21/06/2011 08:27 GMT+7

Phòng chống bạo lực gia đình: Tòa án vẫn chưa vào cuộc

Luật gia PHẠM THÁI QUÝ
Luật gia PHẠM THÁI QUÝ

TT - Một nội dung quan trọng của Luật phòng chống bạo lực gia đình (Quốc hội khóa XII ban hành ngày 21-11-2007) là các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phòng chống bạo lực gia đình.

Mặc dù đã có hành lang pháp lý để thực hiện các biện pháp phòng chống, tuy nhiên trên thực tế hành vi bạo lực gia đình không những không giảm mà có chiều hướng ngày càng gia tăng, tính chất hành vi và hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Theo thống kê của một số tòa án địa phương, số vụ án ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình hằng năm chiếm trên 60%. Ngoài ra, còn có những vụ án người trong cuộc không khai thật mà ẩn dưới lý do “tính tình không hợp”.

Thực tế cho thấy mâu thuẫn giữa vợ chồng lên cao nhất là thời điểm một trong hai người yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn. Trong những trường hợp người vợ yêu cầu ly hôn do chồng nghiện ngập ma túy, rượu bia hoặc có bản tính côn đồ thì đây là giai đoạn đầy nguy hiểm đối với người vợ.

Thực tế đã có quá nhiều vụ án đau lòng xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của phụ nữ và trẻ em xảy ra trong giai đoạn tòa án giải quyết việc ly hôn.

Tại điều 21 của Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định: “Tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá bốn tháng khi có đủ các điều kiện:...

Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình...

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện tương tự quy định của pháp luật tố tụng dân sự về các biện pháp khẩn cấp tạm thời”.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó nên Luật phòng chống bạo lực gia đình đã quy định: trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tòa án phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.

Mặc dù luật này đã có hiệu lực thi hành gần ba năm nhưng đến nay nhiều thẩm phán vẫn chưa biết đến quy định này.

Trong vai người nhà của nạn nhân bạo lực gia đình, chúng tôi đã hỏi một số thẩm phán về trường hợp tòa án đang giải quyết việc ly hôn mà người vợ bị chồng đánh đập và có nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tính mạng thì phải làm gì, các thẩm phán đều trả lời là yêu cầu chính quyền địa phương và cơ quan công an bảo vệ mà không biết rằng tòa án có trách nhiệm giải quyết.

Có nhiều vụ án đương sự khai thường xuyên bị chồng đánh đập, thậm chí còn bị đe dọa đánh đập, xâm phạm tính mạng của vợ con ngay tại trụ sở tòa án nhưng các thẩm phán vẫn ngoảnh mặt làm ngơ mà không thông báo hoặc yêu cầu các cơ quan có chức năng bảo vệ.

Đơn cử như vụ án cha dùng xăng đốt con 3 tuổi vừa xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa. Tại phiên tòa TAND huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) xử vụ án ly hôn giữa chị Lê Thị Hà với Vũ Văn Quang vào ngày 21-4-2011, Quang đã đổ xăng lên người con là Vũ Quốc Linh dọa sẽ thiêu cháy bé nếu tòa xử cho chị Hà được ly hôn.

Mặc dù phiên tòa được hoãn lại nhưng sau đó tòa án đã không áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ cháu Linh theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình, để rồi đến ngày 27-4 Quang đã thực hiện lời đe dọa: đốt bé Linh.

Điều đáng nói nữa là theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình đã viện dẫn ở trên thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người thực hiện hành vi và nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện như việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.

Do Bộ luật tố tụng dân sự ban hành trước Luật phòng chống bạo lực gia đình nên trong số các biện pháp khẩn cấp tạm thời không có biện pháp cấm tiếp xúc. Thế nhưng khi TAND tối cao soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự trình Quốc hội khóa XII vừa thông qua mới đây cũng không bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời này.

Để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hành vi bạo lực gia đình thì các cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức cần phải có tinh thần trách nhiệm để chủ động vào cuộc, chứ có luật rồi để đấy thì ban hành luật cũng như không vì bản thân luật không thể tự đi vào cuộc sống.

Luật gia PHẠM THÁI QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên