16/12/2012 21:56 GMT+7

Dự trữ sinh quyển Kiên Giang: tranh luận quyết liệt

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Ngày 16-12 tại Phú Quốc đã diễn ra hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang - Việt Nam với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước.

jWXFZjzI.jpgPhóng to
Các chuyên gia nước ngoài thảo luận bên hành lang hội thảo

Hội thảo kéo dài cả ngày với nhiều tranh luận quyết liệt giữa một số diễn giả có quan điểm chưa thống nhất giữa khai thác tối đa tài nguyên để phục vụ phát triển kinh tế hay dừng lại để bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Các tham luận và những ý kiến trình bày tại hội thảo đều cho rằng khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (được UNESCO công nhận năm 2006) với diện tích gần 1,2 triệu ha rất giàu tiềm năng phục vụ nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch và nuôi trồng thủy sản.

Nhiều nhà khoa học cảnh báo việc khai thác tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên để phát triển kinh tế của Kiên Giang lâu nay có thể làm suy giảm sự đa dạng sinh học.

GS.TSKH Vũ Quang Côn - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - cho rằng việc cho phép đầu tư nhà máy và khai thác đá vôi để sản xuất ximăng ở huyện Kiên Lương là một sai lầm lớn của các cấp quản lý nhà nước. Ông Côn kiến nghị phải dừng ngay việc khai thác đá vôi để làm ximăng tại Kiên Giang trước khi quá muộn.

Cũng chung nhận định, GS Manfred Nickis - giám đốc Franfurt Zoo, Đức - nói: “Hệ sinh thái núi đá vôi rất quan trọng, có thể là yếu tố để Kiên Giang thu hút khách du lịch. Những giá trị này khi mất đi thì nguồn tài chính từ sản xuất ximăng không thể bù đắp. Không thể vừa nói bảo tồn nguồn tài nguyên quý hiếm này trong khi vẫn tiếp tục khai thác nó. Chúng ta có cần thiết đánh đổi như thế hay không?”.

2v2THsax.jpgPhóng to
TS Võ Sĩ Tuấn đề nghị thành lập trung tâm quan trắc môi trường biển Phú Quốc

Ông Bùi Ngọc Sương - phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho rằng Kiên Giang nằm trong quy hoạch ngành sản xuất ximăng đã được Chính phủ phê duyệt từ cách đây nhiều năm và đến nay không khai thác thêm nữa. PGS.TS Thái Thành Lượm - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Kiên Giang - cho hay theo quy hoạch, trữ lượng khai thác đá vôi còn hơn 173.000 tấn và hiện UBND tỉnh đã tạm cấm khai thác.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang - cho rằng cần nhìn nhận việc khai thác đá vôi trong bối cảnh lịch sử của nó.

“Không thể cứ ôm khư khư bảo tồn tất cả mà cần xác định cái gì cần bảo tồn, cái gì khai thác để phục vụ phát triển”, ông Nam nói. GS.TSKH Vũ Quang Côn không đồng tình và cho rằng không thể nói đã có quy hoạch thì cứ khai thác vô tội vạ. “Quy hoạch không phải lúc nào cũng đúng, vấn đề là các nhà quản lý phải biết nhận thấy mình sai và biết dừng lại đúng lúc để mai này không phải hối tiếc” - ông Côn nói.

Tương tự, TS Nguyễn Văn Hảo - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - đánh giá việc cho doanh nghiệp nuôi tôm trên 4.000ha ở vùng đồng cỏ bàng Kiên Lương đã đem lại lợi ích kinh tế rõ rệt. “Nếu không có nuôi tôm thì đến nay có lẽ nơi này vẫn chỉ là những cánh đồng năng” - ông Hảo mô tả.

TS Trần Triết tự nhận mình là “người chăn sếu” cho rằng 4.000ha không đáng gì trong hàng triệu ha nuôi tôm cả nước, nhưng là nơi hội tụ của đàn sếu 300 con, chiếm 90% đàn sếu cả nước và bằng 40% lượng sếu của cả thế giới. “Bảo tồn đồng cỏ bàng, bảo tồn đàn sếu là trách nhiệm của Kiên Giang đối với cả nước, đối với thế giới” - ông Triết đối lại.

Riêng với Phú Quốc, các nhà khoa học cho rằng đây là hòn đảo có đặc thù đa dạng sinh học, vừa có vùng ngập mặn, có sông núi nước ngọt, có cả rừng tràm... mà không nơi nào có được. Do đó ngay từ bây giờ phải có giải pháp bảo vệ thiên nhiên, môi trường của hòn đảo này để không chỉ ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu mà phải đối phó với chính sự phát triển kinh tế ở đây trong tương lai.

9SDHolqz.jpgPhóng to
Kiên Giang được đánh giá cao về đa dạng sinh học. Trong ảnh: quần thể dơi tại vườn quốc gia U Minh Thượng

“Chính phủ đã xác định xây dựng Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc trung ương. Tôi đang lo là chúng ta phải làm thế nào đây để ứng phó với áp lực của các nhà đầu tư khi họ quăng tiền vào đây và họ chỉ muốn làm theo ý họ” - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân quan ngại.

TS Võ Sĩ Tuấn - phó viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - đề nghị thành lập trung tâm quan trắc môi trường biển Phú Quốc để giám sát, đánh giá chất lượng môi trường cho Phú Quốc và cả vùng biển Tây.

Các nhà khoa học cho rằng Kiên Giang cần khai thác thương hiệu của một khu dự trữ sinh quyển để phát triển du lịch hơn là “ăn vào tài nguyên” và tạo điều kiện để người dân, nhà đầu tư được hưởng lợi từ thương hiệu đó và cùng chung sức bảo vệ. Đồng thời hạn chế tình trạng có những dự án “du lịch sinh thái” nhưng lại can thiệp và tàn phá tự nhiên vô tội vạ.

“Chúng ta cần đảm bảo rằng việc phát triển loại hình du lịch sinh thái phải rất cẩn trọng để không đánh mất điểm cốt lõi là động lực của đam mê du lịch, đó là đa dạng sinh học cao và hiện trạng sinh thái tự nhiên mà khu dự trữ sinh quyển đang nỗ lực bảo vệ” - bà Katherine Muller-Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, khuyến cáo.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên