01/04/2004 08:51 GMT+7

Không chứng minh được thì bị cáo... phải chịu (!?)

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT - Hôm qua 31-3 tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) trình bày quan điểm nhưng đã tận dụng qui định của Bộ luật tố tụng hình sự “không đối đáp hai lần cùng một vấn đề”, nên đã không tranh luận nhiều vấn đề mà luật sư và bị cáo nêu lên...

Đại diện VKS “giữ nguyên quan điểm”

Trong lần đối đáp thứ nhất, VKS phản bác: “Luật sư cho rằng bị cáo Oanh không thể rút tiền ra chiếm đoạt chỉ đúng khi doanh nghiệp làm ăn đúng đắn, còn ở vụ án này giám đốc Oanh trực tiếp nắm tiền, chi tiêu thế nào không giải trình được thì nay bị cáo phải chịu trách nhiệm”.

Được tòa cho tự bào chữa, Oanh xin hội đồng xét xử (HĐXX): “Nếu được tiếp tục làm xong dự án ở Lạc Long Quân thì bị cáo dư sức trả nợ các khoản vay ngân hàng”.

Kiểm sát viên Đào Hữu Đăng cho biết ngay: khi Oanh bị bắt, dự án mới chỉ dừng ở giai đoạn Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội “giới thiệu địa điểm làm dự án”. Còn các công trình 120 Quán Thánh, 164 Trần Quang Khải... không được xem xét để trả nợ cho Công ty Tiếp thị, theo đại diện VKS, vì tài sản này “nằm trên đất do Nhà nước quản lý”, ngay Tổng công ty Vật tư nông nghiệp cũng không có quyền định đoạt mà đang phải xin ý kiến Chính phủ.

Quá trình tranh luận, đại diện VKS “phê bình” người bào chữa cho bị cáo Huỳnh Xuân Hoàng đã “nhầm lẫn” khi cãi về công văn 99 (do ông Hoàng ký nháy để Công ty Tiếp thị xin vay tại Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Nội). VKS đưa lý do “phần này án sơ thẩm không qui kết bị cáo” do ngân hàng chưa cho vay, vì vậy chính bị cáo Hoàng khi tự bào chữa lại phải “thanh minh” cho luật gia của mình.

Ngược lại, các luật sư Chu Khang, Nguyễn Trọng Tỵ (bào chữa cho Oanh), Trần Thị Phương Đức (bào chữa cho Thuần), Hà Đăng (bào chữa cho Quán, Nghĩa) đều “chê trách” cách đối đáp “hết sức chung chung” và “không viện dẫn các căn cứ, điều luật cụ thể” của đại diện VKS tối cao; đồng thời yêu cầu HĐXX lưu ý “những gì luật sư nêu ra mà VKS không tranh luận, nghĩa là VKS đã đồng ý...”.

Nhiều “hạt sạn” trong quá trình tố tụng?

“Không hiểu luật gia Trần Đình Triển lấy biên bản giám định ở đâu ra, vì trong hồ sơ thể hiện rõ là kết luận giám định...” - đại diện VKS thắc mắc, đồng thời băn khoăn “luật gia có đọc đầy đủ kết luận giám định này chưa?”. Đáp lại, luật gia Trần Đình Triển lập tức công bố và gửi HĐXX một văn bản biên bản giám định tài chính với người giám định là ông Lại Đăng An (giám định viên tại phiên tòa).

Theo ông Triển, thứ nhất, biên bản này giống như một cáo trạng buộc tội hơn là một bản giám định, với cách sử dụng nhiều từ ngữ rất nặng như “lỗ”, “coi như lỗ” tới con số hàng chục tỉ đồng khi xem xét tình hình Công ty Tiếp thị. Không chỉ là biên bản “không đúng pháp luật”; thứ hai, luật gia tiết lộ “trong vụ án này có tới một biên bản và một kết luận giám định riêng rẽ với cùng một người thực hiện (ông Lại Đăng An)”.

Người bào chữa cho bị cáo Hà nghi ngờ “đây rất có thể cũng là một... vụ án” cần phải điều tra, làm sáng tỏ.

Trong phần tự bào chữa và nói lời sau cùng, Lã Thị Kim Oanh vừa khóc vừa “cò kè” xin HĐXX chấp nhận từng khoản chi một. Đáng lưu ý, bị cáo “chợt nhớ ra” hai khoản: khoản 250 triệu đồng khi cùng kế toán trưởng Thuần “vác một bao tải tiền lên chi cho Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc”; khoản nữa gần 1,5 tỉ đồng chi hội thảo, hội nghị, chiêu đãi chuyên gia, lễ tết các sếp ở các cơ quan hữu quan Hà Nội để làm dự án ở Đại Mỗ-Tây Mỗ (Từ Liêm).

Hai bị cáo Nguyễn Quang Hà, Phan Văn Quán vẫn khẳng định bản thân “không có tội”, còn những bị cáo khác chỉ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.

Theo thông báo của chủ tọa, HĐXX sẽ nghị án hai ngày và công bố phán quyết cuối cùng vào sáng thứ hai (5-4).

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên