24/09/2013 04:05 GMT+7

Mắc bệnh "sợ đi học"

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Cứ vào đầu năm học, các bác sĩ tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM lại tiếp nhận nhiều trẻ đến khám với lý do sợ đi học.

Giúp bé thích nghi với trường mầm nonSợ đi học lớp 1

vaMNixqd.jpgPhóng to
Trẻ cần được cha mẹ giúp làm quen với trường lớp trước khi đi học - Ảnh: Như Hùng

Ngày nào cũng vậy, trước mỗi sáng đến trường N.N.L. (7 tuổi, ở TP.HCM) đều bị ói. Có ngày L. ói ngay ở nhà, có ngày ói khi vừa nhìn thấy cổng trường.

Ba mẹ L. thường “chiến đấu” ròng rã cùng con trước khi đến trường. L. từng khóc thét và lặp lại nhiều lần “con ghét đi học”. Tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, em được chẩn đoán bị stress học đường do sợ đi học.

Sau khi trò chuyện với L., bác sĩ tâm lý biết nguyên nhân em sợ đi học là do học kém, cô giáo lại khá nghiêm khắc nên em rất sợ cô la.

Do nhiều nguyên nhân

Mới đây, một bé gái 6 tuổi ở TP.HCM được bà ngoại đưa đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cũng với lý do rất sợ đi học. Bà ngoại bé kể gia đình khá giả nhưng cha mẹ bé không ở cùng nhau nữa.

Bé ở với mẹ và bà nhưng mẹ bận đi công tác suốt. Tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi trò chuyện với bệnh nhi, tìm hiểu nguyên nhân bé sợ đi học, bác sĩ tâm lý phát hiện bé không muốn đi học để “kêu gọi” sự chú ý từ cha mẹ.

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết trẻ sợ đi học thường do nhiều nguyên nhân như từ bản thân trẻ, gia đình hoặc nhà trường.

Trẻ 2-3 tuổi (bắt đầu đi mẫu giáo) và trẻ 6-7 tuổi (học tiểu học) là độ tuổi các bác sĩ thường gặp ở trẻ sợ đi học. Hầu hết trẻ độ tuổi học mẫu giáo sợ đi học là do chưa được chuẩn bị tách mẹ...

Một số trẻ chuẩn bị vào lớp 1 sợ đi học do căng thẳng vì không thể tiếp thu bài trên lớp, trẻ sợ bị cô giáo phạt, trẻ chưa thể theo nội quy của lớp như ngồi yên, nghe cô giảng bài và làm theo yêu cầu của cô hoặc có thể trẻ bị chậm phát triển trí tuệ.

Ngoài ra, còn một số ít trường hợp trẻ sợ đi học là do trẻ chưa sẵn sàng lớn, muốn cha mẹ chú ý, chơi với trẻ nhiều hơn.

Trẻ sợ đi học thường có những biểu hiện như: ngủ nhiều, không muốn thức dậy, không muốn tắm rửa, thay quần áo, chỉ muốn mặc quần áo ở nhà.

Một số trẻ còn có biểu hiện ói, đau bụng, đau đầu, giật mình khi ngủ, bỗng khóc thét khi đang ngủ, luôn bám sát bên mẹ lúc ở nhà... Với trẻ có biểu hiện sợ đi học, cha mẹ thường vất vả “chiến đấu” mới đưa được trẻ đến trường.

Trẻ sợ đi học sẽ đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc đến trường, trong khi cha mẹ ra sức bắt trẻ phải đi học. Kết quả những “cuộc chiến” này là cha mẹ vẫn ép được trẻ đến trường nhưng phần lớn trẻ sẽ rơi vào tình trạng ngày càng sợ đi học.

Càng được bảo bọc, trẻ càng không thích đi học

Khi điều trị tâm lý cho trẻ sợ đi học, các bác sĩ phát hiện đa số những trẻ này là con cưng trong gia đình. Do “cưng” trẻ quá mức nên các bậc cha mẹ chưa chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết cho trẻ trước khi đưa trẻ đến trường.

Chính vì thiếu một số kỹ năng cần thiết khiến trẻ thấy bất an, không theo được nội quy của lớp học và dẫn đến tâm lý sợ đi học.

Bác sĩ Quỳnh Trang cho rằng để chuẩn bị cho trẻ đi học, đầu tiên các bậc cha mẹ cần tập cho trẻ tách dần khỏi mẹ. Cụ thể, khi trẻ còn nhỏ mẹ luôn ôm ấp trẻ, nhưng khi trẻ lớn hơn cần cho trẻ vui chơi với các bạn và những người chăm sóc khác.

Tập cho trẻ cùng cha mẹ chơi với các bạn nhỏ khác tại nhà. Sau đó, tập cho trẻ chơi với người thân, quen trong những môi trường lạ như nhà hàng xóm, công viên...

Tập cho trẻ những kỹ năng như tự xúc ăn, tự ngủ, biết cất đồ chơi. Chỉ khi trẻ làm được số việc tối thiểu trong sinh hoạt cá nhân, tiếp xúc với người lạ, thường chơi ở những môi trường lạ sẽ giúp trẻ dễ dàng đến trường một cách vui thích.

Trước khi đưa trẻ đến trường, cha mẹ chuẩn bị tâm lý cho trẻ bằng cách nói với trẻ “con sắp được đi học” và giới thiệu trước cho trẻ ngôi trường trẻ sắp học.

Thông tin cho trẻ biết trường học là nơi trẻ sẽ được làm quen, vui chơi với nhiều bạn mới, trẻ sẽ được cô giáo yêu thương, dạy nhiều điều hay, đem lại sự háo hức và chờ đợi ở trẻ...

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều bậc cha mẹ lại làm ngược lại. Khi thấy trẻ không chịu ăn hoặc có biểu hiện không ngoan lại dọa đưa trẻ đến trường để cô giáo dạy, không cho trẻ ở nhà nữa.

Cách nói như vậy vô tình làm trẻ có ấn tượng không tốt về trường học cũng như những người sẽ chăm sóc, dạy dỗ trẻ.

Bác sĩ Quỳnh Trang nhấn mạnh để trẻ không sợ đi học, cảm nhận đi học là niềm vui, trẻ cần được cha mẹ chuẩn bị các bước như tách mẹ, tự lập và học hỏi kỹ năng xã hội.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với thầy cô giáo để trẻ được động viên, khích lệ. Đặc biệt, không nên tạo áp lực học tập cho trẻ, cho trẻ học trước chương trình, nhất là trong những năm đầu đi học.

Cho trẻ đi khám

Cần xem mức độ sợ đi học có ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt của trẻ hay không, từ đó mới quyết định có nên cho trẻ đi học tiếp hay tạm nghỉ ở nhà. Nếu trẻ vẫn ăn uống, chơi đùa được, các bậc cha mẹ vẫn nên khích lệ trẻ đi học. Còn nếu trẻ có những triệu chứng ói, sợ hãi, khóc thét, lúc nào cũng kè kè bên mẹ... phải cho trẻ tạm nghỉ học. Trong thời gian tạm nghỉ học, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân điều trị, sau đó mới cho trẻ đi học lại, không nên chỉ cho trẻ tạm nghỉ học mà không có can thiệp sẽ làm trẻ có biểu hiện nặng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên