số biện pháp trị liệu tự nhiên phổ biến

* Thảo dược: những thảo dược thường được dùng là hoa cúc, trà, cải, thường xuân, khuynh diệp, tỏi... Từ trước đến nay, rất ít công trình nghiên cứu y học trên thế giới và cả ở VN khẳng định hiệu quả của những thảo dược trong điều trị viêm hô hấp, đa số được thử nghiệm trên người trưởng thành.

- Hoa cúc: Năm 2004, một nghiên cứu gồm 430 bệnh nhi ở Israel viêm hô hấp 1-5 tuổi, được cho dùng hoa cúc (tên khoa học Echinacea) hòa với sáp ong và vitamin C (gồm 215 bé), với giả dược (215 bé). Kết quả cho thấy liệu pháp can thiệp bằng thảo dược giúp làm giảm số ngày sốt, thời gian kéo dài của bệnh. Tác dụng phụ rất hiếm, nhẹ và thoáng qua.

- Thực vật họ cải: thảo dược này chứa những tinh dầu như mù tạt, có tác dụng kháng khuẩn, thân cây chứa nhiều vitamin C. Nghiên cứu ngẫu nhiên vào tháng 1-2013 tại Đức trên 344 bệnh nhân từ 18-75 tuổi, kết quả cho thấy: những bệnh nhân uống giả dược tỉ lệ nhiễm trùng hô hấp cao gấp đôi so với những người uống thảo dược ba lần/ngày và cao hơn 38% so với nhóm uống thảo dược hai lần/ngày.

- Thường xuân (tên khoa học Hedera helix, thường gọi là ivy): lá và quả có tác dụng long đàm trị ho và viêm phế quản. Lá có thể gây viêm da dị ứng nặng đối với một số người. Do vậy, nên thận trọng khi sử dụng sản phẩm chứa thảo dược này.

- Khuynh diệp (tên khoa học Eucalyptus globulus): có tác dụng sát khuẩn, khử mùi. Dùng một lượng nhỏ trong thuốc ho dạng giọt, thuốc cảm cúm... với tác dụng giảm đau, giảm viêm họng, viêm phế quản và viêm xoang. Thường dùng cho người lớn hoặc trẻ em trên 12 tuổi.

- Tỏi: tỏi nguyên chất có thể tiêu diệt nấm, vi trùng, virút, bào tử, thường dùng ở người trưởng thành. Lưu ý: không nên nhầm lẫn tinh dầu tỏi với dầu tỏi. Tinh dầu tỏi được tinh chế từ tỏi, giống như các loại tinh dầu thảo dược khác, có thể gây độc. Trong khi dầu tỏi được chế biến từ tỏi chiết xuất và được chứa trong dầu.

Ngoài các thảo dược nêu trên, ở VN, một số y văn cho biết những dược thảo như: cam thảo, cát cánh, dâu, gừng, mạch môn, tía tô, tiền hồ... cũng có hiệu quả điều trị viêm họng và viêm phế quản, nhờ tác dụng giảm ho, chống co thắt cơ trơn, chống viêm và chống dị ứng, ức chế sự phát triển của nhiều loài vi khuẩn gây bệnh và long đờm. Phần lớn dùng cho người trưởng thành.

* Mật ong: cũng là phương thuốc tự nhiên trị ho. Mật ong được xem như kháng sinh tự nhiên vì có những tác dụng: thẩm thấu ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể, diệt khuẩn, chống lại quá trình phát triển của vi khuẩn. Một nghiên cứu khác ở trẻ em vào năm 2012 ở Israel cho thấy mật ong có tác dụng giảm ho đêm cho các bé trên 1 tuổi. Nhưng mật ong chứa bào tử của vi khuẩn botulinus, ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, axit trong dạ dày chưa đủ mạnh và miễn dịch chưa hoàn thiện để ngăn cản các bào tử này phát triển thành các vi khuẩn botulism gây ngộ độc chết người.

Không an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi

Phần lớn các công trình nghiên cứu tác dụng của thảo dược và mật ong chỉ thực hiện ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi. Do vậy, việc áp dụng tùy thuộc tình trạng lâm sàng của người bệnh. Bên cạnh đó, theo y học hiện đại, hầu hết thuốc trị ho (do viêm họng và viêm phế quản...) được chỉ định cho trẻ trên 1 tuổi. Các thuốc chứa hoạt chất kháng histamine như alimemazine, chlopheniramin, promethazine, loratadine... đều chống chỉ định dùng cho các bé dưới 1 tuổi. Do đó, phụ huynh không nên tự ý mua tại các nhà thuốc khi bé bị ho. Thông thường, những nhân viên nhà thuốc không có kinh nghiệm lâm sàng và không có chứng chỉ hành nghề y nên không thể bán thuốc đúng để trị bệnh, mà ngược lại dễ gây nguy hại cho bệnh nhân - nhất là các bé dưới 1 tuổi.

Sử dụng kháng sinh để trị bệnh hô hấp tùy thuộc quá trình hỏi bệnh sử, thăm khám kỹ lưỡng và chẩn đoán chính xác trên từng trường hợp bệnh. Nếu các bác sĩ chẩn đoán viêm họng - phế quản, viêm phổi do vi trùng, hoặc đề phòng biến chứng tim, thận, khớp..., có thể dùng kháng sinh dự phòng.

Nếu phụ huynh muốn dùng các liệu pháp tự nhiên để trị bệnh hô hấp cho trẻ, có thể tham vấn thêm với bác sĩ điều trị nhưng nhất thiết là chỉ áp dụng cho bé trên 1 tuổi và tùy từng trường hợp. Một lưu ý quan trọng, các thảo dược khi chế biến phải đảm bảo đã được rửa sạch (loại bỏ các hóa chất, phân bón, bụi...) và liều lượng chính xác.

Phần lớn bệnh viêm họng, viêm phế quản là do siêu vi và theo sau cảm cúm thông thường. Ngoài ra, đa số trường hợp sốt không rõ nguyên nhân ở trẻ em từ 2 tháng đến 3 tuổi bắt nguồn từ virút. Trong đó, adenovirus, phổ biến nhất ở các trường hợp sốt trẻ em, sẽ có khuynh hướng làm bạch cầu tăng cao khi thử công thức máu.

Chỉ một số trường hợp viêm họng là do vi khuẩn, thường gặp nhất là liên cầu khuẩn (Streptococcus) tán huyết bêta nhóm A, cần điều trị kháng sinh. Để xác định chính xác trẻ có bị viêm họng do vi trùng liên cầu này không, có thể dùng que thử phết họng nhanh trong vòng 15 phút, giúp giảm thiểu lạm dụng kháng sinh khi kê toa.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Có đáng lo khi bé thường uống thuốc trị bệnh hô hấp?Ăn nhiều thức ăn nhanh... dễ bị suyễnNhỏ hít khói thuốc lá, lớn dễ bệnh hô hấpTrẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng mạnhCả nhà đổ bệnh do mưa nắng

ThS.BS MAI VĂN BÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên