13/12/2009 17:59 GMT+7

Điều trị bệnh tuyến giáp, phải tái khám thường xuyên

ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG(giảng viên nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM)
ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG(giảng viên nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Tôi đang bị bệnh Basedow, sau một thời gian điều trị bằng thuốc, BS có cho tôi xét nghiệm miễn dịch, kết quả xét nghiệm như sau: FT3: 0.260 pg/ml, FT4: 0.102 ng/dl, TSH: 59.62 uIU/ml và BS chỉ định ngừng uống thuốc. Sau đó 20 ngày tôi đi xét nghiệm lại thì kết quả như sau: FT3: 5.90 pg/ml, FT4: 3.11 ng/dl. TSH: 0.024 uIU/ml.

Tôi xin hỏi tại sao chỉ số TSH qua 2 lần xét nghiệm lại có sự khác biệt lớn như thế? Điều này có ý nghĩa gì? Với kết quả xét nghiệm như trên, tôi nên điều trị bằng thuốc hay bằng phẫu thuật thì hiệu quả hơn?

Kien Huy Duong

- Trả lời của phòng mạch online:

- Bệnh Basedow là tình trạng tuyến giáp bị kích thích quá nhiều bởi những chất do chính cơ thể người bệnh sản sinh ra. Hậu quả của điều này là tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon T3 và T4, gọi là tình trạng cường giáp.

Việc điều trị là nhằm khôi phục mức sản xuất bình thường các hormon T3 và T4 của tuyến giáp. Nhưng nhiều khi các biện pháp điều trị quá mạnh hoặc kéo dài quá lâu hoặc cơ thể đáp ứng quá nhanh làm cho mức sản xuất T3, T4 bị sụt giảm và người bệnh rơi vào tình trạng suy giáp - nghĩa là thiếu hụt hormon giáp.

TSH là một chất được tuyến yên trong não tiết ra. Trong trường hợp cường giáp với tình trạng dư thừa hormon T3, T4 trong máu thì nồng độ TSH sẽ rất thấp. Ngược lại, khi bị suy giáp, nồng độ hormon giáp T3, T4 thấp thì lượng TSH sẽ tăng cao trong máu.

Trường hợp của bạn, kết quả xét nghiệm lần đầu có TSH tăng cao là do việc điều trị đã tác dụng nhiều hơn mong muốn, làm cho lượng hormon giáp bị giảm nhiều, FT3 và FT4 thấp, tương ứng là TSH tăng cao. Lần xét nghiệm thứ hai, sau khi ngưng thuốc một thời gian thì sự sản xuất hormon giáp tăng mạnh trở lại và bạn lại bị cường giáp với FT3, FT4 cao và TSH thấp.

Việc kết quả điều trị không đạt như mong muốn là do đáp ứng của mỗi người bệnh với thuốc rất khó dự đoán chính xác. Do vậy, quá trình điều trị đòi hỏi người bệnh cần tái khám thường xuyên, định kỳ một khoảng thời gian nào đó (thường 4-8 tuần) nhằm điều chỉnh liều lượng thuốc kịp thời.

Điều trị bệnh Basedow, ngoài điều trị bằng thuốc uống còn có hai biện pháp nữa là phẫu thuật và uống iôt phóng xạ. Ngày nay biện pháp phẫu thuật ít được dùng tới, chỉ trong một số trường hợp bướu lớn hoặc không dùng được các biện pháp khác. Cách điều trị bằng iôt phóng xạ đơn giản hơn và được sử dụng ngày càng nhiều.

Việc chỉ định biện pháp điều trị nào thì tùy thuộc tình huống của mỗi người bệnh và lựa chọn của người bệnh. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để có lựa chọn phù hợp với bệnh cảnh của mình. Thân ái.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS TRẦN THẾ TRUNG(giảng viên nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên