27/06/2013 07:57 GMT+7

Sao không bắt giam bị can?

H.ĐIỆP
H.ĐIỆP

TT - Đó là câu hỏi của một nạn nhân bị một người khác gây thương tích tới 13%, khiến nạn nhân này phải sống trong lo sợ, bỏ nhà đi thuê chỗ ở khác.

oDFeAOXS.jpgPhóng to
Nạn nhân Võ Lê Tấn Cường - Ảnh: H.Điệp

Nạn nhân sống chung với người gây án trong một căn biệt thự. Họ có quan hệ họ hàng xa với nhau, nhưng chỉ không hài lòng nhau bởi chuyện nuôi chó mà ông chú dùng hung khí gây thương tích cho cháu.

Từ chuyện con chó

Anh Võ Lê Tấn Cường (22 tuổi) - sinh viên khoa thiết kế đồ họa Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM) - chìa bàn tay phải với ngón trỏ co quắp cùng vết sẹo dài, nói: “Tôi học thiết kế đồ họa nhưng từ khi bàn tay bị ông chú chém đến nay thì việc học hành gặp khó khăn lắm, ngón tay trỏ không thể sử dụng chuột để điều khiển máy tính”.

Ông Võ Trường Toản (bố của nạn nhân Cường) kể: gia đình ông cùng năm gia đình khác (tổng cộng hơn 30 nhân khẩu) sống trong một căn biệt thự cũ tại 140 Nguyễn Văn Trỗi (P.8, Q.Phú Nhuận) từ nhiều năm trước. Những người sống trong căn biệt thự này đều có quan hệ họ hàng xa gần. “Lúc đầu thì ít, nhưng sau này nhiều người nên mỗi hộ là một căn phòng, có sử dụng chung lối đi. Trong số các hộ, gia đình tôi cùng một số gia đình khác có nuôi chó” - ông Toản nói. Việc gia đình ông Toản nuôi chó gây khó chịu cho ông Lâm Hoàng Dũng - người cùng sống trong biệt thự. “Dũng thường tỏ ra bực bội mỗi khi chó nhà tôi sủa. Thậm chí con chó nhà tôi và chó nhà Dũng gầm gừ nhau cũng khiến ông ấy tức giận” - ông Toản cho biết.

Ngày 4-1-2013, khi anh Võ Lê Tấn Cường dắt chó đi vệ sinh thì gặp ông Dũng cũng dắt chó đi vệ sinh. Hai con chó nhìn thấy nhau và gầm gừ, khiến ông Dũng lấy xích đánh chó, dẫn đến chuyện anh Cường và ông Dũng cự cãi và gây gổ nhau. “Bị ông Dũng hành hung, tôi đã dùng tay đấm ông Dũng khi còn ở ngoài đường. Sau đó ông Dũng về nhà lấy kiếm chém tôi, gây ra vết thương lớn ở hai bàn tay” - anh Cường nói.

Công an ra lệnh bắt, viện kiểm sát bác

Do bị thương, anh Cường phải vào bệnh viện điều trị hai đợt, tổng chi phí lên tới gần 40 triệu đồng. Gần hai tháng sau vụ bị hành hung, anh Cường được cơ quan điều tra đưa đi giám định vết thương. Tại bản kết luận giám định ngày 5-3 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Phú Nhuận ghi rõ: “Mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây ra là 13%”.

Từ bản kết luận giám định này, ngày 4-4 Cơ quan điều tra Công an Q.Phú Nhuận ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” đối với ông Lâm Hoàng Dũng, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam bị can Lâm Hoàng Dũng, nhưng lệnh tạm giam không được Viện KSND Q.Phú Nhuận phê chuẩn.

Cho tới giờ anh Cường vẫn không rõ vì sao ông Dũng chưa bị bắt. “Cơ quan điều tra Công an Q.Phú Nhuận cho biết ngày 23-4 cơ quan này đã ra lệnh bắt tạm giam ông Dũng về hành vi cố ý gây thương tích nhưng Viện KSND Q.Phú Nhuận không phê chuẩn. Tôi đã gửi đơn khiếu nại tới Viện KSND Q.Phú Nhuận và Viện KSND TP.HCM đề nghị họ bắt tạm giam bị can nhưng không thấy họ trả lời” - anh Cường cho hay.

Theo anh Cường, anh rất sợ hãi khi phải tiếp tục sống chung cùng ông Dũng trong một biệt thự, nên phải đi thuê nhà nơi khác để ở. “Lâu nay tôi phải ăn cơm hộp, ngủ một mình trong căn phòng trọ” - anh Cường tâm sự.

Những người có trách nhiệm nói gì?

Theo ông Lưu Đức Quang - viện phó Viện KSND Q.Phú Nhuận, sở dĩ không phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra là bởi xét thấy hành vi của ông Lâm Hoàng Dũng không gây nguy hiểm cho xã hội, trong suốt quá trình điều tra ông Dũng cũng hợp tác rất tốt và không bỏ trốn. Ông Quang còn nói: “Theo cơ quan điều tra, một bên cầm gậy, một bên dùng kiếm và đã có va chạm từ trước rồi mới giằng co cây kiếm, làm tổn thương tay của anh Võ Lê Tấn Cường. Về việc anh Cường cung cấp thông tin trước đây ông Lâm Hoàng Dũng từng bị đi tù thì trong hồ sơ cũng thể hiện điều đó. Tháng 4-2004, ông Lâm Hoàng Dũng đã bị TAND Q.Phú Nhuận kết án 4 năm vì tội liên quan đến ma túy nhưng đã được xóa án tích”.

Trong khi đó, thượng tá Trần Văn De - phó trưởng Công an Q.Phú Nhuận - lại cho rằng với việc anh Cường bị thương tích 13% là đủ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. “Hiện đối tượng hành hung và nạn nhân sống cùng trong một số nhà, một địa điểm, rất có thể bị can Dũng gây nguy hiểm và gây sự sợ hãi cho nạn nhân, nên chúng tôi thấy cần thiết phải ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Dũng, nhưng viện kiểm sát không phê chuẩn thì không thể bắt tạm giam bị can” - thượng tá De giải thích.

Hôm qua (26-6), thượng tá Trần Văn De đã ra thông báo kết thúc điều tra vụ án hình sự và chuyển hồ sơ sang Viện KSND Q.Phú Nhuận đề nghị truy tố bị can Lâm Hoàng Dũng về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự (có thể bị phạt giam từ 2-7 năm tù).

Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Nên tạm giam bị can

Bắt người, tạm giữ, tạm giam người là những biện pháp cưỡng chế cần thiết do các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo. Theo điểm b khoản 1 điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự thì việc tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can trong trường hợp bị can phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Như vậy, khi bắt bị can để tạm giam phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội và thái độ của họ khi và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Với trường hợp nêu trên, bị can Lâm Hoàng Dũng sử dụng hung khí nguy hiểm (kiếm) gây thương tật cho nạn nhân tới 13%. Tôi chưa rõ sau khi gây thương tích cho anh Võ Lê Tấn Cường thì ông Dũng có đe dọa nạn nhân hay không, nhưng việc anh Cường hoảng loạn phải đi thuê nhà khác để ở là một vấn đề rất đáng phải lưu ý. Theo tôi, để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tránh trường hợp xung đột do gia đình bị can và bị hại gần nhau, tạm giam bị can Lâm Hoàng Dũng là việc nên làm.

H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên