31/05/2014 11:25 GMT+7

Những tiếng thở dài

HỒ CẨM LY
HỒ CẨM LY

TT - Trên dãy ghế dành cho bị hại, người cha một bên, người mẹ một bên. Ủ rũ. Cô con gái 13 tuổi bị thiểu năng trí tuệ ngồi giữa cha mẹ, ngơ ngác xen sợ sệt, ngó quanh căn phòng lạ lẫm, càng lúc càng chật hơn bởi người đến tham dự phiên tòa.

Tàn độc với trẻ con hàng xóm: Nỗi đau không ranh giớiNhững người khốn khổNỗi đau ruột rà

BihRFVUA.jpg

Khi bị cáo xuống từ xe tù, sượng sùng đi ngang qua, cha mẹ bị hại bất chợt nhổm dậy, mặt méo mó căm phẫn. Nhưng thoáng thấy vợ bị cáo cúi đầu, bưng mặt, họ lại thả phịch người xuống ghế, xót xa...

Nhà bị hại và bị cáo ở cùng thôn (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Cha bị hại gọi vợ bị cáo Trần Mậu Quốc là cô họ nên tin tưởng, để con thường xuyên qua nhà Quốc chơi. Không ngờ cháu L.T.K.N. nhiều lần bị “ông Quốc” hiếp dâm. Thấy con có vẻ khang khác, bụng to ra, cha mẹ N. đưa con đến bệnh viện khám. Họ tá hỏa vì N. đang mang thai. Gặng hỏi, N. hồn nhiên kể lại việc “ông Quốc” làm. Quá căm phẫn, bức xúc, cha mẹ N. báo công an. Sau khi N. sinh con, kết quả giám định ADN cho thấy Trần Mậu Quốc (52 tuổi) chính là cha của đứa bé. Bị cáo bị đưa ra TAND tỉnh Quảng Trị xét xử về tội “hiếp dâm trẻ em”.

Không thể cứu vãn

Phòng xét xử chật kín, hầu hết là họ hàng hai bên, người trong làng tham dự. Không khí lặng lẽ, nặng nề. Cha mẹ bị hại ném ánh mắt bức bối về phía bị cáo. Bị cáo hết cúi mặt lại dán mắt lên bức tường phía trước. Không làm gì nên tội, nhưng vợ và con trai (khoảng 20 tuổi) của bị cáo phải kiếm một góc khuất phía cuối phòng xét xử, len lén chẳng dám nhìn ai, cúi đầu, bưng mặt. Họ hàng hai bên người này thở dài, người kia thở dài trước sự việc không thể cứu vãn.

Tòa yêu cầu bị cáo khai hành vi phạm tội. Bị cáo lớ quớ: “Tất cả đều đúng như cáo trạng”. Tòa phải đặt từng câu hỏi ngắn, theo đó bị cáo thừa nhận có “quan hệ” với N. hai lần. Tòa hỏi bị cáo suy nghĩ như thế nào mà đang tâm làm hại một đứa bé, lại là bà con, gọi mình bằng ông? Bị cáo chỉ biết cúi gằm mặt xuống vành móng ngựa, không trả lời. Cha mẹ bị hại không kìm nén được nước mắt phẫn uất.

Đến lúc tòa hỏi bị hại, N. sợ sệt khóc thét lên. Cha mẹ phải vỗ về, trấn an con. Lại trào nước mắt. Cay đắng, xót xa khiến mặt họ càng thêm bơ phờ, hốc hác. Một người bà con của bị hại phân trần: “N. chỉ quen quanh quẩn trong thôn, đến nơi lạ lẫm và phải trả lời nhiều câu hỏi của người lạ (tức hội đồng xét xử), nên sợ hãi. Tội nghiệp!”.

Tòa hỏi cha mẹ bị hại yêu cầu tăng nặng hay giảm nhẹ mức án cho bị cáo? Cha bị hại im lặng khá lâu. Cuối cùng, ông nặng nhọc nói: “Đề nghị tòa xử theo pháp luật”. Mẹ bị hại cũng đồng ý với ý kiến của chồng. Bà buồn bã: “Vợ chồng tui bận ruộng vườn, biết con thường chơi ở nhà o (cô) chồng nên rất yên tâm. Ai ngờ... Một đứa trẻ con bị thiểu năng, lại là cháu chắt, mà ông ta nỡ làm bậy như rứa, thật phẫn uất! Thật lòng gia đình tui không hề muốn giữ lại cái thai, nhưng đã quá lớn không thể bỏ được. Mỗi ngày nhìn bụng con một lớn hơn, nỗi phẫn uất của gia đình tui càng lớn theo. Vợ chồng rã rời bỏ công bỏ việc, suốt thời gian dài không làm lụng chi được. Muốn ông ta bị trừng trị thật nặng, ngặt nỗi ông ta lại là chồng của o chồng tui. Ông ta làm như rứa, o cũng đã đau đớn ê chề lắm rồi. Đề nghị xử nặng ông ta thì càng tội nghiệp o. Nhưng cứ nghĩ đến con, vợ chồng tui không thể nào mở nổi miệng xin giảm nhẹ cho ông ta được. Không còn cách nào khác, thôi thì phải nhờ tòa xử theo pháp luật”.

Đau

Được nói lời sau cùng trước lúc tòa tạm nghỉ để nghị án, ông Quốc không xin giảm nhẹ hình phạt, chỉ lắp bắp “tôi có tội” rồi chậm chạp rời vành móng ngựa, trở về ngồi ghế bị cáo, không lần nào dám ngoảnh tìm người thân. Vẫn ngồi như bị chôn trên chiếc ghế phía cuối phòng xét xử, vợ bị cáo rầu rĩ tâm sự bà rất ê chề. Giận nhưng cũng tội nghiệp chồng. Nghĩ cho cùng, từ trước tới nay chồng bà không làm điều gì sai trái, cũng chịu cực chịu khổ lao động, nuôi con. Chỉ vì không kìm nén được dục vọng xấu xa chốc lát mà gây nên tội. Không dám đến gần chồng an ủi, bởi làm thế bà cảm thấy có lỗi với gia đình bị hại và ngại ngùng với bà con trong thôn.

Nhiều người nói bị cáo gây ra tội thì phải chịu tội. Còn bây giờ hai mẹ con nên đến với ông ấy một chút. Ông ấy vô tù rồi, khó lòng đi thăm... Lúc đó vợ và con trai bị cáo mới lầm lũi đi qua nhiều dãy ghế, đến ngồi cạnh chồng, cha. Người đàn ông tội lỗi bật khóc. Không một chữ một câu nào thốt ra, nhưng nhiều người dự phiên tòa “đọc” được từ bị cáo nỗi ân hận, hối tiếc muộn màng. Tòa tuyên án, phạt bị cáo 20 năm tù. Mặt tái ngắt, bị cáo vội vã ngoái lại, run run dặn con trai trước lúc bị công an giải ra xe tù: “Con về coi có đám mô ưng thì lấy vợ, sinh con, cùng nhau làm ăn. Ba như ri rồi, đừng trông chờ chi ba nữa...”. Mắt cậu con trai mờ nước. Vợ bị cáo như co rúm người lại. Cha mẹ bị hại dẫn con nặng nhọc bước ra khỏi phòng xét xử. Có lẽ dù bị cáo phải ngồi tù 20 năm cũng không khiến họ nhẹ lòng được chút nào.

Hai ngày sau phiên tòa, chúng tôi tìm đến xã Vĩnh Thạch. Nhà bị hại cuối con đường dài hút, phải nhiều lần hỏi đường, qua nhiều lần rẽ mới đến được. Ngôi nhà xây thô chưa tô trét, buồn bã. Tịnh không có dấu vết nào của đứa trẻ mới sinh. Không tã lót nơi dây phơi, không tiếng khóc... Đứng thơ thẩn góc sân, cạnh người cha đang làm vườn, thấy khách lạ, N. vội vàng vào bếp. Cha N. nở nụ cười gắng gượng rồi tiếp tục công việc. Dường như ông muốn lảng tránh câu chuyện đau lòng. Mẹ N. rót nước mời khách. Khi được hỏi về đứa con của N., bà nói gì đó không rõ nhưng chúng tôi cũng kịp nhận thấy những cảm xúc khác nhau giằng xé khiến gương mặt bà đờ đẫn. Lúc sau, bà “lạc đề”: “Người gây ra tội thì đã trả giá. Vậy nên khoản tiền trước đây hai bên thỏa thuận lo cho cháu sinh nở, bồi thường tổn thất tinh thần... bị cáo chưa trả, nay gia đình tui cũng không muốn nhắc tới nữa. O có gây ra tội mô mà bắt o bồi thường. Mà o cũng “rách” lắm...”. Người bà con với gia đình bị hại góp chuyện: “Nhà đó (bị cáo) bốn đứa con, là hộ nghèo của xã. Tài sản đáng giá là hai con bò để đi cày, bán đi coi như cụt tay. Vậy nên hắn (cha bị hại) cũng không muốn o bán bò, phải lâm vào cảnh khốn cùng hơn nữa”.

Ngôi nhà nhỏ xíu, xập xệ của gia đình bị cáo cửa đóng im lìm. Cảm giác hoang tàn lạnh lẽo dù đang giữa trưa gay gắt nắng. Hàng xóm sống cạnh cho hay từ lúc chồng bị bắt, người vợ càng trằn lưng ngoài ruộng mới mong đắp đổi qua ngày. Và có lẽ đó cũng là cách người phụ nữ khốn khổ trốn chạy nỗi ê chề, dù gia đình bị hại và người trong làng không ai trách bà.

HỒ CẨM LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên