25/09/2013 07:23 GMT+7

"Lo cho Nha Trang..."

DUY THANH
DUY THANH

TT - Ông Lê Duy Hưng - chuyên gia cao cấp, Ban phát triển đô thị Ngân hàng Thế giới (WB) - đã lặp lại nhiều lần câu nói ấy tại cuộc họp với UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 24-9 về dự án Cải thiện môi trường các TP duyên hải - tiểu dự án Nha Trang.

Dự án cải thiện môi trường gây... ô nhiễmHuế: dự án trọng điểm vẫn nằm chờ

gncaXljJ.jpgPhóng to
Hệ thống cống thoát nước trên đường 22, P.Phước Hải, TP Nha Trang (Khánh Hòa) nổi hẳn lên đường khiến người dân lo ngại phải sống với lụt lội mỗi khi mưa - Ảnh: Duy Thanh

“Ba mảng của dự án là tiến độ, giải ngân và chất lượng, WB đều rất lo cho Nha Trang...” - ông Hưng nói.

Lo về chất lượng, an toàn dự án

Bà Lý Ngọc Dung, giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang (tiểu dự án Nha Trang), cho biết đến tháng 9 đã giải ngân được hơn 36,6 triệu USD trong tổng số gần 72,3 triệu USD mà WB tài trợ, chiếm khoảng 50,6%. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân thêm khoảng 7 triệu USD và nỗ lực để đến ngày 31-11-2014, thời hạn đóng tài khoản tín dụng, giải ngân hết vốn của WB.

Cũng theo bà Dung, tiến độ sáu gói thầu xây lắp chủ yếu của dự án đều chậm, trong đó chậm nhất là gói thầu Nhà máy xử lý nước thải phía Nam mới đạt 44% tiến độ; gói thầu xây dựng tuyến cống chung mới đạt gần 63% tiến độ... Ngoài ra, dự án còn gặp nhiều vướng mắc như: chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 500m cống bao, chậm xây dựng khu tái định cư để dời dân lấy mặt bằng làm dự án, nhiều dự án khác không triển khai đồng bộ khiến cao độ cống ở một số tuyến đường nhô hẳn lên nền đường...

Ông Lê Duy Hưng cho rằng sáu năm qua, tiểu dự án tại Nha Trang chỉ giải ngân được một nửa số tiền tài trợ của WB, một nửa còn lại giải ngân trong vòng hơn một năm tới là “vấn đề rất lớn”. “Nhưng cái lo lớn nhất là chất lượng và an toàn dự án. Đến giờ phút này tiểu dự án đã có một số sự cố xảy ra, tuy không lớn lắm nhưng sắp tới có thể có nhiều việc nữa. Do vậy, chúng tôi yêu cầu chất lượng và an toàn thì không thể thỏa hiệp” - ông Hưng thẳng thắn. Ông Hưng đặt vấn đề: “Hầu hết thiết bị của tiểu dự án Nha Trang đến tháng 12-2013 mới về. Từ đó đến tháng 11-2014 có lắp đặt và chạy thử thành công? Các đơn vị đều hứa là xong cả, nhưng nói thật tôi thấy rất khó khăn...”.

Bà Lý Ngọc Dung cam kết chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, đôn đốc, siết chặt tiến độ và chất lượng thi công các gói thầu của dự án để đến tháng 9-2014 là xong phần xây lắp và đến 30-11-2014 hoàn thành dự án.

Ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của dân

Như Tuổi Trẻ nhiều lần phản ánh, dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP Nha Trang chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư những nơi triển khai thi công. Đó là tình trạng đào bới lòng đường nhưng chậm hoàn trả mặt đường gây khó khăn trong giao thông, làm ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập lụt cục bộ nặng nề ở nhiều tuyến phố sau những trận mưa...

Đoàn công tác của WB trong các ngày 23 và 24-9 đã đi kiểm tra công trường và cho biết còn những tồn tại trong thi công, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bà Lâm Thị Mai Lan - tư vấn của WB - cho biết: “52 hộ dân ở đường số 4 phải di dời vô khu tái định cư Phước Hải, nhưng đến nay khu tái định cư này mới san nền... Chính điều này đã gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Còn ở tuyến đường 28, việc đảm bảo an toàn của đơn vị thi công rất hời hợt. Các rãnh đào cống trên đường này rất nguy hiểm, nếu mưa lớn gây ngập, người dân vô tình rơi xuống các rãnh này thì nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, ban quản lý dự án phải kiểm tra kỹ và nhắc nhở nhà thầu”.

Trên đường 22 thuộc P.Phước Hải, TP Nha Trang nổi lên một đoạn cống phi 2.000mm dài cả trăm mét chắn dọc một phần đường, còn hố ga nhận nước thì nhô cao hơn mặt đường gần... 2m, gây ngập cục bộ ảnh hưởng đến 12 nhà dân.

Bà Lý Ngọc Dung cho biết đây là khu vực trũng, theo quy hoạch của tỉnh thì có dự án khu dân cư khác phải nâng cốt nền của khu vực lên 2-3m nhưng vì khủng hoảng kinh tế nên dự án này chưa triển khai, do vậy đường ống của dự án thoát nước phải nằm trên nền đường hiện hữu. Ông Lê Duy Hưng nói đã đi thực tế khu vực này và thấy bức xúc của dân là đúng nên đề nghị chủ đầu tư phải có giải pháp cho 12 hộ dân này.

Kiên quyết xử lý nhà thầu yếu, không đủ năng lực

Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - khá bức xúc khi nghe báo cáo về tình trạng một số nhà thầu của dự án triển khai thi công ì ạch. “Những nhà thầu yếu, không đủ năng lực thì phải kiên quyết xử lý, chứ không phải cảnh báo đi cảnh báo lại rồi để dự án chậm tiến độ được. Chúng ta mới giải ngân được 50% vốn tài trợ của WB, nếu làm không đúng tiến độ cam kết thì nhà tài trợ cắt vốn, tỉnh không có tiền đâu bỏ vô” - ông Vinh nói. Ông Vinh cũng yêu cầu các sở ngành liên quan cùng vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ dự án.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên