27/03/2014 07:30 GMT+7

Trên nhiệt tình, dưới lình xình

LAN ANH
LAN ANH

TT - Các văn bản, chính sách để thực thi Luật phòng chống bạo lực gia đình rất đầy đủ, nhưng hỏi cấp thực thi thì rất ít người hiểu rõ về luật và thực thi luật. Rất thiếu biện pháp hỗ trợ ngăn chặn hành vi bạo lực từ khi nó mới ở cấp độ nhẹ, có thể ngăn chặn, đó là nguyên nhân chính khiến những vụ việc bạo hành trẻ em, bạo hành phụ nữ tại gia đình ngày càng nổi cộm.

Mất bao tiêu 20kg, cha đánh ba con gái, một cháu chếtMất trộm bao tiêu, cha đánh con gái tử vongBạo hành đã kéo dài nhiều năm

Wpj90nkX.jpg
Di ảnh bé gái ở Đắk Lắk bị cha đánh chết - Ảnh: Duy Hậu

Đó là ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên.

Lình xình ở cấp thực hiện

Chỉ trong ba tháng qua đã xảy ra hàng loạt vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng tại gia đình gây bức xúc dư luận. Gần nhất là ngày 18-3, bé Đỗ Doãn Lộc (8 tuổi, ở Bắc Ninh) bị cha đẻ đánh bằng điếu cày đến chấn thương sọ não, đã chết sau ba ngày điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Trước đó, đúng ngày đầu tiên của năm mới 2014, bé gái (12 tuổi ở Đắk Lắk) cũng bị cha đánh đến chết sau khi gia đình bé bị mất trộm một bao tiêu 20kg. Hai em của bé gái này cũng bị thương nặng sau trận đòn của cha. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp trẻ bị bố mẹ, cậu ruột, chú... đánh sưng mặt sưng mày, cho uống thuốc ngủ và bắt đi ăn xin, gây công phẫn cho xã hội.

“Chúng tôi đi giám sát ở mấy xã, hỏi đến việc thực hiện quy định trong Luật phòng chống bạo lực gia đình thì họ đều không biết hoặc biết rất ít. Ví dụ như quy định xã phường phải thông báo danh sách địa chỉ tin cậy cho người bị bạo lực tạm lánh, hay hằng năm đều phải công bố số liệu về bạo lực gia đình trong báo cáo kinh tế - xã hội cho kỳ họp HĐND, nhưng rất ít địa phương làm. Bộ luật này rất đặc biệt nên có quy định cụ thể 7-8 điều ở cấp xã phường phải làm, nhưng họ có làm đâu dù văn bản hướng dẫn của Chính phủ, bộ ngành rất đầy đủ, giờ chỉ có thiếu hướng dẫn cai nghiện rượu của Bộ Y tế nữa mà thôi” - ông Tiên cho biết khi vừa kết thúc chuyến giám sát thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình ở Quảng Ninh, Tiền Giang và Bến Tre.

Theo ông Hoa Hữu Vân - phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, tổng kết năm năm thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình (năm 2012) thì có đến 90% người được hỏi biết Luật phòng chống bạo lực gia đình, nhưng từ “biết” đến “hiểu” luật là cả một khoảng cách vì trong số đó chỉ có trên 60% trả lời có hiểu luật. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực gia đình như vụ bé Đỗ Doãn Lộc bị cha đánh tới chết vừa rồi, hỏi Công an TP Bắc Ninh thì họ cho biết chưa bao giờ nghe báo cáo về trường hợp này, mặc dù họ nói “cứ đến khu nhà cháu ở P.Tiền An, TP Bắc Ninh thì dân phố sẽ kể cháu Lộc rất hay bị bố đánh. Trước trận đòn đến chết, cháu đã bị bố đánh và phải đi khâu mấy mũi, đến trận đòn chí mạng hôm 14-3 (sau đó cháu tử vong) thì mấy mũi khâu ấy còn chưa cắt chỉ”! Nhưng đáng tiếc đã không có bất kỳ sự can thiệp nào từ các cấp chính quyền địa phương, công an, lối xóm để hỗ trợ cháu bé đáng thương, dẫn đến cái chết oan nghiệt với cậu bé mới 8 tuổi đầu.

Thiếu hỗ trợ ngăn bạo lực gia đình

Số liệu của đường dây nóng hỗ trợ trẻ em 18001567 (trực thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cho hay riêng trong năm 2013, đường dây đã nhận được khoảng 1.000 cuộc gọi đề nghị hỗ trợ tâm lý, can thiệp giải quyết bạo lực gia đình với trẻ em, trong số này có 200 trường hợp những người phụ trách phải can thiệp giải quyết, kết nối đưa trẻ đến nhà tạm lánh hoặc điều trị tâm lý cho cháu bé.

Tuy nhiên theo bà Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội), những đường dây như thế này còn quá ít so với nhu cầu. “Thử hỏi có bao nhiêu trẻ em ở Hà Nội biết đến đường dây này? Chúng ta phải giáo dục cho trẻ biết cách gọi đến công an, đường dây nóng nhờ trợ giúp nếu gặp bạo lực gia đình. Hệ thống dịch vụ trợ giúp, công an cũng phải sẵn sàng khi nhận đề nghị hỗ trợ từ các cháu bé” - bà Hồng phân tích. Nhưng theo ông Vân, dường như sự gắn bó cộng đồng trong xã hội ngày nay đã phai nhạt, “đèn nhà ai nấy rạng”, và với chuyện trong gia đình nhà khác thì họ cũng không can thiệp vì sợ phiền hà. Rộng hơn là chính quyền thôn, xã, ấp cũng có suy nghĩ như vậy và rất chậm trễ trong can thiệp ngăn chặn bạo lực xảy ra với trẻ.

Theo ông Hoa Hữu Vân, trong chiến lược quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đang xây dựng đề án đưa nhân viên xã hội về làm việc tại các phường xã, ít nhất mỗi phường xã có một nhân viên xã hội. “Tôi nghe thông tin hiện nay có đến hàng ngàn nhân viên xã hội, nhưng tôi đi các địa phương thì không thấy ở đâu có, việc hỗ trợ tâm lý, chống khủng hoảng, phòng chống bạo lực gia đình khi mới ở giai đoạn manh nha đang là một khoảng trống mênh mang. Kể cả những vụ việc nổi cộm như mẹ buộc tay vào hai con nhỏ rồi tự tử như vừa rồi, nếu có người hỗ trợ tâm lý cho bà mẹ thì rất có thể kết cục đã khác nhiều” - ông Vân cho biết.

Nên “quy trách nhiệm”

Tôi nhớ ở vụ gia đình bán phở đánh người giúp việc tại Thanh Xuân, Hà Nội (gia đình ông Đức - bà Phương đánh em Nguyễn Thị Bình là người giúp việc trong gia đình - PV), cả công an khu vực, cả chủ tịch phường đều bị kỷ luật. Đây là vụ việc rõ ràng, thời gian em Bình bị đánh kéo dài, chính quyền không có can thiệp, việc quy trách nhiệm và xử lý cán bộ là thích đáng.

Theo tôi, nên quy trách nhiệm như vậy ở tất cả các vụ việc tương tự khác, như thế cũng là nâng tầm trách nhiệm của người thực thi luật tại địa phương. Những yêu cầu như đường dây nóng hỗ trợ, nhà tạm lánh, nhân viên xã hội thật ra không thiếu, trong luật quy định trạm y tế, UBND có thể là nhà tạm lánh, nhân viên xã hội có thể là cán bộ phụ nữ, cán bộ đoàn thể ở địa phương nếu họ có kỹ năng, nhưng vấn đề là người ta có thực hiện hay không? Trong các vụ án có người liên quan là trẻ em, như kiểu bố mẹ bị xử tù hoặc ly hôn, nếu có người am hiểu tâm lý trẻ đến hỗ trợ thì rất tốt. Chúng ta đang rất thiếu biện pháp ngăn chặn tội ác với trẻ, dù luật đã có đủ.

Ông NGUYỄN VĂN TIÊN (phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội)

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên