26/09/2012 16:24 GMT+7

Cách tính chế độ nghỉ thai sản

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)

TTO - * Tôi đang làm ở một đơn vị hành chính sự nghiệp, lương hệ số 2.34. Tôi sinh con thứ hai, bắt đầu xin nghỉ thai sản từ ngày 1-4-2012, đến ngày 5-8-2012 tôi đi làm lại. Xin hỏi tiền trợ cấp nghỉ thai sản tôi được hưởng là bao nhiêu?

Ngoài ra còn có tiền gì nữa không (tới nay tôi vẫn chưa lãnh được tiền gì cả)?

(hmvan79@... )

- Trả lời:

Điều 28 Luật BHXH quy định: người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp lao động nữ sinh con, với điều kiện phải đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con.

Theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây: 4 tháng nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường.

Theo quy định tại Điều 34 Luật BHXH, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

Điều 35 Luật BHXH quy định người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điều 31 của Luật BHXH thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Theo quy định tại Điều 94 Luật BHXH, trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có); tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.

Theo Điều 17 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo khoản 1 Điều 37 Luật BHXH như sau:

1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con quy định tại Điều 31 Luật BHXH mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên;b) Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;c) Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày:

a) Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; b) Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.

Như vậy, chiếu theo quy định nêu trên, khi sinh con, bạn được hưởng chế độ thai sản như sau: được hưởng 4 tháng lương (trường hợp bạn làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường), với mức lương hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc; (tiền lương tháng được tính trên cơ sở tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

- Được hưởng trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung.

- Ngoài ra, sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH mà sức khỏe của bạn còn yếu, bạn còn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, với mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe như nêu trên.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên